Diễn đàn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp tổ chức tại Nam Hội An mới đây, hay trước đó là Hội nghị các nhà đầu tư của VinaCapital, Dragon Capital đều thu hút đông đảo khách tham dự. Ba yếu tố giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài được nhắc đến, gồm ổn định về kinh tế và chính trị; đồng nội tệ ổn định trong vòng 2 năm tới và duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP.
Vốn hóa thị trường tính riêng trong 10 năm qua đã tăng 6 lần và hiện đạt xấp xỉ 200 tỷ USD. Nhắc đến con số này để thấy, hành trình 20 năm qua của thị trường chứng khoán từ những ngày đầu tiên với 2 cổ phiếu REE và SAM đến hôm nay là sự nỗ lực lớn của các thành viên thị trường.
Hàng nghìn doanh nghiệp đang cần mẫn sản xuất - kinh doanh, vượt lên nghịch cảnh để phát triển; hàng triệu nhà đầu tư vẫn nỗ lực bám sàn; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… miệt mài đóng góp cho thị trường phát triển.
Nhưng tăng trưởng không tự nhiên mà đến, cổ phiếu SAM hiện giờ chỉ leo lét, phản ánh hiện trạng hoạt động èo uột của doanh nghiệp, dù đã về tay những ông chủ mới.
Cũng không thể không nhắc đến những doanh nghiệp tỷ USD thành danh một phần nhờ thị trường như Vingroup, Vinamilk, Vietjet, FPT… Ðổi mới, sáng tạo liên tục là nét chung của những doanh nghiệp này.
Năm tới, thị trường chứng khoán sẽ bước sang tuổi 20. Ðể thị trường đạt được những thành công mới, không thể không nhìn lại những thực tế cần phải cải thiện.
Ðó là số lượng nhà đầu tư còn hạn chế, hiện mới chiếm khoảng 2,2% tổng dân số của Việt Nam; trong đó, có nhiều tài khoản không hoạt động.
Ðó là độ lệch của thị trường còn rất lớn giữa một nhóm cổ phiếu được ưa chuộng và phần đông các mã bị thờ ơ. Ðó là hiện tượng thao túng, làm giá chứng khoán còn phổ biến.
Ðó là tập sản phẩm chưa phong phú khiến nhà đầu tư ít có sự lựa chọn…
Trông người lại ngẫm đến ta, chỉ số Dow Jones (Mỹ) đã vượt kỷ lục mọi thời đại đạt trên 28.000 điểm. Vì sao kinh tế vĩ mô Việt Nam có triển vọng, các quỹ nhận định nhiều lạc quan, song VN-Index lại bấp bênh trồi sụt, giữ mốc 1.000 điểm vô cùng khó khăn?
Có lẽ đâu đó, thị trường còn có nhiều nút thắt, nhìn rộng hơn là môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều điểm bất định, khiến tâm lý nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn.
Khó quản trị được rủi ro trên thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư e ngại bỏ vốn.
Trong khi đó, các thành viên thị trường còn nhiều khát vọng. Chả nói đâu xa, những doanh nghiệp niêm yết đã đạt thị giá cổ phiếu được cho là đến giới hạn như Vietcombank còn đang ấp ủ các kế hoạch để lọt vào Top 300 ngân hàng thế giới; ngoài văn phòng tại Mỹ, tới đây sẽ mở văn phòng tại Úc.
Gemadept chưa thỏa mãn với tốc độ tăng trưởng 20% và đang chuẩn bị cho kế hoạch bùng nổ khi cảng Gemalink hoàn thành vào quý III/2020 đủ sức tiếp nhận những tàu container lớn nhất thế giới.
PNJ mở thêm chuỗi cửa hàng và sản phẩm vàng thời trang dành cho nam giới. Hay Hòa Phát nuôi khát vọng lọt vào Top 50 công ty thép hàng đầu thế giới…
Khó có thể phân định thị giá cổ phiếu như vậy là đã phản ánh giá trị thực của doanh nghiệp hay chưa.
Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp nhận xét, thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn quá thấp, thành thử nhà đầu tư nước ngoài muốn lấy thị trường Việt Nam sẽ tràn vào trả giá đến khi nào các cổ đông chấp nhận bán cổ phần thì thôi. Nói như vậy để thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, để có những bước chuyển đột phá.
Trong dòng chảy ấy, Báo Ðầu tư Chứng khoán, ấn phẩm gắn bó với thị trường chứng khoán suốt 20 năm qua, cũng đã nỗ lực trở thành một thành viên tích cực, phản ánh muôn mặt thị trường với tinh thần phản biện, xây dựng. “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, kỳ vọng rằng những nỗ lực kết nối các giá trị bền vững sẽ tiếp tục được lan tỏa.