Bất động sản Đồng Hới tăng nhiệt, chính quyền vào cuộc

(ĐTCK) Sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh khiến thị trường bất động sản TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tăng nhiệt khá mạnh trong thời gian qua, buộc chính quyền phải vào cuộc giám sát.
Một dự án tại khu vực ven Đồng Hới được giới đầu cơ ôm vào với giá gấp 2-3 lần so với giá mở thầu Một dự án tại khu vực ven Đồng Hới được giới đầu cơ ôm vào với giá gấp 2-3 lần so với giá mở thầu

Thanh khoản tăng đột biến

Báo cáo của Quỹ phát triển đất đai  Quảng Bình cho biết, trên địa bàn TP. Đồng Hới đến nay có 21 dự án tạo quỹ đất khu dân cư. Tính đến cuối năm 2018, các dự án quỹ đất do UBND TP. Đồng Hới làm chủ đầu tư còn tồn lại 237 lô, với số tiền dự kiến là 116 tỷ đồng; dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên - Môi trường) làm chủ đầu tư còn 115 lô, số tiền 166,9 tỷ đồng; dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư còn có 110 lô, số tiền 135,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy, trừ một số dự án như Khu dân cư phía Đông đường Phùng Hưng, Khu dân cư Đông Nam đường Lê Lợi, Khu dân cư ven sông Lệ Kỳ, Khu dân cư phía Tây đường Hữu Nghị (phần mở rộng về phía Nam), khu Sa Động - Bảo Ninh, khu hạ tầng kỹ thuật Vùng Tằm - Lộc Ninh là vẫn còn sản phẩm để bán (do được tổ chức bán đấu giá theo đợt), tất cả các dự án còn lại tại Đồng Hới đều đã hết hàng, hoặc chỉ còn số lượng rất hạn chế. Riêng Dự án Khu dân cư Đông Nam đường Lê Lợi sau đợt bán đấu giá cuối tháng 3 vừa qua, hiện nay chỉ còn 3 lô sót lại.

Một buổi đấu giá đất tại dự án quỹ đất do Nhà nước đầu tư tại Đồng Hới vừa qua có sự tham gia của rất đông khách hàng 

Các dự án nhà ở thương mại do doanh nghiệp đầu tư cũng trong tình trạng “cháy hàng”. Chẳng hạn, Dự án Khu nhà ở thương mại Trường Thịnh do Tập đoàn Trường Thịnh và Công ty cổ phần Địa ốc First Real hợp tác đầu tư có tổng số 155 sản phẩm đất nền, đất biệt thự, hiện chỉ còn chưa đến 25 sản phẩm. Dự án Eco Garden do Hana Land và Đất Xanh Bắc Miền Trung hợp tác đầu tư với tổng số 68 sản phẩm đất nền biệt thự, hiện đã thanh khoản hơn 80%. Dự án Diamond Riverside do Đất Xanh Bắc Miền Trung phát triển trong giai đoạn 1 với 75 sản phẩm, hiện có 54 sản phẩm đã bán…

Ông Lê Thuận Nhật Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển bất động sản Đông Phong cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thị trường đất nền Đồng Hới đã có sự tăng trưởng mạnh. Nhiều dự án mới được chào bán với số lượng lớn, thanh khoản cũng có sự tăng lên đột biến, trong đó ghi nhận sự tham gia của nhóm nhà đầu tư ngoại tỉnh khá nhiều, đáng chú ý là nhóm nhà đầu tư từ Đà Nẵng, Huế, Hà Nội.

 Khu F325 tại trung tâm Đồng Hới đã tăng giá mạnh so với trước Tết Nguyên đán

“Quỹ đất tại thị trường Đồng Hới vẫn còn khá dồi dào và mặt bằng giá chung còn khá thấp so với nhiều địa phương, trung bình chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2, khu vùng lõi trung tâm thành phố cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2. Trong khi đó, Đồng Hới đang có tốc độ phát triển hạ tầng khá nhanh. Do vậy, dễ hiểu khi thị trường này trở thành điểm đến mới ưa thích của các nhà đầu tư”, ông Tân nhận định.

Trong khi đó, ông Tống Phước Hoàng Hưng, Tổng giám đốc Đất Xanh Bắc Miền Trung cho biết, hiện nay, dòng tiền từ nhà đầu tư đang có sự dịch chuyển dần ra khỏi các thị trường đã nóng trước đó để đến với các khu vực mới tiềm năng khác, mà nổi lên là Tuy Hòa (Phú Yên), Mũi Né (Bình Thuận), Đồng Hới (Quảng Bình)… Đây là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Đồng Hới sôi động trong thời gian qua.

Giá tăng cao, cơ quan chức năng vào cuộc giám sát

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá đất Đồng Hới hiện nay đã tăng khá cao với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nếu giá đất khu vực quanh trung tâm Đồng Hới trước Tết vào khoảng 16 - 18 triệu đồng/m2, thì nay đã lên mức 20 triệu đồng/m2. Các khu vực thuộc vùng ven thành phố như Thuận Đức, Đồng Sơn, Lộc Đại…, nơi được định hướng mở rộng đô thị, giá bán từ 1 - 2 triệu đồng/m2 trong năm 2018, nay đã lên mức 3 - 4 triệu đồng/m2, thậm chí tại những dự án được đầu tư tốt về hạ tầng và tiện ích, giá bán đã lên mức 5 - 6 triệu đồng/m2.

Đặc biệt, khu vực trọng tâm nhất của thị trường Quảng Bình là ven sông Nhật Lệ và bán đảo Bảo Ninh, nơi được quy hoạch phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hạng sang, giá đất tăng từ 10 - 15 triệu đồng/m2 năm 2018, lên tới 30 - 35 triệu đồng/m2.

Nhiều khách hàng sẵn sàng đưa ra mức giá gấp 2-3 lần so với mức giá niêm yết để gom đất dự án do Nhà nước đầu tư 

Ông Nguyễn Hữu Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Protech cho rằng, giá đất tại thị trường Đồng Hới tăng nhanh thời gian qua có 2 yếu tố. Thứ nhất là do tình trạng đầu cơ của một số nhà đầu tư địa phương. Có thể thấy, tại các cuộc đấu giá đất ở những dự án quỹ đất vùng ven Đồng Hới do Nhà nước đầu tư, nhiều nhà đầu tư có “máu mặt” tại địa phương và một số địa phương lân cận sẵn sàng đẩy mức giá lên cao gấp 2 - 3 lần mức giá khởi điểm để ôm trọn các lô đất này.

Lý do thứ hai, khá quan trọng, đó chính là sự hoàn thiện nhanh về tiến độ hạ tầng, tiện ích kết nối tại các dự án nhà ở thương mại ở trung tâm Đồng Hới, đã kéo giá đất tăng lên theo. Điều này có thể thấy rõ ở các dự án như: Khu nhà ở thương mại Bắc đường Trần Quang Khải, dự án Nhà ở thương mại Đức Ninh Đông (Công ty 533); khu F325, Tố Hữu, Vũ Trọng Phụng, Hoàng Sâm (First Real); Tây Hữu Nghị (Sở Xây dựng)…

“Sự tham gia của các đơn vị như Vingroup, FLC, Trường Thịnh, First Real… với những dự án quy mô lớn, cũng như sự xuất hiện của các đơn vị môi giới chuyên nghiệp có quy trình tiếp thị, bán hàng bài bản đã truyền tải được nhiều giá trị bất động sản Đồng Hới đến nhiều hơn với khách hàng trong thơi gian qua. Và như một điều tất yếu, giá đất tại Đồng Hới cũng tăng lên”, ông Đức nhận định.

Bên cạnh việc các dự án tăng giá nhờ hiệu ứng tiến độ hạ tầng (tập trung chủ yếu ở các dự án nhà ở thương mại trung tâm thành phố), thị trường Đồng Hới cũng xuất hiện một số khu vực giá đất “tát nước theo mưa” khi giới đầu cơ và cò đất sau khi “ôm vào”, đã dùng chiêu trò đẩy giá lên cao gấp 2 - 3 lần so với mặt bằng chung của thị trường. Điều này đang gây ra những lo ngại về việc xuất hiện tình trạng sốt đất ảo.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp bàn về giá đất TP. Đồng Hới và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tại cuộc họp này, các sở, ngành đã chỉ ra một số bất cập tại thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh như hoạt động kinh doanh còn mang tính tự phát, phần lớn các giao dịch không thực hiện qua sàn, giá cả thường xuyên tăng giảm đột biến… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cũng như tác động tiêu cực đến vấn đề cải thiện chỗ ở của người dân địa phương.

Tại cuộc họp này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân yêu cầu TP. Đồng Hới, UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến việc quản lý thị trường bất động sản. Theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn giá đất, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn. Ông Ngân cũng yêu cầu, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Ngọc Tân
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục