Đại gia mới dám làm bất động sản nghỉ dưỡng
Trước năm 2010, thị trường bất động sản Việt Nam từng diễn ra trào lưu nhiều doanh nghiệp địa ốc bất kể lớn nhỏ, cũng đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Giai đoạn này, doanh nghiệp đua “lên rừng, xuống biển” làm dự án nghỉ dưỡng, dù nhu cầu thực tế thị trường ra sao, chính nhiều doanh nghiệp cũng chưa nắm bắt cụ thể.
Việc đầu tư dự án nghỉ dưỡng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thường lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn vốn đầu tư lại phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng. Vì thế, khi bong bóng địa ốc vỡ, có rất ít doanh nghiệp đủ tiềm lực để hoàn thiện được dự án. Với nhiều doanh nghiệp, dự án bất động sản nghỉ dưỡng lúc này đã trở thành gánh nặng, thậm chí khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản.
Từ năm 2014 đến nay, cùng với sự hồi phục của thị trường căn hộ, bất động sản nghỉ dưỡng cũng có sự trở lại ngoạn mục. Theo đó, trong 2 năm qua, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được đầu tư và có thanh khoản khá tốt, hình thành lên các trung tâm nghỉ dưỡng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Ngoài các trung tâm này, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng xuất hiện ở các địa phương khác như Lào Cai, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn… Các dự án này thường gắn với các tên tuổi lớn trong lĩnh vực địa ốc như Vingroup, Sun Group, BIM Group, FLC, CEO...
Cuộc chơi nghìn tỷ
Không giống với các dự án bất động sản thương mại như căn hộ, hay dự án nhà liền kề, doanh nghiệp có thể làm đứt bán đoạn, với vốn đầu tư không quá lớn. Việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng và đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài. Vì thế, bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay dường như chỉ là “sân chơi” của các ông lớn.
Cụ thể, trong 2 năm qua, Vingroup đã đầu tư hàng loạt dự án bất động sản lớn từ Phú Quốc, Đà Nẵng, đến Hạ Long (Quảng Ninh). Tất cả các dự án do Vingroup đầu tư đều có vốn khổng lồ, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, với quy mô và chức năng không thua kém các dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp trên thế giới. Chẳng hạn, Dự án Vinhomes Hạ Long có tổng vốn đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng, Vinhomes Phú Quốc có vốn đàu tư khoảng 1 tỷ USD, hay dự án tại Đà Nẵng có vốn đầu tư lên đến trên 800 triệu USD…
Điều ngạc nhiên là các dự án này, Vingroup đều triển khai đồng thời và nối tiếp chào bán ra thị trường và có tỷ lệ hấp thụ cao.
Một đại gia khác cũng tham gia vào cuộc đua nghìn tỷ và đã làm lên tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng là Sun Group.
Thời gian qua, tập đoàn này cũng đã triển khai hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng với vốn đầu tư cả hàng nghìn tỷ đồng, như dự án tại Phú Quốc với vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, dự án tại Hạ Long với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ và dự án tại Đà Nẵng với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng…
Nắm bắt xu hướng đầu tư bất đông sản nghỉ dưỡng, trong 2 năm qua, Tập đoàn FLC cũng đầu tư mạnh cho chiến lược phát triển bất động sản nghỉ dưỡng bằng việc triển khai hàng loạt dự án tại miền Bắc và miền Trung như FLC Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc), FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), FLC Quy Nhơn (Bình Đình), FLC Hạ Long (Quảng Ninh).
Đến nay, FLC đã đưa vào khai thác khoảng 2.000 phòng căn hộ khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao. Trong khi đó, khoảng gần 2.000 phòng căn hộ khách sạn sẽ tiếp tục được FLC hoàn thiện và đưa vào khai thác trong thời gian tới…
Nhận thận tiềm năng lớn của phân khúc này, nhiều doanh nghiệp khác cũng bước lấn sân đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng như Tập đoàn Empire Group, Hòa Bình Group, Hoa Sen, Tập đoàn Mường Thanh, Novaland hay Thái Group… Các doanh nghiệp này cũng vừa giới thiệu ra thị trường những dự án có vốn đầu tư từ vài nghìn tỷ đồng tới cả chục nghìn tỷ đồng.
Việc tiềm năng được đánh giá còn rất lớn cùng với sự phát triển của kinh tế và ngành du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện thêm các “tay chơi” mới “bạo vì tiền” tham gia cuộc chơi.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com