Điểm đến của những thương hiệu toàn cầu
Cuối tháng 4/2019, Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, LG sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại Pyeongtaek ở phía Nam Seoul (Hàn Quốc) vào cuối năm nay để chuyển dây chuyền sản xuất sang Hải Phòng (Việt Nam) nhằm tiết giảm chi phí. Đây cũng là nơi nhiều bộ phận khác của LG đang đặt nhà máy.
Với kế hoạch di dời dây chuyền, LG ước tính sản lượng smartphone nửa cuối năm 2019 tại nhà máy Việt Nam có thể tăng 83%, lên mức 11 triệu chiếc/năm. LG là một trong những tập đoàn tham gia làn sóng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam.
Trong tháng 5/2019, hãng sản xuất giày của Mỹ Brooks Running cũng tuyên bố sẽ chuyển dây chuyền từ Trung Quốc sang Việt Nam trong năm nay. Trong năm ngoái, Tập đoàn Samsung, hãng giày Adidas, nhà sản xuất linh kiện iPhone Foxconn, GoerTek..., cũng đã có những tuyên bố tương tự.
Tương tự, Tập đoàn TTI, Inc. (Mỹ) dự định thiết lập nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời và trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) với mức đầu tư 150 triệu USD.
Một đơn vị khác là nhà sản xuất linh kiện máy bay của Mỹ, Universal Alloy Corporatiion (UAC) bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ sunshise, giá trị 170 triệu USD tại Đà Nẵng.
Trước đó, vào tháng 2/2019, một công ty của Hàn Quốc là Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nhà sản xuất giày dép trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Phú (tỉnh Đồng Nai).
Hay nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay đầu tiên tại Việt Nam - Hanwha Aero Engines (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD cũng đã được khánh thành cuối năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, đơn vị đầu tư nhiều dự án khu công nghiệp cho biết, nhiều tập đoàn nước ngoài đã tìm đến Công ty đặt vấn đề hợp tác như Tập đoàn Lenovo, Protex, Hanwha, Foxconn…
Khu công nghiệp không chỉ là nơi sản xuất
Theo Savills Việt Nam, những chính sách thông thoáng và cạnh tranh trong thu hút đầu tư giúp Việt Nam có bước tăng trưởng thần tốc trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm gần đây.
“Việt Nam có ưu thế giá lao động với mức lương trung bình thấp hơn so với Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Ngoài ra, Việt Nam còn có mức giá thuê đất hợp lý, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi, lực lượng lao động trẻ, năng động, các hiệp định thương mại và vị trí địa lý gần nguồn tài nguyên cũng như thị trường đích”, Savills đánh giá.
Thống kê từ Bộ kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 93.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 64.000 ha, chiếm khoảng 68% tổng diện tích đất tự nhiên.
Việt Nam đang là điểm dừng chân của nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới
Trong số 326 khu công nghiệp được thành lập, có 249 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 68.000 ha và 77 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên trên 25.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt trên 73% và tiếp tục gia tăng, cho thấy tiềm năng đối với phân khúc này.
Theo đánh giá của ông Ngô Hữu Tiệp, CEO GIZA E&C, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế. Điều này khiến cho bất động sản công nghiệp là một trong những phân khúc đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay, cả trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong đó, với các yêu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài, các mô hình bất động sản khu công nghiệp sẽ có sự chuyển biến theo hướng kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp.
Trong mô hình này, ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp, còn có các khu chức năng khác như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... để tạo một môi trường sống và làm việc cho chuyên gia, người lao động. Đây cũng là những đô thị vệ tinh nhằm mục đích giãn dân cư tại các khu trung tâm thành phố vốn đã đông đúc, chật chội.
Xây dựng nhà ở cho công nhân và chuyên gia là một trong những yêu cầu đặt ra với các khu công nghiệp
"Chúng ta thường quan niệm khu công nghiệp chỉ có sản xuất, mà không tính đến các hoạt động bình thường của cuộc sống cần có để duy trì “sinh khí” của khu công nghiệp. Trên thực tế, những mô hình khu công nghiệp thành công của một số nước khác đều vận hành như một thành phố thu nhỏ”, ông Tiệp nói.
Cũng theo ông Tiệp, hiện nay, quy mô và không gian kinh tế mở rộng hơn nhiều, những khu công nghiệp sẽ trở nên chật chội, không thực hiện được chức năng đa dạng là khu sản xuất - đô thị với đầy đủ dịch vụ giáo dục, y tế... Nhìn về tương lai, cần phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu bằng cách đưa chúng vào chuỗi kết nối các ngành nghề liên quan. Điều đó đặt ra yêu cầu lựa chọn những ngành nào được tập trung phát triển: điện tử, đóng tàu, gia dụng hay ôtô, từ đó tạo ra những “thành phố sản xuất, thành phố công nghiệp”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng giám đốc Saigontel, đơn vị đang triển khai chuỗi trung tâm dịch vụ khu công nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam cho biết, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp.
Mô hình này có những tiêu chí cụ thể, như quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng quá trình đô thị hóa. Với thiết kế thông minh, tinh tế gồm các phân khu chức năng đặc biệt như khu văn phòng, khu thương mại dịch vụ, không gian văn hóa giải trí, khu nhà ở… được quy hoạch một cách bài bản và khoa học, mô hình mang tới trải nghiệm hoàn toàn khác cho các chuyên gia, công nhân viên hoạt động trong các khu công nghiệp.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com