Bất động sản công nghiệp, thời cơ bứt phá

(ĐTCK) Với sự dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tới Việt Nam và sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, thị trường bất động sản công nghiệp đứng trước thời cơ lớn để bứt phá.
 
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài

Tương lai tươi sáng

Dẫn số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết, thời kỳ bắt đầu mở cửa (năm 1986), Việt Nam chỉ có khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp, nhưng đến nay, cả nước đã có khoảng 328 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 96.300 ha.

Trong đó, 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 85% và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn giải phóng, đền bù mặt bằng. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp của cả nước sẽ tăng gấp đôi quy mô hiện tại.

“Đây chính là minh chứng sinh động nhất cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của loại hình khu công nghiệp và cũng là yếu tố tạo đà cho sự phát triển bất động sản khu công nghiệp hiện Việt Nam nay”, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành và Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus nhận định.

Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào. Điều này đã tạo động lực cho phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics phát triển.

 Việt Nam hiện có khoảng 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có chi phí sản xuất thấp (dưới 1 USD/giờ), thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn Trung Quốc, chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia, là một trong những nguyên nhân thu hút dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

Theo nhận định của ông Troy Griffiths, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, FDI tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển của chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc và cả doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách chuyển dịch cơ sở sản xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để né cuộc chiến này cũng thời cơ cho bất động sản công nghiệp Việt Nam “cất cánh”.

 “Chúng tôi đang nhìn thấy một luồng vốn đầu tư lớn vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, tương tự như tại Trung Quốc những năm trước đây. Sự bùng nổ trong bất động sản công nghiệp hiện tại ở Việt Nam đã thể hiện rõ ở tương lai khi những thương hiệu lớn như Nike hay Adidas, tỷ trọng trước đây phần lớn nằm ở Trung Quốc, nay đang chuyển dần về Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có nguồn cung quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp khá tốt”, ông Greg Ohan, Phó tổng giám đốc Công ty BW Industrial cho biết.

Bên cạnh đó, theo Savills Việt Nam, có đến 2/3 doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng phạm vi, quy mô kinh doanh tại Việt Nam. Còn số liệu thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cũng cho thấy, có hơn 90% doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holdings cho biết, trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển ổn định, trong đó bất động sản du lịch và bất động sản công nghiệp sẽ là chủ đạo. Với bất động sản công nghiệp, phân khúc này có nhiều triển vọng nhờ xuất phát từ xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất tới Việt Nam của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Một lợi thế nữa để bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển chính là sự xuất hiện của các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG, Intel…, hay tập đoàn trong nước như Vinfast sẽ thu hút các nhà cung cấp đặt nhà máy sản xuất gần với khách hàng của họ. Đây chính là sức cầu lớn với phân khúc bất động sản công nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Savills đánh giá, thị trường đầu tư bất động sản công nghiệp Việt Nam mới chỉ đang bước vào giai đoạn khởi đầu và với những chuyển biến hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp và dịch vụ logistics của Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi cho đà tăng trưởng vượt bậc.

Những vẫn còn việc phải làm

Theo nhận định của giới chuyên gia, một trong những lý do Việt Nam thu hút mạnh dòng vốn FDI thời gian qua là nhờ môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện. Kinh tế tăng trưởng vững chắc và tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm đến 50% dân số trong 10 năm tới.

“Môi trường đầu tư của Việt Nam đang được nỗ lực đổi mới và ngày càng cải thiện. Cùng với đó là những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó có bất động sản”, ông Hiroyuki Ishige, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nhận định.

Tuy nhiên, để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn FDI, qua đó tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá, Việt Nam vẫn còn việc phải làm.

Đầu tiên, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa chính sách, môi trường kinh doanh..., nhất là trong việc khơi thông các thương vụ M&A.

Bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam, Phó chủ tịch Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Westgate Reatly cho rằng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề chính là pháp luật tại Việt Nam “mỗi người hiểu một cách khác nhau, tôi hiểu thế này bạn hiểu thế khác”.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mang tiền vào Việt Nam thì dễ, nhưng mang ra thì rất khó. Thậm chí, Việt Nam cũng chưa có các cơ chế để giữ được đồng tiền của nhà đầu tư nước ngoài ở lại để đầu tư sinh lời tiếp, dẫn đến khó khuyến khích được đầu tư.

Ở góc nhìn khác, ông Daniel Levine, chuyên gia hàng đầu thế giới về dự báo xu hướng bất động sản cho rằng, Việt Nam có một lợi thế trong việc phát triển công nghệ, đó là khả năng “nhảy cóc”, tự mình phát triển và áp dụng công nghệ tiên tiến mà không phải tốn tiền cho việc duy trì hay phá bỏ những công nghệ đã lạc hậu. Ngành xây dựng nói riêng rất quan tâm đến việc tăng năng suất và giảm chi phí.

“Nếu Việt Nam sở hữu được công nghệ đáp ứng được cả hai yêu cầu đó, thì chắc chắn các bạn sẽ thu hút được rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài, lớn hơn nhiều so với con số mà các bạn đã đạt được”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Còn theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là yếu tố mới. Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội tốt cho Việt Nam.

“Điều chúng ta phải làm là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thay vì để họ đến các nước khác. Đó là chuẩn bị đủ điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nếu tận dụng được cơ hội này, triển vọng bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là rất lớn”, ông Võ đánh giá.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục