Thị trường nhiều tiềm năng
Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Đắk Lắk là đô thị hạt nhân, nằm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Địa phương này có nhiều ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản, sinh thái, có tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái với hơn 10 di tích, thắng cảnh quốc gia.
Địa phương này có cấu tạo địa hình như một mái nhà phòng hộ, góp phần bảo vệ sinh thái cho vùng duyên hải phía Đông và vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam. Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho Đắk Lắk một tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác hùng vĩ như thác Gia Long (thác Dray Sáp thượng), thác Krông Kmar, thác Thủy Tiên, thác Bảy Nhánh, thác Dray Nur, thác Dray Nao, thác Suối mơ..., nhiều hồ lớn thơ mộng như hồ Lăk, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Đăk Minh, hồ Ea Nhái..., các khu rừng nguyên sinh như Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Khu lâm viên Ea Kao...
Thêm vào đó, Đắk Lắk còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 44 dân tộc anh em cùng chung sống, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử và phong trào hoạt động cách mạng của thế hệ cha anh. Với đàn voi rừng trên 50 con đã được thuần dưỡng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc và phục vụ khách du lịch. Đắk Lắk nói chung và Buôn Đôn nói riêng nhờ thế đã trở thành một địa danh hấp dẫn, nổi tiếng trên thế giới về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Được xem là cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Hiện nay, Đắk Lắk đã có 10 di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa được công nhận là di tích quốc gia, trên 70 di tích phân bổ đều khắp địa bàn toàn tỉnh. Các di tích này được khách du lịch thường xuyên đến tham quan nhằm mục đích thưởng ngoạn và tìm hiểu về truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Với hệ thống gồm 32 khách sạn và 17 nhà khách, nhà nghỉ như hiện nay, Đắk Lắk đủ khả năng đón tiếp 500.000 - 600.000 lượt khách trong năm và có thể tổ chức những hội nghị, hội thảo lớn. Trong thời gian tới, sẽ xây dựng mới nhiều khách sạn để đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng trưởng về lượt khách dự kiến sẽ tăng bình quân 15 - 20% mỗi năm.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk có hệ thống giao thông hoàn thiện, đường hàng không, đường bộ đến các điểm du lịch trọng điểm đều được trải nhựa. Việc di chuyển đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ Quốc lộ 14 và 26. Cơ sở hạ tầng tại Đắk Lắk cũng nhanh chóng được đầu tư và hoàn thiện với những hạng mục lớn như tuyến đường Hồ Chí Minh - cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và các trục giao thông xuyên Á nối Trung Quốc - Myanmar - Lào - Thái Lan.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đinh Duy Tâm, Giám đốc Chi nhánh Đắk Lắk - Công ty cổ phần Địa ốc An Cư cho biết, thị trường bất động sản Đắk Lắk ngoài những ưu đãi về thiên nhiên, du lịch, thì đây cũng là thị trường ít chịu tác động từ các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, ngay cả tín dụng cũng ít bị tác động.
Một lợi thế không nhỏ nữa đến từ những chính sách mà chính quyền tỉnh Đắk Lắk mời gọi đầu tư. Đồng thời, cũng “mạnh tay” xử lý những dự án chậm tiến độ, “có vấn đề” giúp cho thị trường phát triển một cách lành mạnh hơn.
Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, để tạo điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn, một mặt tỉnh tạo điều kiện tối đa về thủ tục đầu tư, các chế độ ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp. Mặt khác, với những dự án chậm tiến độ án ngữ trên vị trí đất đẹp, tỉnh sẽ tiến hành ra soát, thu hồi với những chủ đầu tư yếu kém năng lực để tạo quỹ đất.
Những dự án tiên phong
Theo Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, thị trường địa ốc nơi đây bắt đầu sôi động từ năm 2017 với hàng chục dự án đầu tư vào địa bàn, tổng vốn 4.000 tỷ đồng. Có thể kể đến các dự án như Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân tại huyện Cư M’gar của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản DPV, Khách sạn Mường Thanh của Tập đoàn Mường Thanh… Các dự án đã được quy hoạch như Làng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Khu tái định cư đường Mai Xuân Thưởng, TP. Buôn Ma Thuột…
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Đắk Lắk năm 2019 diễn ra tháng 3/2019 tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đăng ký 71.619 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản.
Hiện các dự án bất động sản đầu tư vào địa phương chủ yếu là các bất động sản du lịch, khu dân cư, khu đô thị có quy hoạch đồng bộ và hiện đại như: Dự án Khu dân cư hồ sinh thái xã CưÊbur, Khu dân cư Nam Sơn, Khu dân cư Happy Residence, Khu đô thị Buôn Hồ Central Park, Khu đô thị The Coffee City, Khu đô thị KM7, Khu đô thị HighLands Park Complex, Khu đô thị Bắc Tân Lợi...
Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng đưa Đắk Lắk trở thành tầm ngắm mới của các nhà đầu tư địa ốc là bởi những thị trường bất động sản lớn đã phát triển mạnh, giá được đẩy lên khá cao và có dấu hiệu bão hòa, trong khi thị trường bất động sản Đắk Lắk đang ở giai đoạn đầu phát triển, nên tiềm năng tăng trưởng còn lớn.
Ngoài ra, theo quy hoạch tổng thể đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đắk Lắk xác định phát triển kinh tế theo hướng “xanh”, bền vững. Đồng thời, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng. Đây chính là những đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Đắk Lắk.
“‘Cô gái đẹp’ đã thức giấc, nhưng vẫn còn chưa tỉnh ngủ hoàn toàn. Do đó, thị trường nơi đây vẫn trông chờ vào các dự án lớn được ấn nút khởi công. Đây được ví như là “tiếng sáo” đánh thức hoàn toàn thị trường bất động sản Đắk Lắk thời gian tới”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc An Cư ví von.
Cũng theo ông Tuấn, do nhu cầu của khách hàng, nên hiện tại, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào khai thác phân khúc đất nền, phân lô. Để thị trường bất động sản Đắk Lắk thực sự sôi động và chuyên nghiệp, thì mất khoảng thời gian từ 2 - 3 năm tới.
Còn theo đánh giá của ông Phạm Văn Nam, Phó trưởng ban Kinh doanh của Tập đoàn FLC, bất động sản Đắk Lắk đã khởi sắc với những tín hiệu giao dịch sôi động từ nửa cuối năm 2017 trở lại đây. Các nhà đầu tư ở những thị trường truyền thống đang hướng tầm mắt tới những thị trường tiềm năng như Đắk Lắk để đón đầu cơ hội đầu tư mới.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com