Những chiếc xe ô tô có giá siêu rẻ
“Đã từ rất lâu rồi, tôi không còn thấy những chiếc cần cẩu xuất hiện trong nội thành Hà Nội. Hiện quỹ đất ở đã cạn kiệt trong nội đô, mật độ dân số cũng đã chạm tới giới hạn”, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G Home, chia sẻ với Báo Đầu tư.
Trước bối cảnh trên, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn khu vực ngoại thành để xây dựng, phát triển dự án mới, chẳng hạn Vinhomes với chuỗi dự án Ocean Park hay Moonlight 1 của An Lạc Group.
Trong bối cảnh giá bất động sản tăng “phi mã”, nhiều người có xu hướng chuyển ra các khu vực ngoài Vành đai 2 (Hà Nội), như Hà Đông, Nam Từ Liêm… để tìm kiếm cơ hội an cư với mức giá “dễ chịu”.
Tuy nhiên, đổi lại, những người dân sống tại khu vực ngoại thành sẽ phải đi một quãng đường dài khi di chuyển vào nội đô để đi học, đi làm. Với những người đi xe máy, quãng đường đó càng trở nên mệt mỏi hơn khi điều mà họ đối diện sẽ là nắng mưa, khói bụi, tiếng ồn…
Trong khi đó, các phương tiện giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt, vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế. Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA), hiện xe buýt mới chỉ đáp ứng khoảng 18% nhu cầu đi lại của người dân ở Thủ đô.
“Hiện Hà Nội không có tuyến đường dành riêng cho xe buýt, tốc độ di chuyển của loại phương tiện này cũng chậm hơn xe máy, khi tốc độ khai thác trung bình chỉ đạt 14 - 15 km/giờ, còn xe máy đạt tốc độ trung bình tới 17 - 18 km/giờ. Một số người dân tiếp cận với xe buýt còn chưa thuận tiện, một vài chỗ còn chưa an toàn”, ông Nguyễn Trọng Thông chỉ ra những mặt hạn chế của xe buýt.
Bên cạnh xe buýt, Hà Nội còn có hệ thống đường sắt trên cao để phục vụ người dân. Tuy nhiên, tính đến nay, Thủ đô cũng mới có một tuyến đường kéo dài từ Cát Linh tới Hà Đông. Đa phần người dân sẽ phải tiếp tục bắt thêm một chuyến xe buýt khác hoặc sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ để hoàn thành chuyến đi.
Trước bối cảnh trên, sự ra mắt của những mẫu ô tô điện giá rẻ đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Chỉ sau 3 ngày đầu tiên nhận đặt cọc, VinFast đã nhận về 27.649 đơn đăng ký mua xe VF 3. Sự thành công ban đầu này đến từ lợi thế giá bán, khi chiếc xe chỉ có mức giá vỏn vẹn 235 triệu đồng. Tuy nhiên, VF 3 không phải là mẫu xe điện duy nhất sẽ “phá đảo giá bán” trên thị trường xe hơi.
Nhiều đại lý tiết lộ, hãng xe TMT Motors sắp giới thiệu thêm hai mẫu xe mới tại Việt Nam là Wuling Bingo và Baojun Yep. Cả hai đều có mức giá dao động khoảng 300 triệu đồng (kèm pin). Trước đó, thương hiệu này cũng đã cho ra mắt Wuling Mini EV tại Việt Nam và hiện giá bán của mẫu xe này đã giảm xuống dưới 200 triệu đồng (kèm pin).
“Số lượng người sở hữu ô tô sẽ tiếp tục tăng lên, họ sẽ không ngại việc di chuyển ra ngoại thành để sinh sống. Đây sẽ trở thành một xu hướng tất yếu của tương lai”, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Property, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Vị này cũng lưu ý rằng, với các sản phẩm bất động sản thấp tầng tại vùng ven, các nhà đầu nên chú tâm đến yếu tố mặt tiền và bề rộng của đường trước nhà. Các yếu tố về kích thước chí ít cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của một chiếc xe hơi. Khi đó, những mảnh đất hoặc căn nhà này sẽ có tính thanh khoản tốt và bán được giá hơn trong tương lai.
Xe ô tô điện giá rẻ không phải là tác nhân lớn nhưng sẽ là một phần động lực khiến người dân quyết định lựa chọn an cư ở vùng ven các thành phố lớn. Dẫu biết các phương tiện công cộng mới là lời giải thỏa đáng nhất cho hệ thống giao thông tại Việt Nam, tuy nhiên, với tốc độ hoàn thiện còn chậm như hiện nay, người dân sẽ tìm đến những giải pháp khác và ô tô điện giá rẻ là một trong số đó.
Áp lực hạ tầng trong nội đô sẽ tăng lên
Ngoại thành có thể trở nên sôi động hơn nhờ những chiếc xe hơi giá rẻ nhưng nội đô lại phải gồng mình với lượng lớn phương tiện mới. Trong báo cáo gửi Thường trực HĐND TP. Hà Nội vào tháng 12/2023, HĐND thành phố đã nêu 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc trên địa bàn. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là số phương tiện tăng nhanh nhưng kết cấu hạ tầng đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải.
Cụ thể, dân số Hà Nội hiện trên 8 triệu (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số phương tiện đường bộ rơi vào khoảng 7,8 triệu, trong đó ô tô lên tới 1,1 triệu, xe máy khoảng 6,8 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.
"Phương tiện cá nhân tăng 4 - 5% nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chỉ tăng 0,6%, luôn chới với chạy theo mà không bao giờ đuổi kịp", Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Phi Thường bình luận.
Ngoài ra, với loại phương tiện như ô tô, yêu cầu về các bãi gửi xe là điều thiết yếu. Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, hiện toàn thành phố mới có 120 bãi xe, chỉ đáp ứng vỏn vẹn 8% so với yêu cầu.
Nếu lượng tiêu thụ xe hơi điện bật tăng trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp, đây sẽ là một áp lực mới với hệ thống đô thị. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, thiếu bãi gửi xe sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Đây cũng là lý do Hà Nội đề ra các phương án phát triển đô thị vệ tinh trong bản đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, cho đến khi bản đồ án được hiện thực hóa, vấn đề di chuyển và an cư vẫn sẽ là một “bài toán” khó đối với người dân và các cơ quan chức năng.
Không chỉ vậy, bản thân các mẫu xe điện giá rẻ cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong vận tốc (tối đa 100 km/h) và quãng đường di chuyển (tối đa 150 - 200 km). Bên cạnh đó, hệ thống trạm sạc cũng là một vấn đề nan giải, nhất là với những mẫu xe không thuộc VinFast.