Bất cập thuế chồng thuế đánh trên cổ phiếu thưởng

(ĐTCK) Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, NĐT nhận cổ phiếu thưởng khi chuyển nhượng thành tiền sẽ phải chịu 2 loại thuế: thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn (5% tính trên mệnh giá) và thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán (0,1% tính trên giá trị chuyển nhượng).
Bất cập thuế chồng  thuế đánh trên cổ phiếu thưởng

Cách thu thuế chồng lên thuế này gây ra nhiều bức xúc cho nhà đầu tư và đây đó đang bộc lộ sự bất bình đẳng giữa các CTCK, khi có CTCK làm đúng quy định, đã khấu trừ đủ cả 2 loại thuế, có CTCK chỉ khấu trừ thuế chuyển nhượng chứng khoán, bỏ qua việc khấu trừ thuế thu nhập từ đầu tư vốn của nhà đầu tư…

Cổ phiếu thưởng phải chịu hai loại thuế

Từ năm 2013, nhà đầu tư Lê Văn H, mở tại một CTCK đã mang một nỗi thắc mắc khi ông bán 20.000 cổ phiếu HAI, là số cổ tức được nhận bằng cổ phiếu đã bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá trị chuyển nhượng chứng khoán và khấu trừ 5% trên mệnh giá cho loại thuế thu nhập từ đầu tư vốn. Thắc mắc của nhà đầu tư sau đó đã được CTCK chuyển thành công văn hỏi Tổng cục Thuế. Câu trả lời của Tổng cục Thuế sau đó đã rõ, nhưng thắc mắc thì vẫn còn.

Tại Điều 10, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn với mức thuế suất 5%. Cũng theo thông tư của Bộ Tài chính, nhà đầu tư khi chuyển nhượng chứng khoán sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng, theo 2 cách, hoặc đánh thuế 0,1% trên giá trị chứng khoán chuyển nhượng hoặc (2) nộp 20% thu nhập thuần mua - bán chứng khoán. Dù ghi rõ có hai sự lựa chọn, nhưng trên thực tế, việc thu thuế chuyển nhượng này chỉ làm theo 1 cách, đó là đánh thuế khoán 0,1%.

Trong công văn trả lời CTCK của Tổng cục Thuế, thì khi doanh nghiệp trả thu nhập từ đầu tư vốn cho các cá nhân bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng thì doanh nghiệp chưa phải khấu trừ đối với khoản thu nhập nêu trên. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn của các cá nhân là thời điểm các cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.

Như vậy, tại thời điểm này, nhà đầu tư cá nhân phải chịu 2 khoản thuế: thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn (5% tính trên mệnh giá, nếu giá bán lớn hơn hoặc bằng mệnh giá; 5% tính trên giá trị chuyển nhượng nếu giá bán nhỏ hơn mệnh giá) và thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán (0,1% tính trên giá trị chuyển nhượng).

Với các cổ phiếu niêm yết, chủ thể thực hiện khấu trừ thuế chính là các CTCK và từ đây, phát sinh những việc khó xử cho CTCK khi nhiều nhà đầu tư không chấp nhận phải chịu 2 lần thuế thu nhập trên cùng một giao dịch.

Thắc mắc của nhà đầu tư còn nặng nề hơn khi thị trường xuất hiện một số CTCK có biểu hiện làm sai quy định, chỉ khấu trừ 1 loại thuế là thuế chuyển nhượng, bỏ qua việc khấu trừ thuế thu nhập từ đầu tư vốn. Những CTCK tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ khấu trừ thuế đang rơi vào tình trạng bất lợi, thậm chí chịu sự khiếu nại của nhà đầu tư. 

Chính sách thuế: phải sửa từ gốc

Chia sẻ với ĐTCK, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho rằng, việc đánh thuế thu nhập cá nhân với số cổ tức trả bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng như hiện tại là không khuyến khích đầu tư, vì bản thân doanh nghiệp (niêm yết) đã trả thuế thu nhập một lần khi trả cổ tức cho cổ đông.

Khi nhà đầu tư nhận khoản thu nhập này lại bị đánh thuế tiếp lần nữa là không phù hợp. Trong trường hợp cổ phiếu thưởng lấy từ nguồn thặng dư vốn thì lại càng không hợp lý, vì đây là tiền của cổ đông đóng góp vào doanh nghiệp, nay đem chia lại cho cổ đông. Điều này càng bất hợp lý hơn khi so sánh với việc khoản thu nhập từ lãi gửi tiết kiệm hiện hoàn toàn không bị đánh thuế.

Thực tế, việc thu thuế thu nhập từ đầu tư vốn (5% trên mệnh giá) với cổ phiếu thưởng đang gây ra nhiều khó khăn cho các CTCK. Trường hợp CTCK không theo dõi kỹ đâu là cổ phiếu thưởng, đâu là cổ phiếu gốc của nhà đầu tư thì sẽ không thể thực hiện khấu trừ thuế khi nhà đầu tư bán.

Về phía nhà đầu tư, họ có thể cố tình hoặc vô tình tránh được nghĩa vụ thuế này bằng cách sau khi nhận được cổ phiếu thưởng, sẽ chuyển tài khoản sang công ty chứng khoán khác. Lúc này, việc theo dõi để tính thuế là bất khả thi.

Khảo sát của ĐTCK cho thấy, nhà đầu tư có hai bức xúc đáng quan tâm. Một là, việc thu thuế chuyển nhượng 0,1% khiến các giao dịch lỗ cũng phải chịu thuế, đã được thị trường kêu lên từ lâu, nhưng cơ quan thuế vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết để nhà đầu tư có thể chọn cách nộp thuế khác.

Dù muốn nộp thuế theo hình thức 20% lợi nhuận, nhà đầu tư hiện nay cũng không thể thực hiện được, vì họ không có đủ căn cứ pháp lý (cách tính giá vốn, các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ…) để xác định khoản thu nhập thực từ đầu tư.

Bức xúc thứ hai là thuế vốn. Với mức thu 5% tính trên cổ tức được nhận, hãy xem ví dụ sau để thấy sự vô lý: giả sử DN trả cổ tức bằng tiền mặt cho nhà đầu tư A với mức tiền là 100.000 đồng. Nhà đầu tư này sẽ nhận tại CTCK 95.000 đồng, 5.000 còn lại CTCK khấu trừ thuế đầu tư vốn. Tuy nhiên, cũng cùng có giá trị 100.000 đồng, DN trả cổ tức tương đương 10 cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) cho nhà đầu tư A.

Khi nhà đầu tư A bán cổ phiếu để chuyển thành tiền mặt, sẽ phải chịu 2 loại thuế: thuế đầu tư vốn là 5.000 đồng (5% x giá trị cổ phiếu trên mệnh giá) và chịu thêm thuế chuyển nhượng 0,1% x 100.000 đồng = 1.000 đồng (trường hợp giá bán bằng mệnh giá).

Với bất cập trên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi nhà đầu tư bán cổ phiếu được nhận từ cổ tức, nếu có, họ chỉ nên phải chịu 1 loại thuế là thuế đầu tư vốn. Chính sách thuế cần miễn thuế chuyển nhượng cho loại cổ phiếu nhận từ cổ tức hay cổ phiếu thưởng này.

Đây là việc cần thiết phải làm để giảm bớt tình trạng thuế đánh chồng thuế, đồng thời cũng giảm bớt sự bất cân bằng giữa đầu tư chứng khoán với các kênh đầu tư khác, khi hiện nay, tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng lại không phải chịu khoản thuế nào.      

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục