Bộn bề xử lý hậu thanh tra đất đai tại Hòa Bình

UBND tỉnh Hòa Bình còn khoảng 3 tháng để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, vốn ngân sách và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.     
Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở tại thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) do Công ty CP Đông Dương làm chủ đầu tư. Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở tại thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) do Công ty CP Đông Dương làm chủ đầu tư.

Phải chấn chỉnh

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 5551/VPCP - V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình liên quan đến việc xử lý sau thanh tra công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại Hòa Bình.

Cụ thể, Phó thủ tướng đồng ý với kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 3118/KL-TTCP ngày 23/11/2016 về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2004 - 2014.

“UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; trong đó cần chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, kiểm điểm nghiêm túc các đơn vị, cá nhân sai phạm, đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2017”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, hàng loạt sơ hở, sai sót trong công tác quản lý sử dụng đất, thực hiện đầu tư một số dự án khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf… của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2004 - 2014 đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 3118/KL – TTCP.

Cần phải nói thêm rằng, việc Thanh tra Chính phủ phải mất đúng 21 tháng (26/2/2015 - 23/11/2016) để ra được kết luận thanh tra công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư tại Hòa Bình, giai đoạn 2004 - 2014 đã cho thấy tính chất phức tạp của những vụ việc nổi cộm tại tỉnh miền núi phía Bắc này. Trên thực tế, trong bản Kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra cuối tháng 11/2016, hai cụm từ “vi phạm”, “thất thoát” xuất hiện tại hầu hết dự án khu dân cư - đô thị; khu công nghiệp và sân golf trong diện thanh tra.

Được biết, trong số 9 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất được triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn này, Thanh tra Chính phủ đặt 6 dự án vào “tầm ngắm”, đó là: Dự án Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo; Dự án Xây dựng sân golf Phượng Hoàng; Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long; Dự án Xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam; Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở thị trấn Lương Sơn; Dự án Khu dân cư cảng Chân Dê.

Còn khác biệt

Liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng sân golf Phượng Hoàng - nội dung mà Hòa Bình chưa “tâm phục, khẩu phục”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc thực hiện quy hoạch khi triển khai công trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2017.

Đây là dự án có nhiều nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa được tỉnh Hòa Bình thật sự tâm phục, trong đó một số ý kiến giải trình bảo vệ của Hòa Bình lại nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan.

Trong số các nội dung kết luận còn có sự khác biệt lớn giữa Thanh tra Chính phủ và địa phương, rõ nhất là tại Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long do Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tại Dự án này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Sở Tài chính Hòa Bình đã trình UBND tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp khi giao đất cho chủ đầu tư tại Quyết định số 2542/QĐ - UBND ngày 23/12/2011, theo phương pháp thặng dư, trong đó, số tiền lãi vay xác định không đúng theo quy định tại Thông tư số 145/2007/TT - BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính, làm cho tổng chi phí đầu tư phát triển tăng, dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp giảm 101 tỷ đồng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

UBND Hòa Bình cho rằng, Thanh tra Chính phủ kết luận thất thu ngân sách 101 tỷ đồng nêu trên là chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, bởi số tiền lãi vay (nằm trong tổng chi phí đầu tư 781,5 tỷ đồng) được Sở Tài chính Hòa Bình xác định là 171,6 tỷ đồng; Thanh tra Chính phủ xác định là 70,1 tỷ đồng, chênh lệch 101 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Hòa Bình, số trả lãi tiền vay ngân hàng được Sở Tài chính xác định theo Thông tư số 145/2007/TT - BTC của Bộ Tài chính; trong khi số trả lãi mà Thanh tra Chính phủ đưa ra là căn cứ theo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở Dự án của Sở Xây dựng Hòa Bình.

“Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 90/2009/TTLT- BTC - BNV của Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ, cơ quan có chức năng thẩm quyền trong xác định tiền sử dụng đất phải nộp là Sở Tài chính, không phải Sở Xây dựng”, ông Trần Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết.

Giải trình này của Hòa Bình theo Bộ Tài chính là phù hợp với quy định của pháp luật.

Thu hồi đất lãng phí

Những sai sót được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Dự án Xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hòa Bình đã được lãnh đạo tỉnh này ghi nhận.

Từng nhận được nhiều quan tâm, ưu đãi của tỉnh Hòa Bình, nhưng cho đến thời điểm thanh tra, dự án này thực sự là một “góc chết”, lãng phí đất đai trên diện rộng trong thời gian dài.

Được triển khai tại 2 xã Phú Minh và Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn), Dự án Xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hòa Bình do Công ty cổ phần Đầu tư San Nam Hòa Bình (San Nam Hòa Bình) làm chủ đầu tư trên diện tích 405 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 56,550 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2004 - 2007. Mục tiêu xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, thu hút hơn 300 lao động địa phương.

Theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, ngày 30/8/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình lập biên bản bàn giao toàn bộ diện tích 405 ha cho Công ty San Nam Hòa Bình để triển khai Dự án. Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2009, UBND tỉnh Hòa Bình - do ông Bùi Quang Khành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm đại diện, mới ký Hợp đồng thuê đất số 45 HĐ/TĐ với Công ty San Nam Hòa Bình, với diện tích cho thuê là 79.692 m2. Số diện tích còn lại lên tới 398,76 ha đã được bàn giao cho chủ đầu tư quản lý, sử dụng, nhưng không ký hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền thuê đất. Tính đến thời điểm thanh tra, thời gian này là 8 năm.

So với quyết định cho phép đầu tư của UBND tỉnh, Dự án chậm tiến độ gần 7 năm. Đến nay, mới có khu chế biến rau quả sấy khô hoạt động, nhưng hiệu quả không cao. Diện tích được giao để hoang hóa, cơ quan quản lý nhắm mắt để chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

Từ một dự án hoành tráng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, sau hơn 10 năm vẫn dùng dằng, cầm chừng.

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý đất đai tại Dự án Xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hòa Bình thiếu trách nhiệm, có tính buông xuôi trong thời gian dài; giao đất cho chủ đầu tư thuê thực hiện dự án, còn diện tích lớn chưa ký hợp đồng, chưa thu tiền sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách nhà nước; tiến độ thực hiện Dự án quá chậm, đầu tư không hiệu quả, không có tính khả thi, để đất hoang hóa nhiều năm.

“Trách nhiệm này thuộc thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài Nguyên và Môi trường và chủ dự án là Công ty cổ phần Đầu tư San Nam Hòa Bình”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình,  Dự án chậm trễ còn do ảnh hưởng suy thoái về kinh tế và khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, do quy mô diện tích của Dự án rất lớn (405 ha), đến năm 2007 đã cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường giải phóng mặt, nên năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã bàn giao toàn bộ diện tích đất cho nhà đầu tư để tránh tái lấn chiếm.

“UBND tỉnh Hòa Bình đang chỉ đạo rà soát tình hình thực hiện dự án và đánh giá khả năng của nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không có khả năng tiếp tục thực hiện sẽ thu hồi Dự án”, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục