Lời Tòa soạn: Càng đô thị hóa, càng ngập nặng. Càng chống ngập càng ngập. Đó là thực trạng đáng lo ngại của việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thiếu tầm nhìn, chạy theo những cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, bền vững tại không ít thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.
Bài 1: Hậu quả của tình trạng hạ tầng thiếu đồng bộ
Những năm gần đây, hiện tượng ngập nhanh, lút sâu, nhưng lại rút chậm khi có mưa lũ lớn thường xuyên “tra tấn” nhiều vùng ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Điều này cho thấy hệ thống thoát nước, khớp nối hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, khu dân cư thiếu đồng bộ.
Dùng máy bơm “giải cứu” khu dân cư
Được tiếng là sống ở thành phố, nhưng người dân các khu dân cư nằm kẹp giữa đường số 4 (chạy dọc Khu đô thị Hà Quang I) và đường Lê Hồng Phong, phường Phước Hải (Nha Trang) cứ mưa lớn là phải bỏ nhà, lội nước ra ngoài đứng nhìn.
Chị Nguyễn Thị Hương, một người dân sống ở đây ngao ngán: “Cứ mưa lớn là dân lại kêu cứu. Nhiều lúc không thể ở được, phải lội nước, chuyển vật dụng cần thiết ra ngoài, rồi tìm chỗ nào đó để ở tạm. Dân ở đây phản ánh nhiều rồi mà những họng cống vẫn cứ bị bịt”.
Giờ thì một chiếc máy bơm công suất lớn đã đặt sẵn ở cuối hẻm và sẵn sàng hút nước mưa để “giải cứu” khu dân cư này khi trời mưa. “Nghĩ mà khôi hài. Không lẽ “chiến đấu” với nước kiểu này mãi hay sao?”, chị Hương lắc đầu.
Một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, nguyên nhân ngập lụt khu vực này là do các dự án khu đô thị mới khi thi công đã chặn, bít hết các đường cống thoát nước.
Người dân sống ở tổ 16, thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Thái còn thê thảm hơn. Có thời điểm (tháng 9/2022), nơi này ngâm nước ròng rã một tháng trời. Không thể ăn, ngủ cùng nước ngập úng, nhiều người phải bỏ nhà, đi nơi khác trú tạm. Thảm cảnh này diễn ra kể từ khi Khu đô thị Mỹ Gia kề đó hình thành.
“Họ nâng cốt nền cao hơn chỗ chúng tôi ở đến hơn 1 m, xóa sổ luôn hệ thống thoát nước thì không ngập mới lạ”, một người dân thôn Thủy Tú bức xúc.
Tương tự các khu dân cư ở phường Phước Hải, một giải pháp quen thuộc, từng được chủ đầu tư mang ra áp dụng là dùng máy bơm hút nước.
Còn tại xã Vĩnh Thạnh, cứ mưa, lũ lớn là đường sá biến thành sông, khu dân cư chìm trong biển nước. Tình cảnh ở xã Vĩnh Trung cũng vậy. Ông Trương Hùng (thôn Phú Trung, xã Vĩnh Trung) ngán ngẩm: “Nước ngập thì rất nhanh, lút sâu, nhưng rút lại rất chậm. Điều này khiến sinh hoạt của người dân hết sức khổ sở. Nơi này, năm nào cũng hứng lũ và mực nước ngập năm sau sâu hơn năm trước”.
Ông Trương Hùng, thôn Phú Trung, xã Vĩnh Trung (Nha Trang) bên trong căn nhà bị ngập sâu sau một trận mưa. Ảnh: Nhiệt Băng |
Thiên tai một phần, nhân tai ba phần?
Người dân thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng còn nhớ như in cái chết tức tưởi của ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng thôn vào ngày 18/11/2018. Ông Chiến ra đi sau khi cùng các thanh niên trong thôn cứu hàng chục người dân thoát chết trong gang tấc lúc ngập lụt.
Ông Nguyễn Văn Đồng, người dân thôn Phước Hạ kể lại: “Tầm mức cơn lũ hôm ấy lớn chưa từng thấy. Sức nước quá khủng khiếp. Thấy nước lũ dâng quá cao và nhanh (có nơi cao ngang ngực, thậm chí lút đầu), ông Chiến đã chạy đi vận động người dân cho mượn 2 chiếc xuồng và đề nghị các thanh niên trong thôn làng tập trung đi cứu dân. Chỗ nước thấp thì vừa lội vừa cho dân lên xuồng đẩy đi, chỗ ngập sâu nhất, chúng tôi phải bơi để đẩy xuồng. Hàng chục người dân được chúng tôi đưa lên khỏi vùng ngập sâu, dưới sự chỉ huy của ông Chiến”.
Trong lúc cứu hộ, ông Chiến vội nên quên cả đi dép, không may giẫm phải cọng thép gai. Dù rất đau, nhưng ông vẫn gắng gượng cứu hộ đến 12h trưa.
Hơn 1 ngày sau, ông Chiến bỗng sốt cao, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nhưng tình trạng không có chuyển biến. Người nhà tiếp tục chuyển ông vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với hy vọng “còn nước còn tát”, song ông Chiến đã không qua khỏi do bị nhiễm trùng uốn ván quá nặng.
Tại lễ tang ông, người dân vô cùng thương tiếc và đặt câu hỏi, vì sao những năm gần đây, ở thôn Phước Hạ lại thường xuyên xảy ra ngập lụt lớn như vậy. Hỏi rồi người dân lại tự trả lời là bởi những năm gần đây, ở xã Phước Đồng, người ta thi nhau đào phá núi, rừng để phân lô, bán nền. “Lũ lụt kinh hoàng như thế, ngoài thiên tai, có phải được hình thành do nhân tai hay không?”, một người dân xã Phước Đồng nói.
Theo anh Nguyễn Văn Tám, người dân xã Phước Đồng, trước đây tại thôn Phước Hạ có nhiều kênh rạch, dòng chảy. Nhờ vậy, dù mưa lớn cỡ nào, lượng nước mưa cũng được tiêu thoát dễ dàng. Nhưng từ khi Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư “mọc” lên, nơi này chỉ còn duy nhất một dòng chảy bé như nút thắt cổ chai.
Người dân xã Phước Đồng nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu Công ty TNHH Hoàn Cầu trả lại dòng chảy đã san lấp làm dự án, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mưa lũ, nhưng kiến nghị này đến nay vẫn như “nói vào thinh không”.
Tại Báo cáo 541/BC-TTCP ngày 20/4/2022 về Khu du lịch và giải trí Sông Lô, Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Trước khi triển khai thực hiện dự án, khu vực này là vùng trũng thấp, có hai lạch chảy ra biển, mật độ dân cư còn thưa. Khi mùa mưa đến, nước mưa chảy vào đất vườn của người dân, ra các ruộng lúa và các ao nuôi trồng thủy sản xuống các lạch và thoát ra biển nên không xảy ra hiện tượng ngập lụt cục bộ. Khi dự án triển khai xây dựng các công trình, các vùng đất trũng thấp đã được nâng cốt theo quy hoạch, đồng thời có tường rào bao quanh, chỉ còn một cửa tiếp nhận nước mưa từ các khu dân cư phía trên, thông vào hồ điều hòa trong dự án.
Ngoài ra, tại khu dân cư giáp khu vực cửa cống của dự án, người dân tự ý san lấp, nâng cao nền đất, xây dựng nhà ở và công trình, làm hạn chế việc thoát nước trong mùa mưa, dẫn đến tình trạng ngập cục bộ khi có mưa to xảy ra. Hệ thống mương thoát nước trong khu vực dân cư kết nối vào cửa cống của dự án hiện đang được thi công kè bê tông, có một số vị trí thiết kế và xây dựng theo hiện trạng nên bị gấp khúc và một số đoạn chưa được khơi thông đã gây cản trở việc thoát nước”.
Về nhận xét: “Khu dân cư giáp khu vực cửa cống của dự án, người dân tự ý san lấp, nâng cao nền đất”, người dân khu vực này cho rằng, do Công ty TNHH Hoàn Cầu san lấp dòng chảy và xây tường lên cao nên người dân sống kề cận dự án không còn sự lựa chọn nào khác, cũng phải nâng móng nhà lên để tránh ngập lụt.
Chưa kể, từ khi Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (chạy dọc đường Nguyễn Tất Thành, xã Phước Đồng) được xây dựng và đi vào hoạt động, dòng lũ bắt đầu “đổi hướng”, dồn hết về phía thôn Phước Hạ.
Ông Hồ Tấn Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan là thời tiết ngày càng xuất hiện những hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu, thì nguyên nhân chủ quan là hiện trạng một số khu vực ở Nha Trang bị trũng thấp, trong khi hạ tầng thoát nước hiện đã xuống cấp, không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Đó là chưa kể, các dòng chảy tự nhiên như kênh, sông ngòi bị bồi lắng, thu hẹp, bị lấn chiếm, rồi rác thải xả bừa bãi làm tắc nghẽn dòng chảy, giảm khả năng tiêu thoát nước, dẫn đến ngập úng mỗi khi có trận mưa lớn.
(Còn tiếp)