Bệnh viện thành công ty
Đây là một trong những điểm nổi bật trong Quyết định số 1129/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1129) ngày 21/7/2015 về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương.
Theo đó, Bệnh viện GTVT Trung ương, đơn vị đang trực thuộc Cục Y tế (Bộ GTVT), sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa sẽ có tên mới là Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Bệnh viện công đầu tiên thoát bao cấp này sẽ có hình thức cổ phần hóa là vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (vốn điều lệ 168 tỷ đồng, tương ứng 16,8 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).
Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ ở mức 30%.
Trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, Nhà nước dự kiến chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ (tương đương 5,04 triệu cổ phần). Cụ thể, tổng số 16,8 triệu cổ phần của Bệnh viện, Nhà nước nắm giữ 5,04 triệu cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động là 1,768 triệu cổ phần, tương ứng 10,52% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 5,04 triệu cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai là 4,952 triệu cổ phần, chiếm 29,48% vốn điều lệ.
“Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và thực hiện niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT trên thị trường chứng khoán”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Dự kiến, thời điểm IPO Bệnh viện GTVT sẽ không muộn hơn quý III/2015.
Xét về lý thuyết, sau khi có được nhà đầu tư chiến lược và IPO hoàn tất, một nhà đầu tư có thể nắm giữ tối đa 59,48% vốn điều lệ. Nếu muốn giành quyền chi phối tuyệt đối ở mức 65% để hoàn tất quá trình M&A, nhà đầu tư cũng có thể mua gom phần cổ phiếu bán ưu đãi cho người lao động, nhưng phải đợi tới khi loại cổ phiếu này được phép chuyển nhượng.
Để tăng tính khả thi cho phương án cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bệnh viện GTVT Trung ương được kế thừa một loạt chính sách ưu đãi đã ban hành trong lĩnh vực y tế công lập như miễn tiền thuê đất; áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động.
“Phương án cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương được thông qua sẽ mở toang ách tắc trong việc xã hội hóa các cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Cửa vẫn mở cho cổ đông chiến lược
Liên quan đến kế hoạch bán chiến lược, trong Quyết định 1129, Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tiêu chí và quyết định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, gắn bó lâu dài và có phương án kinh doanh hiệu quả.
Trước đó, trong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư được kèm Dự thảo Phương án cổ phần hóa Bệnh viện vào cuối tháng 3/2015, Bộ GTVT đề xuất nhà đầu tư chiến lược phải có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở nên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, nhà đầu tư chiến lược không nhất thiết phải có vốn chủ sở hữu lớn như vậy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, góp ý này là xác đáng và sẽ được ghi nhận chỉnh sửa để mở rộng hơn cơ hội tham gia của các nhà đầu tư trên vai trò là cổ đông chiến lược
Trong Văn bản số 2758/BKHĐT - PTDN, góp ý phương án cổ phần hóa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho ý kiến: “Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Bệnh viện thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thông qua đấu giá giữa các nhà đầu tư, đảm bảo thu được lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp”.
Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, sau khi cổ phần hóa bệnh viện này, Bộ GTVT dự kiến sẽ bán tiếp cổ phần ở một số đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc ngành, hoạt động trong hệ thống y tế, giáo dục, trong đó có Bệnh viện Nam Thăng Long.