Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể sớm hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc quý I/2024, trong khi hầu hết phân khúc bất động sản đã hồi phục, thì phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng xem ra chưa hết trầm lắng.
Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể sớm hồi sinh

Thị trường chưa hết trầm lắng

Số liệu vừa được Bộ phận R&D của DKRA Group đưa ra cho thấy sự trầm lắng của phân khúc nghỉ dưỡng.

Cụ thể, theo DKRA Group, trong quý I/2024, ở dòng sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng cả nước chỉ có 2 được mở bán mới, có 57 dự án mở bán hàng tồn với số lượng bán ra là 2.123 căn và chỉ có 69 căn được giao dịch thành công.

Đối với sản phẩm nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng chỉ có 32 dự án mở bán, với duy nhất một dự án mới, còn lại là các dự án cũ đã bán nhiều năm nay. Số lượng sản phẩm lên tới 3.000 sản phẩm, nhưng chỉ tiêu thụ được dưới 1%, với 27 sản phẩm.

Cuối cùng là sản phẩm condotel, với 4.848 căn hộ được mở bán từ các dự án cũ và chỉ tiêu thụ được 64 căn, chiếm tỷ lệ hơn 1%.

Cũng theo DKRA, các dự án chủ yếu nằm tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, với tín hiệu hồi phục chưa rõ ràng, bởi các dự án mở bán hiện nay đều là dự án đã bán từ nhiều năm trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Tập đoàn Nam Group, chủ Dự án Thanh Lang Bay tại tỉnh Bình Thuận cho biết, Dự án dừng triển khai bán hàng từ năm 2022 và tới nay vẫn chưa có kế hoạch bán sản phẩm của dự án này. Lý do được chủ đầu tư này đưa ra là khách hàng chưa quay lại với thị trường nghỉ dưỡng.

Không chỉ Nam Group, mà nhiều chủ đầu tư khác cũng đang “chờ thời” ở phân khúc này. Chẳng hạn, Sơn Kim Land, một bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết, năm 2021, họ mua một quỹ đất tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) để phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng chưa thể ra hàng trong thời điểm này vì sức quan tâm của khách hàng rất thấp.

Trong khi đó, những doanh nghiệp có dự án lớn, chiếm lĩnh thị trường nghỉ dưỡng nhiều năm như Novaland, Hưng Thịnh Corp… cũng chưa có dấu hiệu bán hàng ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Thị trường vẫn thiếu yếu tố để hồi phục?

Theo ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Group cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang thiếu các yếu tố để hồi phục.

Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn để phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khách hàng muốn mua các sản phẩm này cũng bị hạn chế cho vay từ phía ngân hàng.

Thứ hai, thời gian qua, khi mở bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư luôn đưa ra chính sách lợi nhuận cũng như thuê lại của khách hàng để khai thác và cam kết trả lợi nhuận cao mỗi năm. Tuy nhiên, những cam kết này không được thực hiện nghiêm túc, nên làm giảm sức hút với nhà đầu tư.

Thứ ba, ở phân khúc này, khách hàng chủ yếu là đầu tư cho thuê hoặc mua để bán lại. Từ năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bị đóng băng, nhà đầu tư không thể ra hàng khi mua sản phẩm này, nên e ngại đầu tư.

Đánh giá triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Trần Anh Group cho rằng, thị trường này sẽ chưa thể hồi sinh trong 1 - 2 năm tới. Nhận định của ông Thiện đến từ nhiều yếu tố.

Một là, dòng tiền của nhà đầu tư đang “hạn chế” do khủng hoảng.

Hai là, thị trường này phụ thuộc vào ngành du lịch, nhưng thị trường du lịch vẫn chưa hồi phục, nên tác động tiêu cực đến thị trường này.

Ba là, những nhà đầu tư vào dòng sản phẩm nghỉ dưỡng đang mắc kẹt với số lượng sản phẩm đầu tư chưa bán được, có xu hướng không đầu tư tiếp vào sản phẩm này, mà đến với dòng sản phẩm truyền thống như chung cư, đất nền, nhà phố.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Danh Khôi (DKRS) nhìn nhận, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chỉ có thể hồi phục khi chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để thị trường này hồi phục là phải nhanh chóng tháo gỡ được câu chuyện cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng...

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục