Bẻ lái con tàu DN: Nóng vội sẽ chìm

(ĐTCK) Doanh nghiệp trong khủng hoảng tài chính giống như một con tàu đi trong bão tố, việc bẻ lái để chuyển hướng con tàu theo đúng chiều sóng gió, để an toàn không thể tiến hành nóng vội, kẻo tàu sẽ chìm.
Bẻ lái con tàu DN: Nóng vội sẽ chìm

Đó là quan điểm của bà Jo Iwasaki, Trưởng bộ phận Quản trị doanh nghiệp của Hội Kế toán công chứng xứ Wales (ICAEW) trong buổi nói chuyện trước đại diện nhiều thành viên Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về chủ đề “Quản trị doanh nghiệp hiện đại trong giai đoạn khủng hoảng tài chính” cuối tuần qua tại Hà Nội.

Là một chuyên gia có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn về quản trị doanh nghiệp, bà Jo Iwasaki cho biết, trong mỗi cuộc khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước lại chú ý nhiều hơn đến vấn đề quản trị doanh nghiệp. Nhưng để có thể trụ vững trước khó khăn, thử thách, doanh nghiệp cần phải có chiến lược phát triển tốt, xây dựng được mô hình kinh doanh bền vững từ trước đó thì mới có khả năng thích ứng tốt với những diễn biến bất lợi của môi trường kinh doanh.

Sự đổ vỡ của những ngân hàng lớn trên thế giới cũng như nợ xấu trong hệ thống tín dụng Việt Nam tăng cao trong thời gian qua là hậu quả của sự yếu kém trong quản trị rủi ro, khiến ngân hàng “trở tay không kịp” khi khủng hoảng nhà đất diễn ra.

Ông Trần Duy Cương, đến từ Công ty Kiểm toán Deloiite Việt Nam đặt vấn đề, trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua, phản ứng của đa số doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là co cụm lại, trong khi vẫn có những doanh nghiệp “bơi ngược dòng” thành công. Việc có hàng vạn doanh nghiệp phải giải thể và phá sản hàng năm phải chăng là một sự thất bại trong quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam?

Theo bà Jo Iwasaki, trong khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ được chia làm hai nhóm: Nhóm dễ bị tổn thương là những doanh nghiệp được thành lập để tận dụng những ưu đãi về chính sách và phản ứng của nhóm này trước khó khăn là co cụm lại. Nhóm thứ hai là nhóm có chiến lược phát triển bền vững ít bị ảnh hưởng, nhưng nhóm này cũng cần phải đi đúng đường hướng phát triển.

Trong quản trị doanh nghiệp thì trách nhiệm giải trình của ban giám đốc trước cổ đông rất quan trọng, minh bạch là chìa khóa để doanh nghiệp thành công.

Chỉ khi minh bạch trước cổ đông, doanh nghiệp mới có thể nhận được sự chia sẻ, ủng hộ với những kế hoạch huy động vốn khi cánh cửa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trở nên hẹp hơn.

Bà Jo chia sẻ ví dụ, thời gian qua, một doanh nghiệp niêm yết tại Anh dù hoạt động tốt, có lợi nhuận tăng cao, nhưng thanh tra thuế đã phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiệu chuyển giá, tránh thuế. Hậu quả là cổ phiếu của doanh nghiệp này đã mất giá khá mạnh do nhà đầu tư mất niềm tin vào ban lãnh đạo doanh nghiệp.

“Nhà quản trị doanh nghiệp cũng cần phải biết quản trị tốt cả vấn đề nộp thuế”, bà Jo khuyến cáo.

Hương Giang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục