(...Tin cập nhật)
Bị cáo Lê Vũ Kỳ: Xin Hội đồng xét xử xem xét để có thể phụng dưỡng mẹ già 97 tuổi
Theo bị cáo Kỳ, trong quá trình đổi mới các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, đang hoànthiện nên còn hết sức phức tạp, khi bị cáo tham gia họp HĐQT đã dựa vào ý kiến chuyên môn của các bộ phận chức năng trong ngân hàng.
“Thực tế tôi không lường hết các rủi ro. Vì thế tôi mong Hội đồng xét xử xem xét chiếu cố cho tôi nhận thức các vấn đề pháp luật quá phức tạp”, bị cáo Kỳ nói.
Bị cáo Kỳ trình bày sinh ra trong gia đình cán bộ, bố tôi là nhà giáo, tôi đi học ở nước ngoài, là tiến sĩ, khi trở về làm việc trong các đơn vị nhà nước. Khi bị khởi tố, ông đã hết sức thành khẩn khai báo theo đúng sự thật.
Bị cáo Kỳ cũng trình bày nhiều thành tích với ACB như triển khai hệ thống công nghệ thông tin tại Ngân hàng, ứng dụng hệ thống quản lý của nước ngoài, đóng góp cho thành tích của ACB như là tăng lợi nhuận cho cổ đông, đóng thuế cao cho Nhà nước.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ nói: Một vấn đề nữa tôi muốn gửi đến Hội đồng xét xử, trong vụ án Huyền Như đã nói rõ nhiều ngân hàng khác có vi phạm như chúng tôi trong việc ủy thác gửi tiền. Tuy nhiên các cơ quan tố tụng đã chiếu cố, chưa truy tố trách nhiệm của các đơn vị đó. nhân đây tôi kính mong Hội đồng xét xử chiếu cố ở góc độ này đó với hoạt động của chúng tôi.
Rất mong Hội đồng xét xử chiếu cố hoàn cảnh của tôi, tôi còn có mẹ già 97 tuổi cần phụng dưỡng, mong Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho tôi chăm sóc mẹ già, đem chuyên môn công nghệ thông tin cống hiến cho xã hội. Tôi tin tưởng vào sự công minh của Hội đồng xét xử, nếu có sai phạm đến đâu chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó,…
Bị cáo Trịnh Kim Quang: Tôi có thể bị đột tử bất cứ lúc nào
Bị cáo trình bày xuất thân là giảng viên đại học, gia đình có truyền thống cách mạng. Tôi luôn ý thức thượng tôn pháp luật, tôi không bao giờ cố ý làm trái. Quá trình công tác đã đóng góp hữu ích cho xã hội.
Trong vụ án này, bị cáo thấy rằng khi thông qua nghị quyết thì hành vi đó không trái pháp luật tại thời điểm ban hành. Sau này việc dừng lại một văn bản khi có dấu hiệu trái pháp luật cũng không thuộc trách nhiệm của bị cáo. Theo bị cáo Trịnh Kim Quang, việc đó thuộc trách nhiệm của Ban kiểm soát và Phòng Pháp chế tuân thủ. Trong một giả thiết xấu nhất là ACB bị mất tiền, thì Viện Kiểm sát đã nói, ACB mất tiền là do sơ suất của người đi gửi tiền, rõ ràng không phải lỗi của tôi.
Với hành vi thứ hai, bị cáo Kỳ khẳng định đã ban hành một nghị quyết không trái pháp luật, không hề chỉ đạo mua cổ phiếu ACB vì biết là vi phạm pháp luật. Nghị quyết là cấp hạn mức 700 tỉ đồng, trong khi thực hiện mua cổ phiếu ACB là 1.500 tỉ đồng. Xin Hội đồng xét xử so sánh hai con số sẽ thấy không có liên quan nhau. Cáo trạng cáo buộc tôi cố ý làm trái thì thật là oan ức.
Bị cáo Trịnh Kim Quang nói: “Hiện nay sức khỏe của tôi đáng báo động, tiểu đường, huyết áp cao, mắt tôi mờ không nhìn thấy và có thể đột tử bất cứ lúc nào. Nếu Hội đồng xét xử có căn cứ để xác định tôi không cố ý làm trái thì xin cho tôi có một phán quyết công bằng để tôi có cơ hội được sống. Mong Hội đồng xét xử ra một phán quyết công bằng”.
Bị cáo Phạm Trung Cang:
Bị cáo Phạm Trung Cang trình bày bị cáo là một trong những sinh viên tốt nghiệp Đại học những năm đầu sau giải phóng. Suốt 35 năm làm doanh nghiệp, bị cáo đặt ra nguyên tắc kiếm tiền nhưng phải lương thiện, kiếm tiền nhưng phải tuân thủ luật pháp.
Theo bị cao Cang, bị cáo nghĩ vi phạm luật pháp sẽ bị trừng trị thì uy tín và tất cả mọi thứ đều mất hết. Cho đến nay, bị cáo đã phần nào đạt được nguyện vọng là người cha gương mẫu, doanh nhân có đạo đức, được mọi người tôn trong.
“Nhưng không ngờ ở tuổi 60, cuối đời tôi phải đứng trước vành móng ngựa để trình bày trước Hội đồng xét xử về tội Cố ý làm trái”, bị cáo Cang nói.
Bị cáo Cang xin Hội đồng xét xử xem xét, khi đồng ý chủ trương cấp hạn mức mua cổ phiếu, bị cáo cho rằng không sai, nếu biết là vi phạm pháp luật, bị cáo không bao giờ ký dù bị đưa dao vào cổ bởi “tôi là doanh nhân được xã hội tôn trọng, tôi không dại gì làm sai mà vi phạm pháp luật để có ngày toàn bộ uy tín, thanh danh của tôi bị mất hết”.
Bị cáo Cang trình bày ngày 30-12-2010, bị cáo nộp đơn từ nhiệm Thường trực HĐQT ACB để sang Eximbank. Do đó, bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét miễn trách nhiệm hình sự bởi đến 31-12-2010, chưa xảy ra bất cứ thiệt hại nào xảy ra. Cá nhân bị cáo cũng không nhằm mục tiêu tư lợi cá nhân.
Bị cáo Lý Xuân Hải: Đúng thì tôi làm, sai tôi không làm
Bị cáo Lý Xuân Hải trình bày Viện Kiểm sát cho rằng tôi theo lợi ích nhóm. Nhưng nhóm lợi ích mà các bị cáo phục vụ là các hoạt động mang tính xã hội hằng năm, là cầu, xây trường cho những người nghèo khó.
Bị cáo khẳng định không theo phe ai: “Trên Việt Nam này, trên thế giới này, không ai đủ tiền để mua linh hồn của tôi, cho nên tôi sẽ bán linh hồn của tôi cho đạo lý, cho lẽ phải trên đời này. Đúng thì tôi làm, sai thì tôi không làm”, bị cáo Hải nói.
Lợi nhuận mà ACB làm ra thì có 25% là nhóm lợi ích Nhà nước, nhóm lợi ích của cổ đông, là gia đình các cổ đông, chúng tôi chỉ được hưởng hơn một tháng lương
“Tôi muốn chứng minh với Hội đồng xét xử tôi không cố ý làm trái. Tôi không có ý thức đó trong đầu. Trong suốt 20 năm đi học, tôi được dạy tuân thủ pháp luật, tiềm thức ấy ăn sâu vào con người tôi. Truyền thống gia đình tôi tôi không làm gì phương hại đến uy tín gia đình tôi. Tôi không bao giờ nghĩ mình làm trái. hông những vậy, tôi không có động cơ, không tơ hào một xu nào, không có động cơ cố ý làm trái”, bị cáo Hải nói.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh: Cầm quyết định nghỉ hưu cũng là lúc nhận quyết định khởi tố.
Tôi từ năm 17 tuổi nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, xung phong ra chiến trường. Suốt 42 năm công tác luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chưa lần nào bị vi phạm kỷ luật và vi phạm nội quy của cơ quan.
Điều đau khổ là lúc cầm quyết định nghỉ hưu là lúc nhận được quyết định truy tố. Suốt trong những ngày ở trại giam, tôi chỉ suy nghĩ tại sao mình lại phải vào đây.
Tất cả là do bản thân mình, một sai phạm, sơ suất của mình trong bản hợp đồng cuối cùng mình ký. Lúc đó chưa nhận thức được mình sai, nhưng sau đó tôi đã thấy mình sai. Sau này tôi luôn thành khẩn trung thực nói toàn bộ sự thật.
Tôi tin bản chất chế độ ta là tốt đẹp, tính nhân văn… Nhưng trong quá trình điều tra, tố tụng, các cơ quan điều tra, tố tụng hầu hết chỉ coi trọng những chứng cứ, luận cứ để buộc tội tôi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt, còn những luận cứ, chứng cứ có thể minh chứng cho tôi không có tội thì chưa được coi trọng. Lần đầu tiên tôi được làm việc với Viện Kiểm sát thì có nói với tôi: “Anh yên tâm, VKS chúng tôi trước hết là gỡ tội cho can phạm rồi mới buộc tội can phạm”, nhưng từ đó đến nay thì tôi…
Hôm nay, đứng trước Tòa, một lần nữa tôi xin khẳng định, tôi không có tội chiếm đoạt, chỉ có sơ suất trong việc ký hợp đồng, nhưng tôi không có động cơ gian dối. Tôi hoàn toàn không biết số cổ phiếu chưa được giải chấp…
Kính mong HĐXX công tâm, công bằng, khách quan, xem xét làm rõ hành vi. Tôi không lừa đảo chiếm đoạt, cũng không là đồng mưu giúp sức cho ai. Mong HĐXX đảm bảo quyền lợi của tôi… Mong sớm được giải oan.
Bị cáo Trần Thị Hải Yến khóc nói:
Khi bước vào trại tạm giam, điều tôi lo nhất là gia đình có chịu nổi cú sốc này không. Đến ngày hôm nay, tôi cảm nhận rằng thực sự…
Tôi là người làm công ăn lương, làm theo sự chỉ đạo của ban lãnh đạo. Để có sự việc ngày hôm nay là một điều cay đắng nhất trong cuộc đời của tôi. Là một công dân lương thiện, tôi không dám nói gì nữa, chỉ chờ mong sự phán xét công minh, công bằng của Hội đồng xét xử. Việc buộc tội tôi đồng phạm lừa đảo thì không chính xác. Mong đại diện VKS cho tôi mức án nhẹ nhàng nhất để tôi sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên:
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cám ơn Hội đồng xét xử đã dành thời gian cho bị cáo được nói những lời tâm tư nguyện vọng. Bị cáo đã cám ơn những người bạn, người thân đã giúp đỡ động viên gia đình trong những tháng qua và bày tỏ: “Hơn bao giờ hết, lúc này tôi cần bạn bè, người thân giúp đỡ tôi vượt qua khó khăn. Tôi rất mong bạn bè, người thân của tôi sẽ giúp đỡ tôi”.
Bị cáo Kiên cũng khẳng định, không bao giờ phá sản, dù thừa nhận những khó khăn phải giải quyết là rất lớn và vợ ông, bà Đặng Thị Ngọc Lan phải đứng ra giải quyết cho ông. Gia đình của bị cáo đã phải bán cổ phần tại Ngân hàng VietBank để có tiền mặt trang trải ngay các khoản nợ.
Ông Kiên cũng gửi lời xin lỗi các cổ động viên đội bóng Hà Nội và đã yêu cầu vợ ông tiếp tục duy trì đội bóng bởi “đó là tâm nguyện của tôi”.
Bị cáo Kiên nhắc đến mơ ước, hoài bão, dự định cùng với những đồng nghiệp tại Công ty VBF là làm sao trước khi nhắm mắt xuôi tay được một lần nhìn thấy đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu tại World Cup.
Bị cáo gửi lời tri ân đến tất cả khách hàng tại Ngân hàng Á Châu (ACB), là nơi quan trọng nhất để bị cáo trưởng thành trong sự nghiệp.
Bị cáo Kiên chân thành xin lỗi, bởi một số cổ đông nhỏ của ACB có thể thiệt hại, thậm chí có thể bại sản vì đây là bất khả kháng của bị cáo. Nhưng bị cáo khẳng định, các cổ đông lớn không có bất kỳ thiệt hại nào, vì đây là những nhà đầu tư lâu dài.
Với hơn 15.000 cán bộ nhân viên ACB, những người đã rất thành công và gắn bó 20 năm qua, bị cáo mong anh chị em tiếp tục làm việc tận tâm. “Tôi yêu cầu vợ tôi, con tôi không bao giờ được bán cổ phần của ACB, gia đình tôi tiếp tục cùng các anh chị xây dựng ACB, xây dựng đất nước”, bị cáo Kiên nói.
Trong lời sau cùng, bị cáo Kiên yêu cầu Ban lãnh đạo ACB không được cắt giảm lương, không được đuổi việc họ, vì họ là những người tạo dựng thành công của ACB. Có thể chúng tôi có sai sót, nhưng ACB không bao giờ đứng tên kiện tôi hay tố cáo tôi. Hơn 15.000 CBNV này không ai kiện tôi, tố cáo tôi. Ai đứng sau họ nặc danh kiện tôi sẽ bị khui ra ánh sáng. Họ hiểu rằng, tôi đã đóng góp gì cho ACB hơn 20 năm qua.
Khi nói về gia đình, đặc biệt là nhắc tới các con, bầu Kiên đã nghèn nhào suýt khóc: “Với gia đình tôi, tôi đã không để cho các em tham gia kinh doanh, giữ các vị trí quan trọng của ngân hàng, vì cho rằng, họ chưa đủ năng lực trình độ để giữ vị trí quan trọng và vì nhìn thấy các rủi ro trong kinh doanh tại Việt Nam.
Với con tôi, tôi không bỏ chạy, sẵn sàng nhận trách nhiệm và tôi đã gọi 2 con trai tôi, một cháu lúc đó 15 tuổi, 1 cháu… lại nói chuyện. Tôi yêu cầu con tôi, thứ nhất là con phải làm người tốt, thứ hai là mong muốn con làm kinh doanh, thứ ba, con trai là người đàn ông trong gia đình thay tôi chăm sóc gia đình tôi”.
Bị cáo cũng yêu cầu bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông không bao giờ được chạy án, vì điều đó rất nguy hiểm. “Tôi tin rằng mình vô tội, mình đủ khả năng, mình tư duy, đầu óc để chứng minh mình vô tội” - bị cáo Kiên nói.
Theo lời bị cáo, bị cáo đang gặp vấn đề về sức khỏe và không được đối xử công bằng như những bị cáo khác. Bị cáo cám ơn Bộ Y tế đã giúp bị cáo sống qua những ngày khó khăn, đã nhường thức ăn hàng ngày, giúp khám sức khỏe ngày 2 lần, để bị cáo có thể giữ được sức khỏe có mặt tại phiên tòa. Bị cáo cám ơn các cán bộ chiến sỹ ở trại tạm giam đã không gây khó khăn cho bị cáo…
Cho rằng, kết luận của cơ quan điều tra và diễn giải của Viện Kiểm sát đã xúc phạm đến bị cáo, do đó, bị cáo đã buộc lòng phải nói dù không muốn, dù biết “đứng trước Hội đồng xét xử không phải là nơi tôi khoe khoang kể công”.
Theo lời bị cáo, khi còn rất trẻ, đầu những năm 90, bị cáo được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao sứ mệnh rất khó khăn, gồm xóa được nợ của Liên Xô cũ, nối được quan hệ thương mại Việt - Nga… và đã nhận được sự nhận xét của lãnh đạo là làm rất tốt. Hồ sơ vụ này, cơ quan điều tra đã thu giữ đầy đủ, bị cáo đề nghị hãy trả lại cho bị cáo vì đó là tài liệu cá nhân.
Thứ hai, đầu những năm 90, ngành điện đã rất nỗ lực để đưa 4 tổ máy của thủy điện Hòa phát điện bình đúng tiến độ. Tôi và anh Kỳ đã góp phần đưa 4 tổ máy này về nhanh nhất, đảm bảo tiến độ.
Kết luận điều tra đã động chạm những việc này, nên tôi phải nói. Cơ quan điều tra nói rằng, tôi có ý thức, ý định thâu tóm hệ thống ngân hàng Việt Nam, lũng đoạn hệ thống ngân hàng. Tôi xin chứng minh, vào những năm TTCK Việt Nam mới bắt đầu, có rất nhiều kẽ hở để có thể thao túng, tôi biết nhưng không làm.
Tôi và anh Lý Xuân Hải đã viết báo cáo gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Phan Văn Khải, gửi các bộ xem xét… rồi sau đó Chính phủ có những giải pháp chống việc thao túng giá cổ phiếu.
Với Ngân hàng Nhà nước, lĩnh vực tôi là hoạt động chính, tôi đã có những ý kiến cho NHNN ngay từ khi xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị chiến lược phát triển 2005-2010, tầm nhìn 2015-2020, ngay cả việc sắp xếp chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, tôi và một số chuyên gia đã có báo cáo chấn chỉnh như thế nào.
Bị cáo Kiên đã xin tận dụng những giây phút hiếm hoi để đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước lưu ý ba việc rất cần thiết:
Một là việc sắp xếp lại các ngân hàng không phải là việc sắp xếp số học, không phải cộng các ngân hàng yếu thành ngân hàng mạnh, hãy dùng ngân hàng mạnh kèm ngân hàng yếu
Thứ hai, trong 30 ngân hàng thương mại, 5 ngân hàng thương mại nhà nước đang hoạt động, có 3 ngân hàng có vấn đề lớn.
Thứ ba, đừng để bị ngân hàng nước ngoài chi phối.
Nói về 4 tội danh bị truy tố, bầu Kiên chỉ muốn nói thêm về tội Lừa đảo, theo bị cáo Kiên, bị cáo không lừa đảo chiếm đoạt của ai cả. Sai sót dẫn đến vụ này là do sai sót của Thép Hòa Phát, bằng một loạt các hành vi không liên quan đến việc biết hay không biết của anh Dương, anh Long, anh Hải, hoàn toàn nằm trong ý thức của giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Về các tội danh khác, một lần nữa bị cáo Kiên khẳng định: “Tôi không phạm tội kinh doanh trái phép, tôi không cố ý làm trái, tôi không trốn thuế. Còn tôi không phạm tội như thế nào trong phiên tòa đã được các luật sư đưa ra các luận cứ, tôi đã chứng minh bằng các lý lẽ cụ thể”.
Bị cáo còn nêu nhiều kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đề nghị xem xét toàn diện, cẩn trọng các vấn đề liên quan vụ án này để bảo vệ quyền công dân của bị cáo, giúp bị cáo được minh oan, đồng thời bảo vệ các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Bị cáo còn đề nghị Hội đồng xét xử dành thêm nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu hồ sơ và nếu cần thì chưa vội tuyên án vào ngày 5/6. Đồng thời, bị cáo Kiên đề nghị xem xét việc phong tỏa tài sản vì cho rằng đây là tài sản do mồ hôi nước mắt bị cáo làm ra trong 30 năm qua, không liên quan đến vụ án.
Cuối cùng, bị cáo Kiên bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào HĐXX khi biết thành phần Hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán đều là những người rất có kinh nghiệm. Ông Kiên đề nghị cho ông được tại ngoại chờ thi hành án vì bị cáo đã không trốn chạy khi có thể trốn chạy.
Cuối cùng bị cáo Kiên khẳng định: “Tôi tin tưởng vào 90 triệu người dân Việt Nam và tôi yêu đất nước này”.