Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn bất động sản thường niên lần thứ I do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và VITV tổ chức diễn ra cuối tuần qua.
Du lịch Việt Nam còn thiếu đồng bộ
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong tháng 10/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 5% so với tháng trước và tăng 24,7% so với tháng 10/2016. Lũy kế 10 tháng, Việt Nam đón gần 10,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2016, vượt so với cả năm 2016. Trong đó, lượng khách đến bằng hàng không đạt gần 8,88 triệu lượt, tăng 31,0% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2017, khách du lịch nội địa đạt 63,1 triệu lượt, trong đó có 30,5 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 417.400 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Đánh giá về tầm quan trọng của ngành du lịch, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airline đã trích dẫn lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Thà tăng một triệu du khách còn hơn hút thêm một triệu tấn dầu”. Ông Nam cho rằng, đây là nhận thức rất đúng đắn về ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.
“Các nhà lãnh đạo đã nhận ra rằng, du lịch là ngành đóng góp lớn, có thể hỗ trợ, thay thế hoạt động khai thác thô những tài nguyên không thể tái tạo. Thêm nữa, ngành nông nghiệp vốn là khu vực giải quyết lực lượng lao động lớn cũng khó khăn trước biến đổi khí hậu”, ông Nam nói và cho biết, Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng về du lịch, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử.
“Năm 2016, chúng ta đặt mục tiêu 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, kèm theo đó là cơ sở lưu trú 580.000 buồng. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất là con số này vẫn chỉ bằng 1/3 Thái Lan và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng rất yếu với các nước khác trong khu vực. Đây là một điều khá đáng tiếc”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, nguyên nhân là do cách làm du lịch của Việt Nam còn yếu và thiếu tính đồng bộ, thống nhất, thiếu sự phối hợp. Hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chỗ thì tranh nhau mua, chỗ lại không có ai quan tâm.
Ngoài ra, việc kết nối đồng bộ, cộng hưởng giữa ngành hàng không và ngành khách sạn vẫn còn hạn chế, trong khi điều này rất quan trọng, nhất là khi bàn chuyện giảm giá, các bên không tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên, vẫn có một số hãng hàng không chủ động xây dựng chính sách giá, kết nối với khách sạn. Tuy nhiên, trên mặt bằng tổng thể, sự kết hợp này vẫn chưa thực hiện được.
"Đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú là một vế, nhưng vế còn lại cần phải quan tâm là làm sao để đưa khách đến các khu du lịch một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Thực tế, rất nhiều khu du lịch, resort được đầu tư khá bài bản, nhưng không đón được khách. Vấn đề không nằm ở chất lượng dịch vụ tại khu du lịch đó, mà vấn đề nằm ở việc khu du lịch đó nằm cách xa sân bay, trong khi du khách ngại di chuyển trên một quãng đường quá xa bằng ô tô hay các phương tiện khác", ông Nam cho biết.
Làm cách nào để giữ chân du khách?
Đánh giá về bất động sản du lịch, ông Nam cho rằng, đây là một mảng rất lớn trong lĩnh vực bất động sản. Có thể nói, lĩnh vực bất động sản và du lịch có mối quan hệ gắn bó với nhau, có rất nhiều chính sách liên quan đến nhau.
Còn theo ông Trịnh Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong suốt một thập kỷ qua. Đặc biệt, những điểm đến về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đang có những bứt phá mạnh mẽ, trở thành những điểm sáng về đầu tư du lịch của cả nước.
Để đón đầu lượng khách du lịch, trong thời gian vừa qua, Việt Nam không ngừng đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ. Trong đó, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã ra đời, cung ứng hàng chục ngàn phòng lưu trú, đặc biệt là tại các địa danh du lịch như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Quảng Ninh, Quy Nhơn…
Tuy nhiên, sự phát triển và thay đổi về thói quen, thị hiếu của các nhóm du khách theo hướng mở rộng và đa dạng hóa, đòi hỏi du lịch Việt Nam cần đầu tư đa dạng hơn các sản phẩm du lịch mới có thể đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng như làm cho du khách “móc hầu bao” và trở lại trong tương lai.
Hiện nay, quan niệm du lịch, nghỉ dưỡng của khách du lịch đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Họ đến với các khu nghỉ dưỡng cao cấp không chỉ để ngủ, nghỉ và ngắm cảnh đẹp, mà những khu nghỉ dưỡng đó còn phải đáp ứng được cả nhu cầu vui chơi giải trí và mua sắm.
Chính vì lẽ đó, là những người trong cuộc, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những tổ hợp du lịch và giải trí theo hướng quy mô lớn và tập trung, thay vì các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ và rải rác. Loại hình tổ hợp này có thể thu hút và đáp ứng cùng lúc nhu cầu lớn và đa dạng của các phân khúc khách du lịch khác nhau.
Với việc đáp ứng “trọn gói” nhu cầu của du khách trong cùng một dự án, các mô hình này thu hút rất nhiều du khách đến đây để tận hưởng, trải nghiệm những kỳ du lịch thú vị, thậm chí có thể sẵn sàng trở lại thêm nhiều lần nữa. Nhờ đó, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới có tỷ lệ lấp đầy cao, đảm bảo giá trị sinh lời cho các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Chí Hiếu, Giám đốc Đầu tư lĩnh vực bất động sản Tập đoàn Vina Capital cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu khu vực về bất động sản nghỉ dưỡng.
Với sự phát triển mạnh của lượng khách du lịch, hạ tầng du lịch tiếp tục được chú trọng phát triển với số lượng cung phòng khách sạn không ngừng gia tăng trong những năm qua. Do đó, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực được quan tâm là khách sạn nội đô, khu nghỉ dưỡng dài hạn, dịch vụ quản lý bất động sản nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí.
"Theo khảo sát nghiên cứu của chúng tôi, khoảng 60% khách du lịch quốc tế sẽ đến các khu vui chơi giải trí phức hợp nếu được quảng cáo đúng. Nếu tính giá vé vào các khu vui chơi giải trí này là 500.000 đồng/lượt, con số thu về sẽ rất lớn”, ông Hiếu đánh giá và cho biết, đây chính là sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, trước hết cần phải có quy hoạch tổng thể về mặt cung cầu.