Bùng nổ dự án
Ngày 19/3 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp) đã chính thức khai trương căn hộ mẫu Moonlight Boulevard. Dự án nằm tại đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM. Dự án gồm 20 tầng nổi và 1 tầng hầm, với tổng số 656 căn hộ có diện tích từ 51,41 - 96,16 m2/căn, 54 căn office-tel và 54 căn trệt thương mại.
Ngoài Hưng Thịnh, khu Tây Thành phố thời gian gần đây cũng chứng kiến nhiều đại gia tên tuổi khác rót tiền vào đây. Đơn cử như Tập đoàn Novaland với các dự án như The Park Avenue (mặt tiền đường Ba Tháng Hai, quận 11), Dự án RichStar (mặt tiền đường Hòa Bình, quận Tân Phú)… Với uy tín của chủ đầu tư, ngay khi xuất hiện tại khu Tây, các dự án này đã nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng.
Ngoài ra, những tên tuổi chủ đầu tư mới cũng chọn khu Tây là nơi phát triển dự án đầu tiên của mình. Chẳng hạn, mới đây, Công ty TNHH Siêu Thành đã công bố ra mắt Dự án Kingsway Tower, quận Bình Tân, TP.HCM. Với vị trí nằm trên 3 mặt tiền đường Lê Trọng Tấn, Tân Kỳ Tân Quý và Trường Chinh, dự án được xem như điểm kết nối vàng các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12. Dự án được xây dựng trên diện tích 8.665 m2 gồm có 3 block nhà cao 20 tầng liền kề nhau, quy mô dân số 1.130 người. Theo công bố, dự án có mức giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn hộ.
Không chỉ các nhà đầu trong nước, bất động sản khu Tây TP.HCM cũng thu hút nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Cụ thể, giữa tháng 3, Công ty Dacin - Top 3 doanh nghiệp ngành xây dựng tại Đài Loan (Trung Quốc) công bố triển khai Dự án Vision-1 (giai đoạn 1). Giai đoạn 1 dự án gồm 4 tháp nhà với 2 tháp 25 tầng và 2 tháp 19 tầng, 1 tầng hầm, 1 tầng thương mại, cung cấp 620 căn hộ, 6 mặt bằng cửa hàng tại tầng trệt.
Các chuyên gia bất động sản đánh giá, sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, bất động sản khu Tây TP.HCM đang có nhiều tiềm năng và sẽ là nhân tố đẩy thị trường bất động sản Thành phố phát triển đồng đều hơn.
Không chỉ những dự án chung cư, các dự án đất nền ở khu Tây cũng rầm rộ “bung hàng” trong thời gian qua. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Địa ốc Cát Tường Đức Hòa vừa tổ chức mở bán hơn 900 nền đất dự án phố thương mại Ngân Phát và phố thương mại Hoàng Phát, thuộc giai đoạn 2 Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh. Dự án được phát triển trên diện tích 107 ha, được chia làm 3 giai đoạn, với số vốn đầu tư lên tới 45 triệu USD.
Hay Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh - Long An cũng công bố phát triển dự án biệt thự nghỉ dưỡng Bella Villa tại huyện Đức Hòa (Long An), một huyện nằm cạnh huyện Hóc Môn, thuộc khu Tây TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản TP.HCM, bởi các doanh nghiệp địa ốc phát triển tại khu Tây từ cuối năm 2016 tới nay đã cung cấp lượng lớn căn hộ, đặc biệt là căn hộ giá rẻ, phù hợp với mức thu nhập của người dân khu vực này.
Hạ tầng tạo đòn bẩy
Có được sự phát triển này, phải nhắc tới công lớn của hạ tầng giao thông phát triển. Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hung Thinh Corp, giao thông và địa ốc là “đôi bạn thân”, giao thông luôn đi trước, làm đòn bẩy cho địa ốc phát triển.
Cách đây ít năm, khi hạ tầng giao thông chưa phát triển, các quận, huyện khu Tây chỉ phát triển dự án theo kiểu “tà tà” và dường như bị các nhà đầu tư lãng quên. Tuy nhiên, kể từ khi đường Cộng Hòa, Trường Chinh, rồi đường Nguyễn Văn Linh nối khu Nam về khu Tây và đường tỉnh lộ 22 nối các quận khu Tây về các huyện, cũng như tỉnh lân cận được đầu tư, thì thị trường bất động sản tại đây cũng cựa mình.
Đặc biệt, thông tin TP.HCM phát triển dự án tuyến đường sắt Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, đồng thời phát triển hệ thống đường nối trên cao vào Sân bay Tân Sơn Nhất cũng như vào trung tâm Thành phố đã tạo ra đòn bẩy mạnh cho thị trường bất động sản phát triển.
Theo các chuyên gia, khu Tây mang nhiều triển vọng, bởi vai trò là cửa ngõ lưu thông giữa TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đến nay, hầu hết những công trình hạ tầng đối nội và đối ngoại tại đây đều đã hoàn thiện, điển hình như Đại lộ Võ Văn Kiệt nối từ khu Tây sang khu Đông Thành phố, hay đường Kinh Dương Vương vừa hoàn thành đề án nâng cấp. Về mặt kết nối liên vùng, cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác kết nối khu Tây với các khu vực khác của thành phố cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Chẳng hạn tuyến xe buýt nhanh - BRT số 1 (nằm dọc theo trục Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, với điểm đầu tại vòng xoay An Lạc, đi qua Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 6, quận 5, quận 1 và điểm cuối ngay ngã ba Cát Lái - quận 2) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để tiến hành thi công, kịp đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch năm 2018. Thêm nữa, tuyến Metro số 3a (nối từ ga Bến Thành qua Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - ga Tân Kiên) cũng đã được UBND TP.HCM đăng ký danh mục các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018.
“Trong tương lai, các giải pháp giao thông hiện đại sẽ càng giúp việc lưu thông của người dân sống tại các quận phía Tây với các khu vực khác trên địa bàn TP.HCM thêm dễ dàng hơn”, ông Đực cho biết.
Còn theo đánh giá của ông Trần Tựu, Phó tổng giám đốc Đầu tư Hung Thinh Corp, các tiện ích hiện đại đã và đang được đầu tư hoàn chỉnh, áp lực dân số chưa cao, giá bán còn khá thấp so với khu Nam và Đông là những yếu tố giúp bất động sản khu Tây dần trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư cũng như người dân có nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, việc nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng vào khu vực phía Tây Sài Gòn để đón đầu cơ hội khi hệ thống cơ sở hạ tầng của khu vực được nâng cao và hoàn thiện sẽ khiến bất động sản ở đây tăng giá từng ngày.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com