Bất chấp lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên mức 3,1% lần đầu tiên kể từ tháng 7/2011, phố Wall vẫn hồi phục trở lại sau phiên giảm hôm thứ Ba.
Phố Wall hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu bán lẻ và công nghệ sau khi có những đánh giá về triển vọng kinh doanh lạc quan. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu nhỏ tăng mạnh trong phiên thứ Tư nhờ có triển vọng kinh doanh tốt từ việc giảm thuế và nền kinh tế Mỹ tăng vững.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn những lo ngại khiến các chỉ số không thể tăng mạnh. Ngoại trừ lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất gần 7 năm, gây áp lực lên lạm phát, giới đầu tư còn lo lắng về việc Triều Tiên dọa hủy cuộc đàm phán cấp cao liên triều và cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều. Bên cạnh đó là cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn ra trong tuần này.
Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Dow Jones tăng 62,52 điểm (+0,25%), lên 24.768,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,01 điểm (+0,41%), lên 2.722,46 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 46,67 điểm (+0,63%), lên 7.398,30 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực tiếp tục tăng nhờ nhận được sự hỗ trợ của việc đồng euro giảm so với USD. Tuy nhiên, đà tăng chỉ ở mức khiêm tốn khi giới đầu tư lo lắng về tình hình chính trị tại Italia.
Kết thúc phiên 16/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,22 điểm (+0,15%), lên 7.734,20 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 26,29 điểm (+0,20%), lên 12.996,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 14,39 điểm (+0,26%), lên 5.567,54 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, diễn biến bất ngờ về vấn đề Triều Tiên cùng với dữ liệu kinh tế tiêu cực của Nhật Bản vừa công bố khiến các thị trường chính trong khu vực đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 100,79 điểm (-0,44%), xuống 22.717,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 41,83 điểm (-0,13%), xuống 31.110,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,55 điểm (-0,71%), xuống 3.169,57 điểm.
Trên thị trường vàng, việc đồng USD tiếp tục tăng mạnh và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức cao nhất gần 7 năm khiến giá kim loại quý gặp khó khăn. Sau phiên lao dốc trước đó, giá vàng nỗ lực hồi phục nhưng không thể khi chỉ lình xình quanh mức giá của phiên trước đó và đóng cửa gần như không đổi.
Kết thúc phiên 16/5, giá vàng giao ngay giảm 0,1 USD/ounce (-0,01%), xuống 1.290,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 1,2 USD/ounce (+0,09%), lên 1.291,5 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên thứ Tư nhờ các thông tin hỗ trợ xung quanh cuộc khủng hoảng về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Kết thúc phiên 16/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,18 USD (+0,25%), lên 71,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,85 USD (+1,07%), lên 79,28 USD/thùng.