Bất chấp khó khăn, vốn điều lệ các ngân hàng năm nay sẽ tăng mạnh

(ĐTCK) Yêu cầu của Thống đốc với các ngân hàng năm nay là không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ là nhân tố cộng thêm giúp tăng vốn điều lệ cho các nhà băng.
Bất chấp khó khăn, vốn điều lệ các ngân hàng năm nay sẽ tăng mạnh

Thêm nguồn tăng vốn

Câu chuyện chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, hay thậm chí có chia cổ tức hay không… luôn là câu chuyện nóng trước thềm đại hội đồng cổ đông của mỗi ngân hàng hàng năm.

Khối ngân hàng cổ phần nhà nước giữ vốn chi phối (Vietcombank, VietinBank và BIDV) thì thường chia  cổ tức một phần bằng tiền mặt, một phần bằng cổ phiếu, bởi lý do muôn thủa là Bộ Tài chính muốn chia bằng tiền mặt để cổ đông lớn (là Nhà nước) có nguồn thu. Ngược lại, ban lãnh đạo ngân hàng thường chỉ muốn chia cổ phiếu để tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu kinh doanh.

Với ngành ngân hàng, để mở rộng quy mô tổng tài sản mà vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) thì việc tăng vốn điều lệ (hoặc vốn chủ sở hữu) từ nguồn cổ tức (giữ lại vốn không chia cổ tức, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu) là tối ưu nhất. Thế nên, thường thì nhiều năm trở lại đây, phương án hỗn hợp, một phần cổ tức bằng tiền mặt và một phần bằng cổ phiếu được lựa chọn.

Với khối ngân hàng cổ phần, các nhóm cổ đông cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhất là khi giá cổ phiếu không tăng thì yêu cầu chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ lấn át. Ít ngân hàng có ý chí thống nhất cao như cổ đông của Techcombank, lãi cao nhất nhì hệ thống nhưng hầu hết các năm đều không chia cổ tức. Phần lợi nhuân giữ lại được dùng để bổ sung vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực hoạt động với phương châm “chưa chia thì còn đó”. Phải đến tận năm 2018, sau 7 năm thực hiện chính sách này, Techcombank mới làm cổ đông “vỡ òa” khi một lần chia cổ tức với tỷ lệ “không tưởng” 1:2, tất nhiên vẫn chia bằng cổ phiếu để giữ lại tiền tăng vốn điều lệ.

Mục tiêu của ngành ngân hàng đến năm 2025, các ngân hàng phải hoàn tất Basel II. Vì vậy, kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ buộc phải thực hiện nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu này.   

Tất cả những câu chuyện cổ tức trên, năm nay sẽ không còn gì phải bàn cãi. Trong Chỉ thị số 02/CT-NHNN ban hành ngày 31/3/2020, về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Đặc biệt, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Điều này có nghĩa, các ngân hàng mặc nhiên có một khoản để tăng vốn điều lệ (nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu) hoặc tăng vốn chủ sở hữu (nếu không chia cổ tức).

Với những ngân hàng có lãi trước thuế năm 2019 lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như Vietcombank, Techcombank, VPBank… thì rõ ràng có khoản vốn rất lớn để bổ sung cho hoạt động trong năm nay.

Nhưng vẫn là không đủ

Lợi nhuận giữ lại để tăng vốn là một đặc điểm phải kể tới cho năm 2020, nhưng bên cạnh giải pháp này, các ngân hàng vẫn đang sử dụng mọi cách có thể để nâng cao năng lực tài chính. Đây là yêu cầu có tính bắt buộc, vì để đáp ứng chuẩn mực Basel II, vốn cần phải tăng thêm nữa.

Theo số liệu cuối năm 2019, với 7 ngân hàng nhà nước sở hữu vốn chi phối, gồm 4 ngân hàng sở hữu 100% vốn (Agribank, GPBank, OceanBank, CBBank), 3 ngân hàng cổ phần (VietinBank, Vietcombank, BIDV) thì ngoại trừ 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (GPBank, OceanBank, CBBank), tỷ lệ CAR bình quân của 4 ngân hàng còn lại theo chuẩn Basel I chỉ đạt 9,4%, cao hơn mức an toàn tối thiểu theo quy định 9%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với CAR của các ngân hàng thương mại cổ phần (12,1%) và thấp hơn so với mức bình quân chung của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (13%).

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, nếu tính theo chuẩn Basel II, CAR của các ngân hàng trên sẽ giảm xuống dưới 8%.

Với BIDV, sau khi bán thành công 15% vốn cho KEB Hana Bank năm 2019 thu về trên 20.000 tỷ đồng vốn mới, Ngân hàng đang có kế hoạch bán tiếp khoảng 6% vốn điều lệ (sau phát hành) nhưng sự thành công của thương vụ này phụ thuộc lớn vào diễn biến giá cổ phiếu.

Vietcombank trong năm ngoái cũng bán thêm vốn cho 2 nhà đầu tư ngoại là GIC và Mizuho thu về 6.200 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 37.100 tỷ đồng. Cần nói thêm rằng, đây là mức vốn chỉ nhỉnh hơn chút so với Techcombank (hơn 35.000 tỷ đồng) và VPBank (hơn 28.000 tỷ đồng), trong khi đó quy mô tổng tài sản của Vietcombank gấp 4 lần.

Vietcombank năm nay ngoài phần cổ tức dự kiến khá lớn để tăng vốn thì cũng sẽ cùng với VietinBank
được nhận thêm vốn từ cổ đông lớn nhất là Nhà nước. Chính phủ cũng đã đồng ý bố trí 10.000 tỷ đồng để tăng vốn cho hai ngân hàng trong năm 2020.

Với khối ngân hàng cổ phần tư nhân, việc huy động vốn tăng thêm từ các cổ đông đang khởi sắc do giá cổ phiếu ngân hàng đã hầu hết vượt thị giá, do đó, năm nay, ngoài 3 kênh chính là lợi nhuận để lại, phát hành thêm cổ phần cho đối tác ngoại và thoái bớt các khoản góp vốn, sẽ có thêm kênh phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư VPBank diễn ra gần đây, Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết đang thảo luận về việc IPO hay chuyển nhượng cổ phần cho đối tác chiến lược của FE Credit (do VPBank sở hữu 100% vốn). Ban lãnh đạo VPBankcũng cho biết đang chờ phê duyệt và kỳ vọng kế hoạch sẽ thực hiện trong năm nay. Nếu bán thành công, Ngân hàng mẹ - VPBank dự kiến sẽ đem về khoản thặng dư không nhỏ, bổ sung lượng vốn đáng kể cho chặng đường phát triển sắp tới.

Tương tự, SHB vừa thông báo kế hoạch thoái vốn khỏi công ty tài chính trực thuộc (SHBFC) cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài. SHB cho biết, việc thoái vốn SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường và với hoạt động của công ty hiện nay theo Đề án Thành lập Công ty SHBFC đã được NHNN phê duyệt. SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn. Hiện SHB chưa công bố giá trị chuyển nhượng cũng như danh tính của đối tác nhận chuyển nhượng, tuy nhiên Ngân hàng cho biết sẽ thu được lợi nhuận lớn từ thương vụ này. Như vậy, sau thoái vốn khỏi SHBFC, SHB có nguồn lực lớn để tăng thêm vốn điều lệ.

Nam A Bank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Cụ thể, Nam A Bank sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu hơn 43,9 triệu cổ phần; chào bán riêng lẻ 50,3 triệu cổ phần; phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động 16,76 triệu cổ phần. Theo lãnh đạo của Nam A Bank, Ngân hàng còn có kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng, trong đó sẽ có việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ 20%.

SeABank vừa hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng. Vốn điều lệ của VIB vừa tăng lên 9.245 tỷ đồng từ mức 7.834 tỷ đồng trước đó. OCB được tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng (tương đương tăng 11%) thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Câu chuyện tăng vốn năm nay đã khá rõ, chỉ chờ các kế hoạch trình đại hội đồng cổ đông. Có thể một số phương án phát hành thêm sẽ điều chỉnh vì tác động của dịch bệnh, nhà đầu tư hiện hữu không góp thêm và nhà đầu tư chiến lược xem xét lại kế hoạch dự kiến đầu tư. Nhưng về trung hạn, tăng vốn vẫn là áp lực hiện hữu với các ngân hàng. Mục tiêu của ngành ngân hàng đến năm 2025, các ngân hàng phải hoàn tất triển khai Basel II. Vì vậy, kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ buộc phải thực hiện nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu này.

Thanh Nguyễn
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục