Bất cập quản lý code đại lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc quản lý mã số đại lý bảo hiểm (code) mang mục tiêu tốt đẹp, nhưng quá trình vận hành đang bộc lộ những bất cập.
Số lượng đại lý bảo hiểm trên toàn thị trường liên tục tăng, hiện đạt trên 1 triệu Số lượng đại lý bảo hiểm trên toàn thị trường liên tục tăng, hiện đạt trên 1 triệu

Từ trường hợp FWD bị kêu chậm cắt code...

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa nhận được thư phản ánh từ ông Lương Văn Ban, đại diện theo uỷ quyền của nhóm đại lý bảo hiểm tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam (FWD), những người đang có nhu cầu cắt code. Theo đó, nhóm đại lý bảo hiểm đã có văn bản gửi tới FWD đề nghị được chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm và làm thủ tục cắt code. Họ đã hoàn tất các nghĩa vụ, xử lý các tồn đọng, nhưng chưa được công ty bảo hiểm này cắt code để chuyển sang làm tại công ty khác.

Ông Ban cho biết, hành vi giữ code của FWD khiến nhóm đại lý bức xúc. Những người này có nhiều năm làm việc tại FWD, nay vì lý do cá nhân muốn chuyển sang nơi làm việc mới, nhưng bị gây khó dễ, dù đã hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng đại lý với FWD từ cuối tháng 8/2021.

Vì thế, ngày 7/12/2021, ông Ban gửi đến Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đơn đề nghị xem xét xử lý việc cắt code, nhưng không nhận được hồi âm. Cho rằng IAV có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý code, ngày 21/12/2021, đại diện theo uỷ quyền của nhóm đại lý bảo hiểm làm đơn tố cáo IAV gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

... và các trường hợp khác

Thực tế, Báo Đầu tư Chứng khoán từng nhận được phản ánh của nhiều đại lý bảo hiểm cá nhân, nhóm đại lý về việc chậm cắt code tại không ít doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Các trường hợp tương tự cũng đã được đại lý phản ánh trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính (https://mof.gov.vn). Chẳng hạn, ngày 12/6/2020, một đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam) là chị Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, chị nhiều lần liên hệ với Prudential đều được thông báo là code đã cắt, nhưng phía công ty bảo hiểm mới kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý đại lý bảo hiểm nhân thọ (AVICAD) do IAV quản lý thì thấy code cũ vẫn còn. Vậy cơ quan nào có thể giúp giải quyết vụ việc này?

Trả lời chị Nhàn, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trích dẫn các quy định pháp luật có liên quan như Điều 84, Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo đó, đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 85, Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật quy định, đại lý bảo hiểm phải thực hiện cam kết trong hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Điều 84, Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện các trách nhiệm phát sinh theo hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký kết và thông báo cho IAV danh sách các đại lý bảo hiểm bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm do vi phạm pháp luật, quy tắc hành nghề.

Về việc chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm, cơ quan quản lý chia sẻ, cơ sở dữ liệu ghi nhận thông tin về đại lý bảo hiểm nhân thọ (bao gồm code) là do các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng, cung cấp thông tin và được quản lý bởi IAV. Các thông tin về tình trạng hoạt động/chấm dứt hoạt động của đại lý bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm định kỳ cập nhật vào cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý đại lý, trong đó đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý.

Đối với việc chấm dứt hoạt động đại lý bảo hiểm và cắt mã số đại lý của chị Nhàn, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị đại lý này phối hợp với Prudential để giải quyết theo thoả thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan.

IAV quản lý code: bất hợp lý?

Liên quan đến quyền quản lý đại lý bảo hiểm, ông Ban cho rằng, IAV là tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên, nhưng lại xây dựng AVICAD để quản lý code của đại lý bảo hiểm trên toàn thị trường là bất hợp lý. Lấy gì để đảm bảo Hiệp hội sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các đại lý?

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam đánh giá, IAV hoạt động dựa trên nguồn thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nên khó có thể xử phạt doanh nghiệp hội viên khi chậm trễ cắt code cũng như các vi phạm khác. Do đó, khi các đại lý bảo hiểm bị doanh nghiệp bảo hiểm giữ code, họ chỉ biết chờ đợi trong vô vọng. IAV thiết lập AVICAD nhằm quản lý đại lý bảo hiểm tốt hơn, nhưng không quản lý chặt chẽ, không có chế tài xử phạt doanh nghiệp vi phạm với đại lý, thì người bị ảnh hưởng lớn nhất chính là các đại lý.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, luật sư điều hành Hãng luật NPLaw cho biết, trên thế giới không có hệ thống AVICAD như ở Việt Nam. Tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý bảo hiểm được coi là tranh chấp dân sự. Nếu đại lý có hành vi sai phạm thì doanh nghiệp báo cáo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để không cấp chứng chỉ đại lý mới, chứ doanh nghiệp không được giữ code của đại lý.

“Chúng tôi từng tư vấn một số trường hợp liên quan đến khiếu nại về việc doanh nghiệp chậm trễ cắt code, sau đó các đương sự thương lượng được với nhau. IAV là tổ chức xã hội nghề nghiệp, xây dựng AVICAD nhằm quản lý các đại lý nói chung, code nói riêng. Nếu AVICAD tồn tại mà không giải quyết được những than phiền, bức xúc của các đại lý về code như đã đề cập thì nên tự xóa sổ”, ông Phú nói.

Theo quy định hiện hành tại Điều 2, Nghị định 73/2016/NĐ-CP, Nhà nước tạo điều kiện để IAV và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tăng cường vai trò tự quản trong lĩnh vực bảo hiểm; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh vì quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi, bổ sung. Theo dự thảo Luật phiên bản mới nhất, chức năng quản lý đại lý bảo hiểm sẽ do cơ quan quản lý nhà nước đảm trách. Cụ thể, dự thảo đã bỏ quy định IAV có trách nhiệm thực hiện các công việc như xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin quản lý đại lý bảo hiểm; quản lý, sử dụng và bảo mật thông tin theo quy định pháp luật. Như vậy, khi dự thảo được thông qua, IAV sẽ không có trách nhiệm xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin quản lý đại lý bảo hiểm như hiện tại, mà thay vào đó là Bộ Tài chính (thông qua Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) và đương nhiên, việc cập nhật, quản lý “danh sách đen” - là những đại lý bảo hiểm vi phạm, cũng sẽ do cơ quan này thực hiện.

IAV lập ra AVICAD cách đây 10 năm nhằm hướng các đại lý bảo hiểm hoạt động tuân thủ pháp luật, tránh trường hợp 1 đại lý bảo hiểm nhân thọ làm cho 2 công ty bảo hiểm cùng một lúc; tránh việc đại lý vi phạm nhưng vẫn đi tư vấn cho khách hàng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng. AVICAD là nơi lưu trữ các thông tin về đại lý bảo hiểm được công ty bảo hiểm gửi đến, chứ bản thân IAV không tự quyết việc đưa đại lý vào danh sách vi phạm. Về việc cắt code, trong vòng 60 ngày, kể từ khi đại lý bảo hiểm hoàn tất đầy đủ nghĩa vụ, tồn đọng với công ty bảo hiểm, tức hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng đại lý, thì sẽ được cắt code. Việc này do công ty bảo hiểm thông báo tới IAV và Hiệp hội thực hiện loại code đó khỏi AVICAD.

Với trường hợp khách hàng phản ánh FWD chậm cắt code, phóng viên đã liên hệ với công ty này để tìm hiểu, nhưng chưa nhận được câu trả lời. Trường hợp chị Phạm Thị Thanh Nhàn cũng vậy, Prudential chưa cho biết kết quả xử lý.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục