Bất động sản đón cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023 đã khép lại với khó khăn chưa vơi bớt. Tuy nhiên, khó khăn cũng luôn song hành với cơ hội và trong năm 2024 cũng như giai đoạn tới, cơ hội sẽ lớn hơn khi nền tảng thị trường bất động sản đã khác…
Nguồn cung nhà ở mới được dự báo tiếp tục khan hiếm. Ảnh: Lê Toàn Nguồn cung nhà ở mới được dự báo tiếp tục khan hiếm. Ảnh: Lê Toàn

Cơ hội đan xen khó khăn

Ông Vũ Lý Cung - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản DKRV chia sẻ, thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực xoay xở với hy vọng thị trường sẽ tích cực hơn, thế nhưng khép lại năm 2023, khó khăn vẫn chưa vơi bớt. Dẫu vậy, bước sang năm 2024, dù không kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi nhanh, nhưng cơ hội sẽ chắc chắn hơn bởi nền tảng thị trường đã được củng cố khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, tâm lý nhà đầu tư cũng tích cực hơn.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Lộc Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ngọc Châu Á nhìn nhận, năm 2024 sẽ là năm cạnh tranh khốc liệt khi nguồn cung nhà ở tiếp tục hạn chế do thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án chưa thể rút ngắn. Trên thị trường, số lượng dự án tuy nhiều nhưng phần lớn lại chưa đủ điều kiện bán hàng vì pháp lý chưa hoàn thiện nên sản phẩm sẽ khan hiếm.

Mặt khác, những chủ đầu tư tồn tại đến thời điểm hiện tại hầu hết đều có nền tảng tài chính vững nên không quá áp lực phải bán hàng bằng mọi giá. Giá bán nhà neo cao cũng là một rào cản bởi chắc chắn không thể bán rẻ khi các chi phí đầu vào phát triển dự án đều tăng. Có những dự án dù được cho là “ngáo giá” vẫn phải duy trì do phải hạch toán về tài chính, dòng tiền với ngân hàng, dẫn đến việc không thể hạ giá. Để cải thiện thanh khoản, chủ đầu tư sẽ phải đưa ra các chính sách ưu đãi, các điều kiện hỗ trợ... nhưng vẫn neo giá cao, dẫn đến nhà đầu tư chưa nhận thấy sự hấp dẫn để tạo ra một làn sóng đầu tư thực sự.

Nhà đầu tư đang quay trở lại với bất động sản. Ảnh: Dũng Minh

Nhà đầu tư đang quay trở lại với bất động sản. Ảnh: Dũng Minh

Dòng tiền tích lũy tăng dần

Theo các thành viên thị trường, dù chưa thật sự thoát khỏi khó khăn, song thị trường bất động sản đã bớt ngột ngạt hơn. Niềm tin đang quay trở lại, khách hàng bắt đầu quan tâm đến bất động sản nhiều hơn.

Phân tích ở góc độ thị trường, ông Trần Hoài Bảo - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản TPI cho rằng, nếu như giai đoạn 2022-2023 ghi nhận sự lao dốc mạnh về thanh khoản, thì sang năm 2024 sẽ là thời điểm thị trường tích lũy. Đó là sự tích lũy của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, trong đó sẽ có nhiều người chọn bất động sản để tích lũy tài sản.

“Từ quý cuối quý III/2023, dòng vốn đầu tư bắt đầu quay trở lại với bất động sản, nhưng chủ yếu tập trung vào loại hình có thể sinh lời nhanh. Nhu cầu nhà đất sẽ tăng trong thời gian tới và không đồng đều ở các phân khúc”, ông Bảo nhận định và cho rằng, những nhà đầu tư trước đây có thói quen đầu cơ thì nay cơ cấu lại danh mục đầu tư, tìm kiếm những sản phẩm có khả năng đem lại dòng tiền ngay. Có nhiều nhà đầu tư hướng từ nhà phố, đất nền… sang đầu tư căn hộ với kỳ vọng thu về lợi nhuận ổn định từ hoạt động cho thuê. Những người có nhu cầu mua nhà để dành cho con cái mai sau cũng mong muốn vừa tích sản, vừa cho thuê tạo ra dòng tiền đều đặn.

Giới chuyên gia nhận định, năm 2024 là năm bản lề đối với thị trường bất động sản. Chính phủ đã và đang quyết tâm vực dậy thị trường với hàng loạt quyết sách, tạo tiền đề cực kỳ lớn để thúc đẩy sự phục hồi thị trường. Đặc biệt, việc thông qua các sắc luật điều chỉnh thị trường nhà đất như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ tạo nền tảng vững chắc về mặt thể chế, pháp lý, từ đó củng cố tâm lý của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Dương Minh Tiến - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time, thị trường thời gian qua mất thanh khoản một phần do chịu tác động bởi suy thoái kinh tế, song quan trọng hơn là giới đầu tư đứng ngoài cuộc do e ngại chính sách thay đổi với nhiều thông tin đồn đoán bất lợi như sở hữu bất động sản có thời hạn, đánh thuế cao với người sở hữu bất động sản thứ 2… và tâm lý này đã được gỡ bỏ sau khi các sắc luật trên được lần lượt thông qua. Do đó, dự báo thời gian tới, bất động sản sẽ thu hút dòng tiền đầu tư trở lại một cách mạnh mẽ.

Một yếu tố hỗ trợ quan trọng khác là sự bùng nổ của hệ thống hạ tầng kết nối. Thời gian qua, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng vẫn được ưu tiên, đặc biệt tại các khu vực phía Nam.

Chẳng hạn, tại Đồng Nai, đây được xem là khu vực “sân sau” của TP.HCM trong xu thế giãn dân nên nhu cầu nhà ở rất lớn, cũng là nơi hình thành sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai. Tuyến đường Vành đai 3 nối 4 địa phương gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai đang được tăng tốc đầu tư.

Các khu vực Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… cũng được đầu tư nhiều công trình hạ tầng kết nối liên vùng và có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là bất động sản du lịch. Sau khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu quý II/2023, du khách đến Bình Thuận từ TP.HCM hoặc từ sân bay Tân Sơn Nhất được rút ngắn một nửa thời gian di chuyển. Tương tự, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc; Biên Hòa - Vũng Tàu… đều có mốc thời điểm hoàn thành trong giai đoạn 2025-2026 và được dự báo trở thành động lực phát triển cho thị trường bất động sản nơi những tuyến cao tốc này đi qua.

Thực tế cho thấy, những khu vực đang nở rộ làn sóng đầu tư công, có tốc độ đô thị hóa cao… cũng là những địa chỉ tốt để đón lõng cơ hội. Còn về sản phẩm, giai đoạn này ưu tiên tìm kiếm được các sản phẩm pháp lý đầy đủ, được quy hoạch bài bản và được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín. Lúc này, quyết định đầu tư tùy thuộc vào tình hình tài chính của khách hàng cũng như việc họ có nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ chủ đầu tư, ngân hàng hay không. Song, lời khuyên được đưa ra từ các chuyên gia, bất động sản tốt nhất là bất động sản được mua sớm nhất.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục