Bày cách an cư nơi đô thị cho người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin lương cơ bản tăng từ ngày 1/7/2024 đã nhen nhóm “ngọn lửa” mua nhà của nhiều người lao động khi thu nhập tăng lên, nhưng nếu chỉ trông chờ vào lương để mua nhà đất ở thành phố có lẽ là điều không tưởng.
Mua nhà ở thành phố lớn là bài toán không dễ giải, nhất là với người trẻ. Mua nhà ở thành phố lớn là bài toán không dễ giải, nhất là với người trẻ.

Loay hoay tìm chốn an cư

Anh Công Danh (30 tuổi) cho hay, hai vợ chồng từ Thanh Hóa vào TP.HCM lập nghiệp được hơn 5 năm, anh làm việc cho một công ty xây dựng với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng, còn vợ làm kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ ở quận Gò Vấp, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Hiện 2 vợ chồng đang thuê căn nhà trọ với giá 4 triệu đồng/tháng tại đường Vườn Lài, quận 12.

Sau nhiều lần chuyển trọ vì những lý do khác nhau, vợ chồng anh tính đến chuyện mua nhà để ổn định cuộc sống. Song, vấn đề khiến kế hoạch này chưa thể triển khai là “tiền đâu để mua nhà?”.

Theo lời chia sẻ của anh Danh, thu nhập của 2 vợ chồng mỗi tháng chỉ khoảng 20 triệu đồng, trong khi có nhiều khoản cố định phải chi như tiền thuê nhà (điện, nước, internet…); tiền học của con gái 4 tuổi, chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình…, nên số tiền còn lại không đáng là bao, thậm chí còn có thể âm nếu có công việc đột xuất.

“Cuộc sống ở trọ bất tiện là điều hiển nhiên, nhất là khi trong nhà có con nhỏ, nên luôn ước ao mua được một căn nhà để sớm ổn định cuộc sống, dù diện tích nhỏ thôi cũng được. Thế nhưng, mọi việc đều rơi vào bế tắc khi không tìm được lời giải cho bài toán tài chính”, anh Danh tâm sự.

Dù không trong hoàn cảnh “giật gấu vá vai”, nhưng vợ chồng chị Tú Nhi (quê Bình Định) cũng loay hoay mãi mà vẫn chưa thể mua được căn nhà cho riêng mình. Theo lời kể của chị Nhi, chị vào TP.HCM làm việc và lập gia đình đến nay đã 10 năm.

Hai vợ chồng có đều có công việc ổn định với mức thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 35 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt thì cũng để ra được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm tích góp, sổ tiết kiệm của gia đình đã có 600 triệu đồng.

Gần đây, khi hay tin các chủ đầu tư đang triển khai bán hàng với nhiều chính sách ưu đãi và sẽ trừ thẳng vào giá bán của sản phẩm. Vợ chồng chị mạnh dạn đi xem dự án và tham dự các buổi lễ ra mắt, mở bán để “săn” chiết khấu, nhưng chưa thể đưa ra quyết định “xuống tiền”.

Chị Nhi cho biết, dự án gia đình chị đang nhắm đến nằm ở khu vực quận 9 cũ (nay là TP.Thủ Đức), cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km. Do khả năng tài chính có hạn nên cũng chỉ hướng đến căn hộ có 1 phòng ngủ với diện tích 50 m2. Thế nhưng, sau khi trừ các khuyến mại và chiết khấu thì giá của căn hộ này vẫn ở mức cao, hơn 2,5 tỷ đồng (giá chưa chiết khấu là hơn 2,7 tỷ đồng).

“Như vậy, nếu quyết định mua thì vợ chồng tôi phải vay mượn thêm gần 2 tỷ đồng. Trong đó, người thân và bạn bè chỉ có thể cho mượn được khoảng 700 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 1 tỷ đồng phải làm hồ sơ vay ngân hàng. Sau nhiều lần tính tới tính lui, vợ chồng tôi vẫn chưa thể đưa ra quyết định vì sợ không thể gánh nổi áp lực nợ vay. Hơn nữa, cuối năm nay tôi lại sinh con, gia đình đón thêm thành viên mới cần nhiều khoản phải chi nên không dám liều”, chị Nhi bộc bạch.

Thực tế, câu chuyện của anh Danh hay chị Nhi chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp người lao động ngoại tỉnh muốn tìm chốn an cư tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, song không phải ai cũng tìm được lời giải cho bài toán khó này.

Gỡ khó cách nào?

Cũng là người ngoại tỉnh vào TP.HCM làm việc và sinh sống, song anh Tiến Thịnh (56 tuổi, quê Bình Thuận) lại có góc nhìn khác về vấn đề “an cư”. Anh chọn đi thuê trọ ở gần nơi làm việc, thay vì cố gồng để mua nhà bằng được.

Các bạn trẻ nên ngừng than vãn tiền lương không đủ mua nhà, bởi thế hệ đi trước ngoài nỗ lực kiếm tiền cũng phải có nhiều nguồn hỗ trợ khác thì mới có thể mua được nhà.

Theo chia sẻ của anh Thịnh, nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn giữ quan niệm “an cư rồi mới lạc nghiệp”, tức là ở đâu phải mua nhà ở đấy trước khi nghĩ đến làm việc khác. Tuy nhiên, theo quan điểm của anh thì “an cư” ở đây thực ra chỉ là việc ổn định một chỗ ở, nghĩa là có thể thuê một chỗ nào đó để ở, ổn định được thì tốt và có thể là gần nơi làm việc để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Như vậy, khi thay đổi nơi làm việc thì có thể dọn nhà đi ngay, tìm thuê một chỗ khác, thậm chí ở địa phương khác hoặc nước khác. Nếu nghĩ theo hướng như vậy, áp lực phải mua nhà bằng mọi giá sẽ không lớn đến mức khiến chúng ta phải mệt mỏi.

“Nói vậy không có nghĩa là tôi phản đối chuyện mua nhà nếu bạn thực sự có điều kiện để mua, song sẽ rất rủi ro cho những người có ít tiền trong tay nhưng muốn mua nhà ở gần trung tâm thành phố. Cuối cùng, động lực vay mua nhà biến thành áp lực khiến chúng ta căng thẳng, không thể làm việc được”, anh Thịnh nói.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, anh Thịnh cho biết, với khoản tiền nhỏ trong tay và khoản thu nhập từ lương hàng tháng sẽ chẳng bao giờ mua được nhà khu vực trung tâm thành phố. Cuối cùng, tiền cầm trong tay ngày càng mất giá, thế nên mới có người “cày cuốc” tích lũy từ vài trăm triệu đồng, rồi 1 tỷ, 2 tỷ..., nhưng sau nhiều năm vẫn không mua được nhà.

Bài toán lúc này sẽ là “đi xa để trở về”, nghĩa là khi nhận những tháng lương đầu tiên thì phải nghĩ ngay đến việc tích góp để mua nhà, đất đầu tư. Khi nào có vài trăm triệu trở lên là phải tiến hành kế hoạch ngay (có thể sử dụng đòn bẩy tài chính), bất kể mua ở đâu, xa hay gần, to hay bé, nhà hay đất... cũng đều được.

Khi đó, người mua chỉ cần quan tâm đến một số yếu tố như pháp lý đã đầy đủ chưa, nhà đất có tranh chấp hay không, có cho thuê được không, khi cần có bán được ngay không, sau một vài năm thì căn nhà hoặc mảnh đất đó có lên giá hơn so với gửi tiền tiết kiệm không...? Nếu đạt được những yếu tố này thì nên xuống tiền ngay, tuyệt đối đừng quan niệm chuyện xa hay gần bởi có thể xa với mình, nhưng gần với người khác.

Sau khi mua hãy tìm cách cho thuê, có thể dùng số tiền kiếm được từ đó để chi trả cho khoản thuê nhà của mình. Dĩ nhiên, nếu mua được chỗ nào có thể ở được ngay vẫn là tốt nhất, còn nếu không làm được vậy thì đi thuê trọ và dồn tiền mua nhà cho thuê là một cách đầu tư hiệu quả.

Đến một thời điểm nào đó, ở một độ tuổi nào đó, khi thấy đã tích lũy đủ và muốn ổn định cuộc sống thì có thể bán các bất động sản cho thuê và tìm một nơi ở mới.

“Bản thân tôi đã ở nhà thuê khoảng 30 năm nhưng vẫn có nhà cho thuê. Đến tận năm 50 tuổi, tôi mới chính thức dọn về ở trong căn biệt thự mà mình đứng tên”, anh Thịnh chia sẻ.

Khi đưa vấn đề này lên các diễn đàn bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng, các bạn trẻ nên ngừng than vãn tiền lương không đủ mua nhà, bởi thế hệ đi trước ngoài nỗ lực kiếm tiền cũng phải có nhiều nguồn hỗ trợ khác thì mới có thể mua được nhà.

“Thế hệ Gen Z bây giờ kiếm tiền dễ, nhưng vẫn chật vật mua nhà. Theo tôi thì thời nào cũng thế thôi, ai cũng phải vất vả kiếm tiền và tích lũy cả. Nếu chỉ trông chờ vào việc làm công ăn lương để mua nhà đất là điều không tưởng. Thay vào đó, khi có trong tay 1 đồng thì phải nghĩ đến việc sử dụng 1 đồng đó sinh lời ra sao theo cấp số nhân, chứ không phải có 1 đồng đã tiêu 2 đồng mất cả gốc thì còn đâu ra để mua bất động sản, trong khi nhà đất thì thời nào cũng thế, luôn luôn là tài sản giá trị và bền vững”, anh Nguyễn Kim Cường - một nhà đầu tư ngụ tại quận 8, TP.HCM chia sẻ.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục