Thu hút nhiều dự án
Theo báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam, năm 2019 trở thành cuộc đổ bộ bán hàng ngoại tỉnh lớn nhất của doanh nghiệp địa ốc TP.HCM trong 10 năm qua. Sự chững lại và hạn chế nguồn cung tại TP.HCM khiến thị trường các tỉnh giáp ranh, trong đó có Bình Dương thêm sôi động.
Ghi nhận về thị trường bất động sản Bình Dương hiện nay cũng cho thấy các dự án mới, có quy mô vừa và lớn liên tiếp được các chủ đầu tư tung ra thị trường. Đặc biệt, trong các dự án này, nhiều dự án căn hộ cao cấp tọa lạc tại khu vực Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát có sức tiêu thụ kỷ lục, cứ bung ra là cháy hàng.
Đơn cử, dự án Phú Đông Premier do Phú Đông Group làm chủ đầu tư có vị trí tại đường Lê Trọng Tấn, thị xã Dĩ An. Quy mô gồm 2 block cao 35 tầng với 657 căn hộ, nhưng trong ngày đầu tiên công bố dự án này, đã có đến hơn 800 khách hàng muốn mua. Tại đợt chào bán vào tháng 7/2018, hơn 400 căn hộ của dự án đã được đặt mua hết chỉ sau một buổi sáng và hiện tại, các giao dịch chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp và giá đã tăng mạnh so với giá chủ đầu tư đưa ra.
Cụ thể, một căn hộ có diện tích 66 m2 tại tầng 11 có 2 phòng ngủ và 2 wc, hiện đang được chủ nhà rao bán với giá 1,7 tỷ đồng, tăng khoảng 200 triệu đồng so với giá ban đầu của chủ đầu tư.
Hay tại Dự án Bcons Suối Tiên, nằm trên mặt tiền đường Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, do Công ty cổ phần Địa ốc Bcons làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng 49.930 m2, khối căn hộ Bcons Suối Tiên gồm 2 đơn nguyên cao 20 tầng nổi và 2 tầng hầm với khoảng 656 căn hộ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tất cả các sản phẩm của dự án này đã được bán hết với giá của căn 1 phòng ngủ là 1 tỷ đồng, căn 2 phòng ngủ là 1,3 tỷ đồng... Giao dịch trên thị trường thứ cấp đã tăng khoảng 100 triệu đồng/căn.
Giao thông từ Bình Dương vào TP.HCM khá ách tắc
Một dự án khác của Công ty cổ phần Địa ốc Sacom - Samland là Samsora Riverside có vị trí tại cổng chào Bình Dương, cách ngã tư Bình Phước vài trăm mét cũng đang thu hút được sự chú ý của khách hàng. Quy mô của dự án gồm 3 block cao 22 tầng với 1.136 căn hộ, trong đó có 11 căn shop house.
Sâu trong khu vực trung tâm tỉnh Bình Dương hiện nay cũng xuất hiện nhiều dự án như Happy One do Tập đoàn Vạn Xuân làm chủ đầu tư, The Habitat do liên doanh Tập đoàn Singapore Sembcorp Gateway và Công ty TNHH Phát triển VSIP Bình Dương làm chủ đầu tư. Hay mới đây nhất, dự án Sora Garden II do Công ty TNHH BTMJR Investment thực hiện cũng đang được quảng cáo rầm rộ.
Đối với phân khúc đất nền, khu vực nóng nhất có lẽ thuộc về thị xã Thuận An - nơi đang được các nhà đầu tư dồn tiền với kỳ vọng bứt phá khi trở thành thành phố loại 2 và thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương trong năm 2020.
Ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực này hiện nay có nhiều dự án đất nền lớn như Khu dân cư Phú Hồng Khang, Khu dân cư Phú Hồng Đạt, Lộc phát Residence, khu nhà ở thương mại Phúc Đạt… và mức giá giao dịch lúc mới mở bán khoảng 30 - 35 triệu đồng/m2, tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2018.
Theo ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng địa ốc Đức Linh, việc các doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM ra tỉnh lân cận để phát triển dự án căn hộ là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay, quỹ đất sạch tại Thành phố không còn nhiều và đang trở nên cực kỳ đắt đỏ.
Ngoài ra, nhà đầu tư TP.HCM mua bất động sản tại tỉnh giáp ranh cũng chiếm tỷ lệ cao, vì họ đánh giá được tiềm năng tăng giá của các thị trường lân cận. Hơn nữa, thị trường TP.HCM hiện khó đầu tư kiếm lời vì giá đã tăng cao, vượt quá khả năng đầu tư hoặc chi trả của nhiều người, nên nhà đầu tư phải tìm tới các thị trường khác.
Ngoài nhà đầu tư, dự án căn hộ ở các tỉnh giáp ranh cũng thu hút nhiều người mua nhà để ở, vì giá nhà tại TP.HCM đã vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có nhu cầu. Trong khi đó, TP.HCM cũng đã bỏ quy định phải có hộ khẩu Thành phố mới được làm trong một số ngành, nghề, lĩnh vực, nên nhiều người chấp nhận đi xa để có chỗ an cư.
Hạ tầng kìm hãm nguồn cầu
Mặc dù được nhiều doanh nghiệp địa ốc chọn lựa nhưng hạ tầng giao thông tại Bình Dương chưa đồng bộ, việc đi lại của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, điều này ít nhiều tác động xấu đến nguồn cầu của thị trường.
Đơn cử như tỉnh lộ ĐT 743 thuộc địa bàn thị xã Dĩ An và Thuận An đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, đây là tuyến đường chính để di chuyển từ TP.HCM tới nhiều dự án bất động sản ở Bình Dương.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mặt đường đã xuống cấp và chi chít ổ gà, ổ voi. Bởi ngoài việc dẫn tới các dự án bất động sản thì đây cũng là tuyến đường chính dẫn vào các nhà máy trong khu công nghiệp Sóng Thần, nên thường xuyên có xe tải lớn và xe container lưu thông.
Theo chị Tuyết, một chủ quán nước tại đây cho biết, vào những ngày trời nắng thì bụi mù mịt vì đất đá bong tróc cuốn theo bánh xe chạy. Còn những khi trời mưa, nước đọng lênh láng trên mặt đường. Thậm chí, nước còn đọng tới nhiều ngày sau vì hệ thống cống tiêu thoát đã hỏng.
“Trời nắng thì bụi đất cát bay hết vào nhà, trời mưa thì nước ngập sình lầy, hai ba ngày lại xảy ra tai nạn giao thông…, nên buôn bán ở đây cũng vắng khách lắm, chủ yếu là cánh tài xế xe container ghé uống nước”, chị Tuyết nói và cho biết thêm, đặc biệt là khu vực vòng xoay An Phú, dù là đầu mối của nhiều tuyến đường nhưng nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Nguyên nhân bởi có nhiều phương tiện lưu thông qua đây, nhất là các xe tải, xe container từ các công ty trong khu công nghiệp trên địa bàn đổ ra đường.
Chị Linh, một nhân viên môi giới ở khu vực này cho biết, đúng là vấn đề hạ tầng xuống cấp, đi lại khó khăn khiến việc bán hàng cũng chậm hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm được khắc phục bởi vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương cho triển khai đầu tư thi công xây dựng trước 2 hạng mục cầu vượt tại Ngã 6 An Phú và Ngã tư 550. Dự kiến trong năm nay sẽ triển khai công tác đền bù, bàn giao mặt bằng 2 vị trí cầu vượt nêu trên để Tổng công ty Becamex triển khai thi công.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc giãn dân ở các vùng trung tâm ra các vùng ven là bài toán được các nhà quy hoạch của TP.HCM tính tới với việc xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế ở vùng ven. Tuy nhiên, có một vấn đề đang nổi lên là việc xây dựng hạ tầng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.
Cụ thể, từ Đại lộ Bình Dương tới ranh TP.HCM là con đường 6 làn xe, nhưng từ cửa ngõ tới TP.HCM chỉ còn 4 làn xe. Mà trong 4 làn xe này không có làn dành cho xe gắn máy nên việc lưu thông rất hỗn độn. Như vậy, có thể thấy giao thông đang bị thắt cổ chai từ ranh Bình Dương trở vào TP.HCM, rất cần sớm giải tỏa điểm nghẽn này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com