Như vậy, tổng số tiền mà người Việt bỏ ra để nhập khẩu ô tô và các linh kiện liên quan là hơn 5,09 tỷ USD, giảm hơn 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của việc giảm sút về sản lượng, kim ngạch hàng hóa là do đại dịch Covid-19 gây ra.
Từ tháng 7 đến nay, lượng xe hơi nhập về Việt Nam đã đạt 39.700 chiếc, chiếm khoảng 46% tổng lượng xe nhập về Việt Nam trong gần 11 tháng qua.
Đối với xe dưới 9 chỗ ngồi, từ tháng 7 đến giữa tháng 11/2020, Việt Nam nhập hơn 29.000 chiếc, chiếm khoảng 46% tổng lượng xe về Việt Nam hiện nay.
Đáng chú ý, trong các tháng gần đây, lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh. Riêng tháng 10, lượng xe con nhập về đạt hơn 10.300 chiếc, tháng 9 là hơn 9.700 chiếc, tháng 8 là hơn 6.100 chiếc.
Tỷ lệ xe con nhập trong cơ cấu xe nhập vẫn luôn đạt 75-80% số xe vào Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà nhập khẩu xe bắt đầu chiến dịch tăng doanh số bán xe du lịch trong mùa xe cuối năm.
Hiện nay, xe con nhập khẩu bán ra trong nước vẫn chiếm đa số là xe Thái Lan và xe Indonesia với giá nhập về trung bình là 350 triệu đồng đến ngưỡng 1,2 tỷ đồng. Các nước như Thái Lan, Indonesia có lợi thế về quy mô sản xuất, được miễn thuế xe hơi và có những mẫu xe giá phù hợp lâu nay đã chiếm thị phần khá lớn tại Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô cho các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện. Điều này khiến sản lượng linh kiện xe hơi từ các nước về nhiều hơn, giá cả giảm hơn trước đôi chút.
Theo giới chuyên gia, với sức mua tăng cao theo từng năm, giá xe giảm dần đều và thị trường đa dạng mẫu, chắc chắn quy mô tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam có thể đạt từ 500.000 - 600.000 chiếc năm. Ước tính 5 năm tới, Việt Nam có thể đạt mục tiêu 1 triệu xe/năm, mức tiêu thụ đảm bảo lợi nhuận cho rất nhiều hãng xe.
Nhập khẩu linh kiện vẫn cao vì các doanh nghiệp Việt đang được tận hưởng ưu đãi chính sách tốt chưa từng có. |
Chính vì vậy, nhằm tận dụng ưu đãi và đón đầu các cơ hội về nhân công, nguồn nguyên liệu sẵn có, nhiều nhà sản xuất lớn như Honda, Toyota, Nissan, Mitsubishi đã chuyển sang lắp ráp nhiều mẫu xe có doanh số cao ngay tại thị trường Việt Nam. Bởi việc bỏ thuế xe nhập có thể xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về chi phí sản xuất giữa các quốc gia.
Ngoài ra, việc Chính phủ đang đốc thúc Bộ Tài chính xem xét đưa ra các chính sách nhằm cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho từng loại xe sẽ là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp xe hơi phát triển nhanh, mạnh. Giá trị các loại linh kiện nhập khẩu về Việt Nam sẽ không dừng ở mức vài tỷ USD/năm mà có thể cao hơn.
Bên cạnh đó, với việc tham gia hàng loạt các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập xe đối với thị trường Nhật Bản năm thứ 7 sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Xe hơi của các nước thuộc Hiệp định CPTPP như Úc, Mexico sẽ được bỏ thuế xe nhập vào Việt Nam từ năm thứ 9 đến năm thứ 13.
Đối với Hiệp định EVFTA, các quốc gia là trung tâm sản xuất xe hơi của thế giới như Đức, Pháp, Ý và Thụy Điển sẽ được tự do nhập vào Việt Nam từ năm thứ 9 đến năm thứ 10 tùy theo dung tích xy lanh.
Như vậy, thời gian biểu cho mở cửa thị trường xe hơi đã định, chỉ vài năm nữa, các con số thống kê xe nhập về Việt Nam có thể sẽ còn biến động mạnh và thị trường xe Việt sẽ trở nên nóng nhất tại ASEAN.