Màn dạo đầu
MSCI sẽ thêm khoảng 230 cổ phiếu vốn hóa lớn hiện niêm yết bằng đồng Nhân dân tệ tại thị trường chứng khoán Trung Quốc vào chỉ số Thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index – MSCI EM) và chỉ số Mọi quốc gia trên thế giới (MSCI All Country World Index) theo 2 giai đoạn, vào 1/6 và 1/9/2018.
Lượng cổ phiếu được thêm vào năm nay của Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% chỉ số Thị trường mới nổi và 0,1% tại chỉ số Mọi quốc gia trên thế giới. Theo các chuyên gia, quá trình bổ sung cổ phiếu Đại lục vào các chỉ số của MSCI sẽ chưa dừng lại. Một khi quá trình bổ sung cổ phiếu được hoàn tất, các cổ phiếu hạng A của Đại lục có thể chiếm tỷ trọng 18% tại chỉ số MSCI EM, khiến Trung Quốc vượt qua các quốc gia đang đứng top đầu như Brazil, Nga và Ấn Độ.
Hiện tại, các quỹ đầu tư trên toàn cầu dựa vào chỉ số MSCI EM đang quản lý khối tài sản ít nhất 11.000 tỷ USD. Với việc nhiều cổ phiếu Trung Quốc được thêm vào chỉ số, dòng tiền từ các quỹ này sẽ tiến hành mua vào để đảm bảo cân đối danh mục. Các chuyên gia ước tính, khoảng 20 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu tiên của quá trình bổ sung cổ phiếu Đại lục. Thậm chí, dòng tiền chảy vào có thể lên tới 300 - 400 tỷ USD khi quá trình kết thúc.
Trong khi đó, Jing Ulrich, Phó chủ tịch JPMorgan châu Á - Thái Bình Dương nhận định, khoảng 40 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Đại lục sau ngày 1/6, bởi nhiều nhà đầu tư quốc tế đã có sẵn kế hoạch gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc trong danh mục đầu tư của mình.
Gao Ting, chiến lược gia tại UBS kỳ vọng, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu hạng A tại Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng lên mức 10 - 12% trong những năm tới, từ mức chưa tới 2% hiện tại, tất cả là nhờ động thái bổ sung thêm các cổ phiếu Đại lục vào rổ chỉ số của MSCI.
Mở rộng cánh cửa
Sở dĩ, động thái này tạo lực đẩy lớn đối với thị trường chứng khoán Đại lục, bởi từ trước tới nay, thị trường Trung Quốc chưa hoàn toàn mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, chỉ có 2 cách để nhà đầu tư quốc tế có thể mua cổ phiếu niêm yết tại Đại lục.
Thứ nhất, chương trình Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép (QFII) cho phép nhà đầu tư tổ chức trực tiếp mua cổ phiếu Trung Quốc với hạn mức nhất định. Năm 2018, Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc đảm bảo hạn mức 99,5 tỷ USD đối với khoản đầu tư theo QFII.
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu Đại lục thông qua mối liên kết 2 sàn Thượng Hải, Thẩm Quyến với Hồng Kông. Theo cách này, hạn mức đối với mọi khoản mua cổ phiếu trong ngày là 13 tỷ Nhân dân tệ.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu đang bị kích thích bởi quyết định của MSCI, dòng vốn ngoại chảy vào Đại lục từ sàn Hồng Kông thông qua các mối liên kết kể trên đã vượt qua 37 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 4, gấp ba lần tháng trước đó, đảo ngược lại tình trạng dòng tiền chảy ra ngoài trong tháng 2.
Với diễn biến này, không ít nhà đầu tư quốc tế tỏ ra lo ngại việc các quỹ đầu tư ồ ạt mua vào cổ phiếu Đại lục nhằm bổ sung danh mục, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những cổ phiếu mới có thể vượt hạn mức đang đặt ra. Do đó, giới chức Trung Quốc cho biết, hạn ngạch theo ngày đối với hoạt động mua cổ phiếu Đại lục từ sàn Hồng Kông sẽ được tăng lên gấp 4 lần hiện tại, đạt 52 tỷ Nhân dân tệ/ngày.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang mạnh dạn hơn nữa trong việc mua vào các cổ phiếu niêm yết tại Đại lục, bất chấp các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi tin rằng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang xây dựng và củng cố vị trí của mình trước quyết định thêm cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số của MSCI”, Allen Wong, chiến lược gia tại China Investment Securities nhận định.
Cùng chung quan điểm, Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư tại KraneShares cho rằng, các quyết định bổ sung danh mục của MSCI cần vài năm để hoàn thiện. Do đó, các nhà đầu tư đang coi khoản đầu tư vào Đại lục là chiến lược dài hạn, không chỉ là động thái tức thời. Đây sẽ là động lực tăng trưởng bền vững cho thị trường chứng khoán Trung Quốc.