Hà tầng là bệ phóng
Những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đã bắt đầu điều chỉnh cách thức đầu tư. Từ việc chỉ đơn thuần cho thuê đất, hiện phần lớn các chủ đầu tư đều đầu tư nhà xưởng, đi kèm với các hạng mục tiện ích nội khu như giao thông nội bộ, xử lý thải, xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu, đặt hàng của đối tác. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn dành quỹ đất để xây nhà ở cho chuyên gia, công nhân lao động.
Tại phía Bắc, những địa phương có nhiều bất động sản công nghiệp có thể kể đến như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam… Còn tại miền Nam, có thể kể đến Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An…
Theo bà Trương Minh Hạnh, Giám đốc tiếp thị VSIP Bắc Ninh và VSIP Hải Dương, có 3 yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bất động sản công nghiệp, đó là hạ tầng; các hiệp định thương mại và sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn & Giao dịch - Dịch vụ Văn phòng, CBRE Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ phân khúc bất động sản công nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, với việc Việt Nam đạt được Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) với cộng đồng EU sẽ khiến nhiều nhà sản xuất lựa chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy để được giảm thuế xuất nhập khẩu. Ngoài ra, không thể không nhắc tới sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng đó là nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng đây không phải là lý do duy nhất. Hiện nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc và các quốc gia khác cần một nước khác có chi phí nhân cộng và vị trí địa lý thuận lợi để phát triển các điểm sản xuất, đó có thể là: Việt Nam, Myanmar, Bangladesh… Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thật ra chỉ giúp đẩy nhanh quá trình này.
Thương mại điện tử bùng nổ, bất động sản công nghiệp “lên hương”
Bất động sản công nghiệp đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Có thể kể đến thương mại điện tử (E-Commerce) như là một nguồn cầu quan trọng. Thương mại điện tử đang thực sự bùng nổ ở Việt Nam và các doanh nghiệp ngành này đang ráo riết săn tìm các mặt bằng tốt để đặt kho, trạm trung chuyển hàng hóa. Một trong những tiêu chí quan trọng của thương mại điện tử là giao hàng nhanh, kịp thời cho các khách hàng. Do đó, việc có được các kho trung chuyển sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả phục vụ khách hàng.
Các nghiên cứu từ những thương hiệu hàng đầu về thương mại điện tử đã chỉ ra rằng, mỗi doanh thu thương mại điện tử trị giá 1 tỷ USD, với các doanh nghiệp khác nhau sẽ cần một mức diện tích khác nhau, tuy nhiên, điểm chung đều là các diện tích lớn. Ví dụ với JD.com, mỗi doanh thu thương mại điện tử trị giá 1 tỷ USD cần 172.000 m2, với Amazon, con số này là 141.300 m2…
Công nghiệp ô tô nhiều hứa hẹn
Mặc dù ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam còn chưa phát triển so với các nước trong khu vực, nhưng các công ty lớn trong thị trường đã bước đầu có kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất ô tô lớn và chuyên nghiệp như THACO với Khu liên hợp Chu Lai - Trường Hải (tỉnh Quảng Nam) và VinFast với tổ hợp sản xuất xe hơi tại Hải Phòng.
Hơn nữa, các nhà lắp ráp xe hơi nổi tiếng quốc tế, như Mercedes-Benz, Toyota hay Mitsubishi Motors, cũng có các kế hoạch mở rộng của riêng họ. Việc mở rộng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự cải thiện nhanh chóng của mạng lưới đường cao tốc và các cảng nước sâu kết nối các trung tâm công nghiệp và hậu cần.
Không chỉ các nhà lắp ráp mà cả các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng xe hơi cũng tham gia vào cuộc chơi với những yêu cầu về đất công nghiệp ngày càng tăng được ghi nhận trong những năm gần đây.
Vậy, những tín hiệu tích cực từ ngành ô tô có liên quan gì đến bất động sản? Theo ông Hiếu, với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, họ cần những diện tích lớn để thiết lập hoạt động sản xuất. Với các nước đi trước, thậm chí còn có những khu công nghiệp, khu cảng được xây dựng chỉ để phục vụ ngành lắp ráp ô tô. Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng này trong tương lai gần.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com