Phố Wall giằng co trong phiên thứ Sáu với các thông tin tác động trái chiều nhau. Đầu tiên là số ca nhiễm mới và tử vong do virus Corona (Covid-19) tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc. Tác động của dịch bệnh dự kiến sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ có quý tăng trưởng chậm nhất trong quý I/2020 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Tuy nhiên, giới đầu tư lại nhận được tin tích cực khi CNBC dẫn một nguồn tin cho biết, Nhà trắng đang xem xét ưu đãi thuế cho người Mỹ mua cổ phiếu.
Thông tin trên, cùng với đà tăng của nhóm cổ phiếu chip nhờ triển vọng kinh doanh khả quan giúp S&P và Nasdaq đóng cửa với sắc xanh, trong khi Dow Jones thiếu may mắn một chút nên đóng cửa giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones giảm 25,23 điểm (-0,09%), xuống 29.398,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,22 điểm (+0,18%), lên 3.380,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 19,21 điểm (+0,20%), lên 9.731,18 điểm.
Trong tuần chỉ số Dow Jones tăng 1,02%, chỉ số S&P 500 tăng 1,58% và Nasdaq tăng 2,21%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp của 3 chỉ số chính của phố Wall.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù phần lớn thời gian dao động trong sắc xanh, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh tiêu cực của một số doanh nghiệp Anh, Pháp vừa công bố khiến thị trường quay đầu giảm điểm, còn chứng khoán Đức cũng đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng giảm không đáng kể.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 42,90 điểm (-0,58%), xuống 7.409,13 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 1,22 điểm (-0,01%), xuống 13.744,21 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 23,78 điểm (-0,39%), xuống 6.069,35 điểm.
Với 2 phiên giảm cuối tuần, chứng khoán Anh đã đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua, trong khi chứng khoán Đức và Pháp dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng vẫn có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,77%, chỉ số DAX tăng 1,70% và chỉ số CAC 40 tăng 0,66%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do đồng yên tăng, ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiễu xuất khẩu, các thị trường khác đều tăng trở lại sau khi Trung Quốc công bố số ca tử vong trong ngày thứ Sáu do Covid-19 giảm một nửa so với con số công bố thứ Năm do thay đổi phương pháp thống kê.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 140,14 điểm (-0,59%), xuống 23.687,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,93 điểm (+0,38%), lên 2.917,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 85,60 điểm (+0,31%), lên 27.815,60 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 10,63 điểm (+0,48%), lên 2.243,59 điểm.
Phiên giảm điểm cuối tuần cũng khiến chứng khoán Nhật Bản quay đầu điều chỉnh trong tuần qua, trong khi chứng khoán Trung Quốc có tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp, các thị trường khác tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, chốt tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,59%, chỉ số Hang Seng tăng 1,50%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,45%, chỉ số Kospi tăng 1,43%.
Trên thị trường vàng, với nỗi lo sự bùng phát của virus Corona, cùng suy giảm kinh tế Trung Quốc đã tạo năng lượng cho giá kim loại quý này tiếp tục có phiên tăng tốt trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 14/2, giá vàng giao ngay tăng 7,9 USD (+0,50%), lên 1.583,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7,6 USD (+0,48%), lên 1.586,4 USD/ounce.
Sau khi điều chỉnh nhẹ tuần trước đó, giá vàng đã lấy lại đà tăng tốt trong tuần qua khi virus Corona bùng phát mạnh. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,87%, giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 0,83%.
Với sự bùng phát của dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Trung Quốc và toàn cầu, giới đầu tư và phân tích tiếp tục đặt cược vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời khảo sát, có 11 người, chiếm 65% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, thấp hơn con số 67% của tuần trước; có 3 người dự báo giảm, chiếm 6%, thấp hơn con số 8% của tuần trước đó và 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 29%.
Tương tự, trong 726 người tham gia trả lời trực tuyến, có 472 lượt, chiếm 65% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn con số 60% của tuần trước; 148 dự báo giảm, chiếm 20%, thấp hơn con số 24% của tuần trước; và 106 người, chiếm 15% dự báo giá vàng đi ngang.
Giá dầu thô tiếp tục phục hồi hơn 1% trong phiên giao dịch cuối tuần khi nhà đầu tư kỳ vọng dịch bệnh Corona chỉ tác động trong ngắn hạn và Trung Quốc sẽ tiếp tục có gói kích thích kinh tế.
Kết thúc phiên 14/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,63 USD (+1,21%), lên 52,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,98 USD (+1,71%), lên 57,32 USD/thùng.
Với các phiên phục hồi cuối tuần, giá dầu thô đã có tuần tăng đầu tiên kể từ đầu tháng 1, chấm dứt chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 3,44%, giá dầu thô Brent tăng 5,23%.