Trừ khi có sự đổ nhào bất thình lình trong ít ngày tới, đây sẽ là năm đầu tiên kể từ 2003, các nhà đầu tư gặt hái được thành công trong nửa đầu năm, với lợi nhuận kiếm được từ đủ các kênh đầu tư: trái phiếu, cổ phiếu, vàng và hàng hóa.
Trên thực tế, rất khó để mất tiền trong năm 2014 - ít nhất là với các nhà đầu tư mua và nắm giữ. Loại tài sản chính duy nhất không tăng giá là cổ phiếu Nhật Bản, nhưng cũng chỉ tính với chỉ số Nikkei 225, còn chỉ số rộng hơn Topix thì vẫn đi ngang.
Câu chuyện thành công tất nhiên là không kể đến những nhà đầu tư quá ưa mạo hiểm khi đầu tư vào những thị trường “vùng sâu vùng xa”. Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư có thể đã mất hơn 1/5 vốn nếu đầu tư vào cổ phiếu ở Venezuela, hay tương tự nếu bỏ tiền vào cổ phiếu ở Jamaica. Tiền đầu tư cũng có thể bốc hơi nếu ném vào những thị trường mà đồng tiền bị mất giá, như Ghana - mất 1/3 giá trị so với USD.
Sự yên ả lạ thường đã và đang bao trùm lên khắp các thị trường thế giới và các nhà đầu tư đang cặm cụi thu tiền lời. Quang cảnh này thật đáng sợ. Dù không có một quy luật thép là cứ phải có một số tài sản mất giá để các tài sản khác đắt hàng, nhưng sẽ là bất thường nếu tất cả cùng tăng, và càng bất thường hơn nếu chúng cứ cùng nhau tăng hết ngày này đến ngày khác. Trong 30 năm qua, chỉ có 4 lần các cổ phiếu ở các thị trường mới nổi và phát triển, trái phiếu, vàng và hàng hóa cùng tăng trong nửa đầu của một năm, và sau đó tiếp tục tăng trong 6 tháng còn lại.
Tin tốt là, ở 2 trong số những năm đó -1995 và 2007 - mức biến động thị trường, một đại lượng đo chi phí bảo vệ danh mục bằng cách sử dụng các quyền chọn, thấp một cách khó hiểu như bây giờ. Điều này cho thấy, có thể nhà đầu tư vẫn kiếm được tiền ở các loại tài sản chính ngay cả khi mức biến động tăng lên. Tuy nhiên, mức biến động tăng lên cũng là một dấu hiệu cho thấy, tâm lý tự mãn của các nhà đầu tư đang đi đến hồi kết.