Từ một lời rỉ tai…
Sau Lương Sơn, Ba Vì, gần đây dân đầu tư địa ốc rỉ tai nhau tìm đến Kỳ Sơn khai phá một “địa chỉ đỏ” đầu tư mới nổi. Từ khi huyện Kỳ Sơn được sáp nhập về TP. Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình cuối tháng 12/2019, nơi đây không chỉ hấp dẫn những người muốn tìm một khoảnh vườn rừng làm trang trại, làm farmstay, làm second home mà với hàng chục dự án được quảng cáo, Kỳ Sơn đang trở thành “thủ phủ” nghỉ dưỡng núi mới ở ven Hà Nội trong mắt nhiều người, nhất là qua lời các môi giới nhạy tin.
Hàng loạt dự án như Kai Village Resort; Wellham Chanlake; Sakana Spa&Resort Hoà Bình tại xã Mông Hoá; The Moon Village tại xã Yên Quang… đang được quảng cáo, rao bán trên các trạng mạng xã hội, trang tin bất động sản với đủ các ngôn lời có cánh và mức giá khá mềm, chỉ một vài tỷ đồng/căn.
Nhận thông tin nóng hổi từ môi giới về một dự án ở Kỳ Sơn, lại đúng dịp băn khoăn tìm kênh đầu tư, Quân - hiện đang làm việc tại Trường đại học Kiến trúc - năm lần bảy lượt đề nghị được đến tận dự án xem đất, xem nhà.
Tuy nhiên, “cơ hội” đến gần dự án nhất mà anh có được cũng chỉ là một vài cuộc gặp mặt nho nhỏ ở quán cà phê (được định danh là Hội thảo đầu tư dự án…) cùng môi giới, người tự xưng đại diện chủ đầu tư và một số khách hàng tiềm năng khác. Cùng với đó là những tài liệu, những lời mời chào có cánh, từ mô hình căn nhà thứ hai giữa núi rừng, lợi nhuận đầu tư cho thuê, đến cơ hội tăng giá bất động sản…
Các biển quảng cáo được cắm với khoảng cách 300 m/biển trên đường vào dự án |
Sinh nghi, Quân quyết định không đầu tư mà chuyển tài liệu cho phóng viên, tạo lý do rất ư là chính đáng để nhóm tác giả loạt bài này xâm nhập ma trận bất động sản nghỉ dưỡng Kỳ Sơn những ngày đầu tháng 9 vừa qua.
… Đến quá trình thực địa mướt mồ hôi
Đúng 8 giờ 30 sáng ngày 3/9/2020, chúng tôi có mặt ở trung tâm huyện Kỳ Sơn và dọc theo tỉnh lộ 446 hướng đến xã Mông Hóa theo lời chỉ dẫn nhiệt tình của người dân bản địa dành cho “các nhà đầu tư bất động sản Hà Nội”.
Lối vào dự án Sakana Spa&Resort Hoà Bình và một số dự án khác là con đường ngoằn ngoèo rộng khoảng 2,5 m nằm lọt thỏm giữa các quả đồi lô nhô cây bụi, rừng tràm, rừng keo. Trên đường thỉnh thoảng lại có những vạt đồi “bị cạo” vát, lộ ra những bãi đất vàng, nom như vừa bị cày xới, hỏi ra mới biết đó là các khu đất đã được múc đi, tạo mặt bằng để chuẩn bị thi công các công trình bất động sản nghỉ dưỡng.
Dự án Wellham Chanlake bị đình chỉ và chủ đầu tư bị phạt 275 triệu đồng vào tháng 7/2020 |
Buổi sáng xứ Mường thật thanh bình, không khí trong lành khác hẳn so với sự ngột ngạt ở Hà Nội. Xe men theo đường mòn chừng 5 km thì khựng lại vì gặp chốt chặn bảo vệ được trang bị barie, bốt gác ghép lại từ khung sắt, các tấm tôn, nhựa màu xanh. Hai người đàn ông trạc tứ tuần tay lăm lăm cây gậy đen dài non 1 m, hông đeo bao dao, giọng lơ lớ hỏi, “các anh đi đâu?”.
Mặc dù lấy đủ lý do, từ đi tìm mua bất động sản đến thăm thú người quen, nhưng chúng tôi vẫn không được hai “bảo tiêu” này… thông chốt. Trở ra, một người dân bản địa tiết lộ, “phía trong người ta đang xây cất nhiều dự án lắm, nhưng chỉ các anh thì không vào xem được, phải có người địa phương dẫn đường. Khu này được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ có duy nhất một đường vào và một đường ra”...
Vậy là chúng tôi đành phải tính đến phương án tìm trợ giúp tại chỗ với tiêu chí người quen bản địa, am hiểu về bất động sản và có uy tín để “thông” các chốt bảo vệ. Sau rất nhiều cuộc điện thoại thuyết phục, người đàn ông tên Long (đã đổi tên) mới đồng ý làm “hoa tiêu” cho chúng tôi với sự ngần ngại. Để tiện bề tác nghiệp, chiếc xế biển Hà Nội được tạm nghỉ ở nhà một người quen, chúng tôi trèo lên con ngựa sắt biển tỉnh của Long để tiếp tục hành trình.
Lần này, dự án tiếp cận là Wellham Chanlake Hồ Dụ. Lối vào dự án mặc dù được trang bị cổng sắt nhưng không khóa, là người bản địa, lại nói được tiếng đồng bào nên Long cứ nhằm thẳng mà đạp chân ga.
Sau quãng dài đường đồi, với những khúc cua gấp tay áo, trước mắt chúng tôi hiện ra khu đất rộng khoảng 40 ha. Trên mặt bằng này không có rừng trồng, không có nương rẫy, chỉ là những cây cau, cây đào, các loài hoa, một số cây bóng mát và các móng đá xây kè chia ra các khoảnh đất vuông vắn. Phần còn lại là hai dãy nhà sàn hai tầng, rộng hàng trăm mét vuông được dựng lên chủ yếu từ vật liệu gỗ và bê tông, các phòng nhỏ được trang bị đầy đủ nội thất và cả điều hòa…
Cả khu đất vắng lặng không một bóng người, nhưng khi chúng tôi đang mải mê quan sát, ghi hình thì bỗng “rầm”, cánh cổng sắt đóng lại ngay sau lưng khóa lối xuống. Một người đàn ông cao chừng mét tám, nặng khoảng 80 kg, mặc chiếc quần bò xanh cắt ngang gối, áo ba lỗ, da ngăm ngăm đen, đầu đội mũ cối sờn, mặt hầm hầm chạy ra quát tháo.
“Các anh vào xe ngồi im, một số đối tượng ở đây rất manh động”, Long nhắc chúng tôi rồi cũng vào trong xe, chỉ hạ hé tấm kính bên lái để trình bày lý do với người đàn ông này. Sau một hồi đôi co, lấy lý do công tác ở đơn vị này, đơn vị kia đi khảo sát thực tế, nhưng vẫn không được, Long buộc phải lấy máy gọi cho người đàn ông nào đó và chỉ sau sự can thiệp này, cánh cổng mới mở ra để chúng tôi đi xuống an toàn.
Điểm đến tiếp theo là dự án Sakana Spa&Resort Hoà Bình. Thủ tục “thông tuyến” cũng khó khăn không kém, phải mất non 30 phút và dăm cuộc gọi, chúng tôi mới tiếp cận được khu dự án mở đầu bằng tấm biển quảng cáo khung nhôm, bọc đề can với nội dung “Sakana Hòa Bình, biệt thự nhà nón, bức họa chốn bình yên…”. Bắt đầu từ tấm biển chỉ dẫn này, hai bên đường được trồng các loại hoa, cây cảnh và các loại cây bóng mát… khá quy củ, đẹp đẽ.
Tiếp tục đi vào khoảng vài km nữa, trước mắt chúng tôi là nhiều dãy nhà liền kề, biệt thự riêng biệt được thiết kế bài bản, bê tông, xây dựng kiên cố, phần lớn vừa hoàn thiện, các chi tiết và màu sắc còn rất mới. Có chỗ chuẩn bị làm móng, xây tường, chỗ đang đổ đất san nền… nhìn ra dáng một dự án nghỉ dưỡng khá bề thế.
“Các anh ngó nghiêng, quay phim chụp ảnh gì thì làm nhanh. Người ở đây chả biết đâu mà lần, không có chủ dự án ở đây nên họ cũng chả biết mình là ai, được vạ thì má sưng, tốt nhất cứ ngồi im trên xe”, Long dặn.
Khi đã đủ tư liệu, trên đường tìm lối ra thì chúng tôi phát hiện thêm một bất ngờ bởi thấy một cung đường lớn đang được mở rộng với hàng loạt máy múc, máy ủi “cạo sườn” những con đồi thành đường, một bên là dốc nghiêng khoảng 45 độ, bên là thành đất cao 2 - 3 m chạy vát lên đỉnh đồi.
Từ lối vào thắt cổ chai nhỏ hẹp khuất sau những quả đồi lô nhô những cây bụi và lác đác từng khoảng rừng tràm, thật khó để hình dung ở dự án này lại đang triển khai một con đường giao thông bề thế, nhưng kín đáo đến vậy…
Ra đến Cầu Hòa Bình 2 thuộc TP. Hòa Bình cũng là lúc đồng hồ điện tử trên ô tô chỉ 12 giờ 30 phút. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, phần vì đường sá ổn hơn, nhưng phần chính là trút bỏ được băn khoăn, lo ngại rất có thể sẽ có người liên quan bám theo xe làm khó như lời Long cảnh báo.
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tiếng đồng hồ, chúng tôi lại đối mặt với nỗi băn khoăn lớn hơn khi trong cuộc làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, đại diện sở này khẳng định, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn hiện tại không có bất cứ một dự án bất động sản nghỉ dưỡng nào!?
(Còn nữa)