Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh được Văn phòng Chính phủ truyền đạt tại văn bản số 4178/VPCP-ĐMDN liên quan đến phương án thí điểm CPH Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất.
Cụ thể, sau 3 tháng kể từ khi phương án CPH cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên cả nước được trình Chính phủ, đã có các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Bộ Lao động – thương binh và xã hội tham gia ý kiến.
Trong văn bản góp ý về phương án CPH Bệnh viện, Bộ Tài chính cơ bản đồng ý với những cơ chế hỗ trợ cho Bệnh viện GTVT trong giai đoạn hậu cổ phần hóa, bao gồm: ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất; thuế suất thu nhập doanh nghiệp; bán cổ phần ưu đãi cho các lao động là các chuyên gia, bác sỹ giỏi…
Một trong những điểm cần cần chỉnh sửa đầu tiên là ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng, Bệnh viện GTVT Trung ương hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nên nhà đầu tư chiến lược không nhất thiết phải có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, góp ý xác đáng này sẽ được ghi nhận để mở rộng hơn cơ hội tham gia của các nhà đầu tư với vai trò là cổ đông chiến lược.
Liên quan tới tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ khi CPH Bệnh viện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Nhà nước nắm giữ tới 30% vốn điều lệ để đảm bảo sự ổn định và kế thừa như đề xuất của Bộ GTVT là “chưa thực sự thuyết phục”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, với các quy định hiện hành, Nhà nước không cần nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ y tế. Đồng thời, theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014, tỷ lệ nắm giữ 30% vốn điều lệ không có nhiều ý nghĩa khi biểu quyết, hoặc phủ quyết những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp cổ phần.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT cân nhắc lại đề xuất lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Bệnh viện GTVT là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T trong số 4 doanh nghiệp đề nghị được tham gia làm cổ đông chiến lược khi tiến hành IPO.
“Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Bệnh viện thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thông qua đấu giá giữa các nhà đầu tư, đảm bảo thu được lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đông cho ý kiến.
Được biết, vào thời điểm phương án CPH được trình Chính phủ (31/3/2015), Bộ GTVT đã nhận được đơn xin tham gia làm cổ đông chiến lược của Tập đoàn Vingroup, T&T và 2 đối tác nước ngoài đến từ Singapore và Malaysia.
Ngoài ra, đối với đề xuất “được tiếp tục duy trì nguồn ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên hàng năm cho Bệnh viện để trả lương cho người lao động (25 tỷ đồng/năm) trong vòng 3 năm sau khi cổ phần hóa”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị không áp dụng do vừa không phù hợp với Luật Doanh nghiệp cũng như tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Đây là một trong những điểm hiếm hoi mà các bộ, ngành chưa tìm được tiếng nói chung liên quan đến phương án CPH Bệnh viện GTVT.
Ủng hộ đề nghị của Bộ GTVT, Bộ Y tế cho rằng, trong trường hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa thống nhất việc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ khám chữa bệnh làm cơ sở thanh toán thì cần tiếp tục duy trì “bầu sữa ngân sách” cho Bệnh viện theo mức tính toán và thời gian hỗ trợ phù hợp.
“Đây là điều cần thiết để tránh việc sau khi CPH thì doanh nghiệp sẽ chuyển hướng đầu tư, thu hẹp hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn lo ngại.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2015, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương.
Theo đó, Bệnh viện sẽ có hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Bệnh viện có giá trị doanh nghiệp 158,54 tỷ đồng này (trong đó, giá trị phần vốn nhà nước là 158,5 tỷ đồng) dự kiến sẽ có số vốn điều lệ 168 tỷ đồng, tương ứng 16,8 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).
Trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, Nhà nước dự kiến nắm giữ 30% vốn điều lệ; 8,7% bán ưu đãi cho người lao động; 30% bán cho nhà đầu tư chiến lược; 31,3% bán đấu giá công khai.
Để tăng tính khả thi cho phương án cổ phần hóa, Bệnh viện GTVT Trung ương đề nghị được kế thừa một loạt chính sách ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong lĩnh vực y tế công lập, như thuê đất, miễn tiền thuê đất; thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Cần phải nói thêm rằng, Bệnh viện GTVT Trung ương là một cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực khám và điều trị y tế tại Việt Nam. Đây là bệnh viện nằm ngay khu vực trung tâm TP. Hà Nội với diện tích lên tới 21.200 m2 tại ngõ 1194 - đường Láng (quận Đống Đa) và đang hoàn thiện dự án xây dựng nhà điều trị 7 tầng cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại trị giá 15 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OFID).
Bộ GTVT cho biết thêm, phương án CPH Bệnh viện sẽ được bộ này chỉnh sửa lại và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng này, để kịp tiến độ IPO trong quý III/2015.