Cấu trúc tài chính yếu ảnh hưởng đến tính bền vững của doanh nghiệp
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng.
Tín dụng trung - dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ). Bên cạnh đó, năm 2019 cũng là năm bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi quy mô thị trường tăng mạnh, lên hơn 10% GDP.
Điều đó cho thấy một đặc điểm quan trọng trong bức tranh tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam trong một thập kỷ vừa qua, đó là vẫn dựa nhiều vào vay nợ.
Cấu trúc tài chính của doanh nghiệp vững mạnh là tỷ lệ tối ưu giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay nhằm đảm bảo tối ưu giá trị của doanh nghiệp.
Có nghĩa là doanh nghiệp sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính hợp lý và linh hoạt trong điều kiện đáp ứng chiến lược kinh doanh, cũng như các điều kiện của thị trường vốn, đặc biệt là lãi suất.
Trong quá khứ, không thiếu trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay quá mức dẫn tới sụp đổ, hoặc lâm vào tình trạng tài chính yếu kém buộc phải tái cấu trúc.
Công ty Sông Đà Thăng Long (STL) nhiều năm trước đã trong tình trạng 10 đồng lợi nhuận trước lãi vay (EBIT), thì có đến hơn 5 đồng được dùng để trả lãi ngân hàng với cơ cấu vốn vay/vốn chủ sở hữu lên đến 13 lần. Với tình trạng kinh doanh và tài chính kiệt quệ, STL sau đó buộc phải huỷ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE) và gần như vắng bóng trên thương trường.
Một điển hình khác là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Nợ vay trên báo cáo tài chính đầu năm 2016 lên đến 31.000 tỷ đồng trong tổng tài sản khoảng 48.800 tỷ đồng, đó là chưa kể các khoản vay dưới tên các cá nhân theo công bố của các ngân hàng chủ nợ.
Gánh nặng nợ vay đã buộc HAG phải tái cấu trúc triệt để trong 3 năm qua và phải nhờ sự trợ giúp từ Tập đoàn Trường Hải (Thaco) thông qua hợp tác chiến lược được công bố năm 2018 để có thể tái thiết lại hoạt động kinh doanh.
HAG đã buộc phải bán nhiều công ty con, bán các dự án đầu tư để giảm nợ vay.
Trường hợp gần nhất là Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Gánh nặng nợ vay lên đến 60% tổng tài sản đã khiến lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2018 khi thị trường không thuận lợi.
HSG buộc phải tái cấu trúc toàn diện, chuyển đổi và cắt giảm nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành phố, giảm hàng tồn kho để có thể giảm nợ vay khoảng 4.000 tỷ đồng năm 2019.
Cấu trúc tài chính yếu ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh trong ngắn và dài hạn. Trường hợp của HSG cho thấy vay nợ quá mức đã khiến lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, mất cân đối về dòng tiền.
Lợi nhuận biên của HSG giảm mạnh từ 8,4% năm 2016 xuống còn 1,2% trong năm 2018. Giá cổ phiếu của HAG và HSG hiện đã giảm về dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của cổ đông.
Xu hướng ngắn hạn
TS. Chris D’Souza, Giám đốc Tài chính (CFO) của CMA Australia đã chia sẻ trong một sự kiện gần đây về xu hướng ngắn hạn của các doanh nghiệp: "Mục tiêu chính là đáp ứng ngay tức thì những thông tin tài chính tác động đến giá cổ phiếu ngắn hạn, thay vì mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua vay nợ quá mức là công cụ có thể giúp doanh nghiệp thúc đẩy ngắn hạn doanh thu và lợi nhuận trên báo cáo tài chính, đồng thời đẩy giá cổ phiếu trước mắt, nhưng có thể tác động xấu đến kết quả kinh doanh trong dài hạn".
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đẩy mạnh đi vay khi dễ tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, càng khiến các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường vay vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã huy động được trên 230.000 tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp, con số cao kỷ lục, hơn cả giá trị trái phiếu chính phủ huy động được trong năm.
Đã có những cảnh báo về rủi ro liên quan đến một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với lãi suất cao so với mặt bằng lãi suất thị trường trong năm qua, đặc biệt đối với trái phiếu phát hành bởi các công ty kinh doanh bất động sản.
Việc vay nợ dễ dàng có thể khiến doanh nghiệp đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh vào các lĩnh vực rủi ro cao với kỳ vọng trước mắt có thể mang lại những con số báo cáo làm hài lòng thị trường.
Những lĩnh vực kinh doanh rủi ro là những lĩnh vực mà doanh nghiệp chưa xây dựng được năng lực lõi và thường có biến động không thể lường trước trong dài hạn. Những rủi ro mà HAG đã phải đối mặt khi quyết định phát triển sang lĩnh vực trồng cao su với nợ vay lớn từ giai đoạn 2010-2011 là một ví dụ điển hình.
Hướng tới phát triển bền vững
Chia sẻ của một chủ doanh nghiệp lớn về tình hình vay nợ quá mức gần đây đã khiến lợi nhuận biên của công ty sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển, thậm chí có thể khiến công ty buộc phải bán tài sản, cắt giảm quy mô để trả nợ.
Vay nợ quá mức đã khiến công ty phải luôn tạo ra dòng tiền định kỳ đủ trả lãi vay và đặc biệt là gốc vay.
Từ đó, doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào bán hàng và tính ổn định của thị trường kinh doanh để tạo ra dòng tiền. Để đẩy mạnh bán hàng, bất kể thị trường có thuận lợi hay không, đội ngũ bán hàng của công ty đã phải thực hiện rất nhiều đợt khuyến mại, giảm giá..., dẫn đến lợi nhuận biên ngày càng co hẹp.
Điều đó ngày càng khiến công ty khó khăn về dòng tiền và không thoát ra khỏi vòng xoáy đi xuống do cấu trúc tài chính yếu kém.
Năm 2019, có gần 200 doanh nghiệp đã thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn, qua đó huy động được trên 233.000 tỷ đồng. Việc vay nợ dễ dàng có thể khiến doanh nghiệp đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh vào các lĩnh vực rủi ro cao với kỳ vọng ngắn hạn làm hài lòng thị trường.
Trong môi trường kinh doanh biến động, tái tạo liên tục là yêu cầu cấp thiết với mọi doanh nghiệp, cho dù quy mô lớn hay nhỏ, hoạt động ổn định hay khó khăn. Tái cấu trúc tài chính sẽ là một trong những nội dung quan trọng nhất.
Doanh nghiệp sẽ phải xác định một cấu trúc vốn tối ưu để đảm bảo luôn trong tình trạng dòng tiền vững mạnh để tài trợ cho các kế hoạch phát triển, cũng như đặt mình vào vị thế an toàn tài chính để tránh ảnh hưởng bị động khi môi trường kinh doanh thay đổi.
Những doanh nghiệp đang vay nợ quá lớn cần xây dựng chiến lược tái cấu trúc tài chính phù hợp nhằm giảm nợ vay về mức tối ưu.
Trên góc độ kinh doanh, doanh nghiệp nên tránh chiến lược “quả mít”, có nghĩa là phát triển đa dạng hoá quá mức ra khỏi các hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và năng lực cốt lõi.
Phát triển đa dạng hoá sẽ khiến doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng huy động vốn, đặc biệt khi doanh nghiệp huy động lượng lớn vốn vay để tài trợ cho các dự án mới, trong khi không thể lường trước hết những rủi ro của lĩnh vực mới phải đối mặt.
Những dự án kinh doanh đa dạng, vượt khỏi năng lực lõi thường “ăn” rất nhiều tiền của doanh nghiệp, trong khi chưa tạo ra dòng tiền tương ứng để có thể chi trả chi phí vốn và gốc đầu tư.
Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, doanh nghiệp nên tính đến các kế hoạch mở rộng thị trường cho các sản phẩm sẵn có, hoặc phát triển các sản phẩm mới trên thị trường quen thuộc nhằm đảm bảo duy trì năng lực lõi và lợi thế cạnh tranh.
Phát triển kinh doanh sản phẩm mới trên thị trường mới có thể khiến doanh nghiệp chịu rủi ro rất cao trong việc đạt mục tiêu chiến lược, nhất là trong điều kiện không huy động được đủ nguồn lực tài chính.
Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững, tạo giá trị tối ưu cho cổ đông trong dài hạn của bất kỳ doanh nghiệp nào.