Bẫy tâm lý khi đầu tư chứng khoán

(ĐTCK) Đầu tư là con đường bộc lộ những khiếm khuyết về tâm lý của ta - đó có thể là lòng tham, sự mê đắm quyền lực hay địa vị xã hội, hay bất kỳ lỗi lầm tâm lý nào. Tâm lý học hành vi giúp ta nhận ra nhiều điều rất hữu ích trong đầu tư cũng như hiểu về chính mình. 
Bẫy tâm lý khi đầu tư chứng khoán

Động cơ lớn nhất là lợi ích

Charlie Munger vốn là người nổi tiếng thâm thúy và sâu sắc, ông được Monish Pabrai đánh giá là còn sâu sắc hơn cả Warren Buffett ở khía cạnh tâm lý con người, nhưng vẫn không ngừng ngạc nhiên trước sự biến đổi, những điều tác động mạnh mẽ tới tâm lý con người, xuất phát từ các động cơ trong công việc.

Một trong những động cơ lớn nhất khi con người làm một việc đó là lợi ích mang lại, khi phần thưởng mang lại lớn sẽ dễ dẫn tới các cảm xúc mạnh mẽ, phấn khích, từ đó tác động tới hành vi. Trong một số ngành nghề như tài chính, giáo dục, y tế, luật…, khi chênh lệch thông tin, trình độ giữa người cung cấp dịch vụ và người mua lớn thì điều này có thể bị lợi dụng nhằm trục lợi cho cá nhân cung cấp.

Lấy một ví dụ trong thị trường chứng khoán: Môi giới là bộ phận mang lại nguồn thu lớn cho các công ty chứng khoán, bên cạnh đó, một nguồn thu cũng lớn không kém là cho vay ký quỹ.

Vậy động cơ để bộ phận môi giới hoạt động là phải tối đa hóa lợi nhuận từ hai nghiệp vụ này, các hệ thống hay con người sinh ra để phục vụ cho việc tạo thật nhiều giao dịch, làm khách hàng vay nhiều nhất có thể.

Giữa lợi nhuận của khách hàng và công ty chứng khoán khó đồng nhất, vì càng giao dịch nhiều, chi phí sẽ càng lớn, cùng với đòn bẩy luôn là con dao hai lưỡi, tác động rất lớn tới cảm xúc và quá trình đầu tư. (Warren Buffett chưa bao giờ sử dụng nợ, vì ông nhận thức được mức độ nguy hiểm của nó. Lần duy nhất ông dùng nợ là lúc cầm cố căn nhà khi sự nghiệp ở giai đoạn đầu, nhưng nhanh chóng trả hết nợ sau đó). Những bộ phận khác trong công ty như tự doanh, phòng IB (Investment Banking) đều có thể có mối liên quan lợi ích tới bộ phận môi giới.

Với các công ty quản lý quỹ, quản lý chủ động nhiều quỹ nhỏ có mục tiêu, chiến lược khác nhau, thường có xu hướng đổ tiền vào các công ty đầu ngành (bluechips) và danh mục đầu tư dàn trải nhằm phân tán rủi ro, khiến diễn biến của danh mục có độ tương quan cao so với thị trường. Theo đó, họ giống như là người đi sưu tầm tài sản hơn là tìm kiếm các công ty tuyệt vời có định giá hấp dẫn. Kết quả là trong dài hạn, các quỹ này khó có thể chiến thắng được thị trường.

Đáng chú ý, công việc của các công ty quản lý quỹ đó chủ yếu là quảng bá hình ảnh của quỹ tới nhiều nhà đầu tư nhất có thể, tạo lập nhiều quỹ nhỏ với các khoản đầu tư vào cả trăm công ty. Tại một thời điểm, các quỹ lời/lỗ đan xen, những quỹ lời sẽ được quảng cáo rầm rộ hơn để thu hút thêm vốn.

Họ sẽ thu phí quản lý cố định để mang lại dòng tiền đều, trang trải cho chi phí hoạt động (thường khoảng 1 - 2% chi phí quản lý tính trên giá trị tài sản ròng của quỹ), bất kể quỹ lời lỗ như thế nào, cùng với 20% lợi nhuận nếu quỹ sinh lời trong năm tài chính.

Các nhà quản lý quỹ thành công hiện nay đều cho rằng, cấu trúc chi phí của công ty hợp danh mà Warren Buffett quản lý là tối ưu nhất nếu xét trong dài hạn. Ông không thu phí quản lý cố định, mà sẽ nhận 1/4 lợi nhuận (tức 25%) nếu quỹ sinh lời vượt 6%/năm.

Thoạt nhìn có vẻ không thấy sự khác biệt, nhưng cấu trúc phí của Warren Buffett được rất nhiều nhà quản lý quỹ cho là tối ưu. Bởi vì, chiến thắng thị trường là một công việc rất khó khăn và phần thưởng chỉ xứng đáng khi họ mang lại giá trị lớn cho cổ đông và nhà đầu tư.

Về thông tin, các tin tức có thể được công bố với mục đích cụ thể, bởi đứng sau là những lợi ích liên quan. Các nhà đầu cơ lão luyện rút ra một kinh nghiệm đáng giá là những tin tức đôi khi không khách quan và bị kiểm soát bởi một nhóm lợi ích khác, có thể là đội lái, ban lãnh đạo công ty… Những thứ chúng ta đọc là những thứ họ muốn chúng ta thấy. Nói một cách thẳng thắn là như vậy, nên quá trình chọn lọc thông tin, đánh giá rất quan trọng và cần tính độc lập.

Theo quan điểm của người viết, việc nhận ra những góc khuất này giúp nhà đầu tư tỉnh táo hơn trong việc chọn đối tác và người đồng hành, nhận ra mình đang ở trong bối cảnh nào và chọn lọc những điều đúng đắn, phù hợp.

Cần tránh các “bẫy” tâm lý

Một người được giáo dục tử tế, trong một môi trường có chuyên môn, chất lượng cao ở Havard và Oxford như Guy Spier có một thời gian dài đi vào vòng xoáy của sự cám dỗ về tiền bạc, danh vọng khi làm việc ở D.H Blair. Đó có thể là hiểm họa. Tâm lý phản ứng mạnh mẽ với phần thưởng dễ khiến chúng ta xa rời bản chất của công việc, sự khách quan vốn có. Nhận thức được điều này, nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng, biết chọn lọc, suy nghĩ khách quan hơn. Kiềm chế được lòng tham, từ đó sẽ kiểm soát được cảm xúc.

Tâm lý yêu thích, ghét bỏ sản phẩm của doanh nghiệp khiến ta dễ mắc sai lầm khi đánh giá khoản đầu tư vào doanh nghiệp. Hai trạng thái tâm lý vô tình hình thành, một là yêu thích quá mức, hai là ghét bỏ mọi thứ khác, trong khi chưa xem xét một cách khách quan, đầy đủ.

Theo Perter Lynch, một trong những phẩm chất nên có của nhà đầu tư là nhìn sản phẩm dưới góc độ của người tiêu dùng, nhưng cần nhìn tổng quan vào những con số thực tế. Tuy nhiên, sau khi dành nhiều công sức để phân tích, nhà đầu tư lại dễ rơi vào trạng thái “mỏ neo”, tức là tin vào những gì mình phân tích, nhưng không xem xét thêm, dẫn tới các góc nhìn phiến diện.

Warren Buffet nổi tiếng là nhà đầu tư cẩn trọng, nhưng để ra được quyết định đầu tư, ông cũng phải tham khảo rất nhiều từ những người mà ông hâm mộ.

Charlie Munger từng nói, mục tiêu của ông là giữ cho bản thân chừng mực nhất có thể trong mọi quyết định của cuộc đời. Sự chừng mực giữ cho tâm trạng bản thân không thái quá, cân bằng hơn, tránh được bẫy tâm lý.

Sự đa nghi có thể giết chết sáng tạo, thành công và chúng ta tự cô lập bản thân trong vòng luẩn quẩn của suy nghĩ, mãi không thoát ra được. Nhưng trong một số trường hợp, cảm xúc hào hứng, lo sợ lại xóa đi nhanh chóng sự đa nghi này theo tác động của tâm lý đám đông.

Tại Nhật Bản từng có những cuộc thử nghiệm 100 người đuổi 1 người, người này chưa hiểu đầu đuôi, sự tình thế nào nhưng thấy 100 người đuổi tới, họ cũng chạy. Chúng ta không nhất thiết phải đi ngược đám đông, nhưng có thể không làm theo họ, mà ra quyết định độc lập.

Tâm lý thiếu nhất quán trong tư duy khiến nhà đầu tư khó thay đổi, chấp nhận những cái mới. Trong đầu tư, tuổi tác hay số năm kinh nghiệm nhiều khi chỉ là những con số, quan trọng nhất vẫn là tư duy đúng đắn ngay từ đầu, để xây những nền móng vững chắc và đi xa được.

Chúng ta sử dụng một phương pháp mà không hiểu cách sử dụng và tính nền tảng của phương pháp đó thì rất dễ bị phá vỡ nguyên tắc. Thật khó có thể tưởng tượng được một tương lai lạc quan cho nhà đầu tư cá nhân chỉ việc bỏ tiền vào cầu may rủi trong mọi kênh đầu tư mà không có kỹ năng cần thiết, nóng ruột muốn làm giàu nhanh chóng.

Tâm lý so sánh cũng nên được loại bỏ, vì con đường để hiểu và thành công với đầu tư giá trị rất dài, trên con đường đó, chúng ta có thể gặp được nhiều bạn đồng hành và những người thuộc trường phái khác. Tại thời điểm đó, họ có thể đạt mức sinh lời tốt hơn nhiều chúng ta, nếu lòng đố kỵ xuất hiện thì rất dễ khiến ta lạc lối. Warren Buffett có quan điểm, nếu bạn tiếp tục so sánh, bạn sẽ luôn gặp người giỏi hơn mình và chưa kể sẽ có kẻ gian lận trong đó và bạn sẽ luôn là người thua cuộc với tâm lý tức giận.

Chính sự so sánh của Guy Spier với các đồng môn của mình tại Havard Business School đã khiến ông có những thay đổi theo hướng tiêu cực. Thay vì tiết kiệm chi phí trong giai đoạn đầu thành lập quỹ, ông thuê một văn phòng sang trọng hơn tại New York, khiến ông phải suy nghĩ rất nhiều về việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh cho quỹ đầu tư theo cách “lôi kéo” nhiều hơn - chi tiền cho các công ty quảng cáo.

Tâm lý liên kết sự kiện trong quá khứ đôi khi là một cái bẫy khiến nhà đầu tư ngủ quên trong chiến thắng. Thông thường, con người sẽ phân tích những thất bại của người khác hoặc chính bản thân họ, nhưng khi họ chiến thắng thì rất dễ “vỗ ngực” tự hào mình là số một. Thời gian, địa điểm và hoàn cảnh khác nhau đã tạo nên sự thành công ấy, nhưng đó không phải là công thức cho mọi sự thành công khác. Một số nhà đầu tư vì ngủ quên trong chiến thắng mà không chịu được những thất bại đang diễn ra ở thực tại.

Một người bạn của Phil Town đã nắm giữ cổ phiếu của một công ty trong nhiều năm vì lời khuyên của chồng rằng, công ty chia cổ tức tiền mặt đều đặn qua các năm, chứng tỏ đây là dấu hiệu công ty vẫn làm ăn được. Sau khi công ty phá sản thì sự thực được phơi bày. Thực tại diễn ra quá đau đớn tới mức họ không dám chấp nhận, thay vào đó là tâm lý chống lại thực tại, mà không có sự xem xét một cách thực tế.

Theo Guy Spier, đầu tư là con đường bộc lộ những khiếm khuyết về tâm lý của ta - đó có thể là lòng tham, sự mê đắm quyền lực hay địa vị xã hội, hay bất kỳ lỗi lầm tâm lý nào. Bộ não con người được thiết kế không phù hợp với hành vi đầu tư và rất dễ rơi vào trạng thái phi lý trí khi đối diện với tiền bạc. Nghiên cứu về tâm lý học hành vi là một trong năm trụ cột trong đầu tư, tổng quan là phát triển toàn diện hơn cuộc sống của một con người đặt trong các mối quan hệ xã hội.

Nguyễn Đại Hiệp - Email: hiep.buh@gmail.com

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục