Bắt đáy là mạo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã “xanh” trở lại, nhưng ông Dương Văn Chung, Giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, động thái bắt đáy lúc này như “bắt dao rơi”. Nhà đầu tư nên quan sát kỹ thị trường trong vòng 2 tuần tới rồi mới quyết định có mua tiếp hay không.
Bắt đáy là mạo hiểm

Thị trường vừa trải qua hai tuần đầy biến động kể từ mức đỉnh cao mới. Theo ông, thị trường giảm lần này là điều chỉnh đơn thuần hay có nguyên nhân cơ bản nào?

VN-Index đã đảo chiều giảm 160 điểm (mức thấp nhất trong phiên 14/7) sau khi đạt 1.424 điểm trong phiên 2/7/2021 có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, xét về mặt định giá, VN-Index ở vùng 1.400 điểm không phải là đắt so với đỉnh 1.200 điểm năm 2018, nhưng cũng không còn quá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Hơn 1 năm qua, thị trường tăng điểm mạnh một phần nhờ yếu tố “tiền rẻ”.

Hiện nay, ở mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm là 5,5%/năm thì P/E hợp lý toàn thị trường ở mức 1/5,5%, tức 18,18 lần, nên khi P/E đạt mức trên 19 lần, dòng tiền tiết kiệm từ dân cư đổ vào chứng khoán tạm thời chững lại.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB.

Thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mà dòng tiền mới chững lại cũng đủ làm cho thị trường giảm.

Thứ hai, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng trước tương lai. Các chỉ báo vĩ mô 6 tháng đầu năm khá tích cực, nhưng có chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm mạnh về mức 44,1, báo hiệu kết quả kinh doanh những tháng tiếp theo của các doanh nghiệp sẽ sụt giảm.

Hơn thế, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở miền Nam rất căng thẳng trong hơn 1 tháng qua, nên chỉ số PMI tháng tiếp theo có thể tiếp tục giảm. Do đó, kết quả kinh doanh quý III và quý IV được dự báo là kém khả quan.

Thứ ba, quý II, thị trường tăng mạnh chủ yếu nhờ nhóm ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số, thì hiện nay cổ phiếu nhóm này không còn rẻ, thậm chí đắt khi chỉ số P/B đều ở mức lớn hơn 2. Ngoài ra, với việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bằng cách hạ lãi suất cho vay, biên lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ giảm, trong khi rủi ro nợ xấu do doanh nghiệp thua lỗ vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tăng lên. Khi nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá, thị trường sẽ khó tránh khỏi điều chỉnh sâu.

Thứ tư, về phân tích kỹ thuật, sau hơn 1 năm duy trì xu hướng tăng, điểm số của VN-Index tăng trên 100%, thì việc thị trường điều chỉnh giảm 10%, thậm chí 20% là bình thường. Từ tháng 3/2020 đến nay, thị trường đã tăng đủ 5 bước sóng Elliot, nên khả năng cao là thị trường đang bước vào nhịp điều chỉnh trung hạn A - B - C. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ được xác nhận khi VN-Index mất mốc 1.260 điểm.

Quan điểm của ông về động thái bắt đáy lúc này?

Tôi và khách hàng của mình đã tham gia bắt dao rơi tại vùng 1.265 - 1.275 điểm vì cho rằng thị trường sẽ xuất hiện một nhịp tăng ít nhất là lên 1.330 điểm.

Trường hợp VN-Index vượt qua 1.340 điểm với khối lượng giao dịch được cải thiện dần thì mức 1.264 điểm trong phiên 14/7 khả năng cao là đáy, nếu không thì sắc xanh vừa qua chỉ là nhịp hồi kỹ thuật trong một xu thế đi xuống.

Trường hợp VN-Index vượt qua 1.340 điểm với khối lượng giao dịch được cải thiện dần thì mức 1.264 điểm trong phiên 14/7 khả năng cao là đáy, nếu không thì sắc xanh vừa qua chỉ là nhịp hồi kỹ thuật trong một xu thế đi xuống.

Theo tôi, những nhà đầu tư có mức chấp nhận rủi ro thấp, hoặc đang sử dụng đòn bẩy không nên bắt dao rơi ở nhịp này, mà nên quan sát kỹ thị trường ít nhất trong 2 tuần nữa rồi mới quyết định có mua tiếp hay không.

Tuy nhiên, việc mua vào cần phải xét thêm nhiều yếu tố khác, ví dụ, nhà đầu tư cần xác định rõ mình là ai trên thị trường này: lướt sóng T+, đầu cơ xu thế, hay đầu tư dài hạn… Nếu là đầu tư dài hạn thì VN-Index từ 1.300 điểm trở xuống tạo ra cơ hội mua vào dần các cổ phiếu cơ bản, vì triển vọng năm sau rất tốt.

Những nhà đầu tư bị “kẹp hàng” ở vùng đỉnh 1.400 điểm nên ứng xử như thế nào với các khoản đầu tư?

Nhìn chung, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu, thậm chí tạm thời đứng ngoài thị trường, chờ cơ hội rõ ràng hơn.

Đối với những người xác định rõ mình là nhà đầu tư dài hạn thì việc sở hữu các cổ phiếu cơ bản tốt vẫn khá an toàn, bởi xu thế thị trường trong dài hạn là khả quan.

Ngoài ra, tôi cho rằng, với tình hình dịch Covid-19 đang “căng” như hiện nay, Chính phủ sẽ sớm có gói kích cầu để kích thích kinh tế phát triển. Nếu có gói kích cầu với quy mô đủ lớn và thời điểm ra mắt phù hợp thì kịch bản VN-Index giảm xuống 1.200 điểm sẽ thấp đi nhiều.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục