Virus Covid-19 lại khiến giới đầu tư khiếp sợ

(ĐTCK) Việc số người chết và nhiễm mới virus Covid-19 tăng đột biến khiến giới đầu tư thế giới khiếp sợ, đẩy mạnh bán ra trong phiên thứ Năm (13/2).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong ngày thứ Năm, Trung Quốc công bố có 242 người chết do Covid, nâng tổng số người chết lên 1.367 người và gần 15.000 ca nhiễm mới, tăng đột biến so với các ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ khi các con số thống kê này được công bố.

Thông tin trên đã khiến giới đầu tư khiếp sợ và đẩy mạnh bán ra trong phiên thứ Năm, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall quay đầu giảm điểm từ mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, vẫn có những tia sáng lạc quan khi giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói trong một cuộc họp báo rằng, không thấy sự gia tăng đáng kể trong các trường hợp bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, báo cáo trước Quốc hội hồi đầu tuần, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương đang đánh giá rủi ro của Covid-19 và các mối đe dọa tiềm tàng khác, cho thấy bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách hỗ trợ của Fed sẽ không thể xảy ra trong năm nay.

Tuy vậy, đà giảm của S&P và Nasdaq được hãm lại cuối phiên nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Dow Jones giảm 128,11 điểm (-0,43%), xuống 29.423,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,51 điểm (-0,16%), xuống 3.373,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 13,99 điểm (-0,14%), xuống 9.711,97 điểm.

Tương tự, đà tăng ấn tượng của chứng khoán châu Âu cũng chấm dứt trong phiên thứ Năm trong bối cảnh nỗi khiếp sợ virus Covid trở lại sau khi số ca mắc mới và chết do chủng virus này tại Trung Quốc tăng đột biến trong ngày thứ Năm.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 82,34 điểm (-1,09%), xuống 7.452,03 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 4,35 điểm (-0,03%), xuống 13.745,43 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 11,58 điểm (-0,19%), xuống 6.093,14 điểm.

Trên thị trường châu Á, việc số người chết và mắc dịch mới tăng đột biến cũng khiến thị trường khu vực chao đảo và đồng loạt quay đầu giảm điểm, trong đó chứng khoán Trung Quốc chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 33,48 điểm (-0,14%), xuống 23.827,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,83 điểm (-0,71%), xuống 2.906,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 93,66 điểm (-0,34%), xuống 27.730,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,42 điểm (-0,24%), xuống 2.232,96 điểm.

Sự khiếp sợ với thông tin mới về dịch bệnh Covid đã tạo ra năng lượng cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 13/2, giá vàng giao ngay tăng 9,9 USD (+0,63%), lên 1.575,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7,2 USD (+0,46%), lên 1.578,8 USD/ounce.

Trong khi đó, bất chấp sự lo sợ về sự bùng phát của virus Covid, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư kỳ vọng về việc OPEC và đồng minh sẽ đạt được thỏa thuận để gia tăng cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 13/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,25 USD (+0,5%), lên 51,42 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,55 USD (+1,0%), lên 56,34 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục