TP.HCM: Tiêu chí mua nhà là… không bị ngập nước

(ĐTCK) Trước “đặc sản” hễ mưa là ngập ở TP.HCM, nhiều khách hàng khi mua nhà đã đặt yếu tố không ngập nước làm tiêu chí hàng đầu.
Đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) ngập khiến nhiều xe chết máy khi đi qua đây Đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) ngập khiến nhiều xe chết máy khi đi qua đây

Nhiều nơi nước ngập… không lối về

Những ngày qua, TP.HCM mưa lớn, kéo dài, nhiều tuyến đường bị ngập nặng, khiến người dân khốn đốn, bởi không chỉ cuộc sống, công việc, học hành của con cái bị đảo lộn, mà tài sản của họ cũng bị thiệt hại.

Gần đây nhất phải kể đến 2 trận mưa lớn liên tiếp vào tối 12 và rạng sáng 13/10, đã làm cho hàng chục ô tô, xe máy để dưới hầm của Chung cư Đông Hưng, phường Tân Hưng Thuận, quận 12 bị nước nhấn chìm.

Nhiều diễn đàn mạng của cư dân các khu chung cư gần đây liên tục được cư dân cập nhập như: “Hôm nay chung cư chúng ta lại thất thủ”,“anh chị cho em hỏi thăm khu mình giờ này có ngập nước không?”, "anh chị nào để xe dưới hầm A1 - A2 xuống dời xe lên đường để đi, em thấy nước ngập tới nửa xe rồi"...

Trước đó, trận mưa như trút nước tối 30/9 đã làm ngập nặng trên nhiều khu vực. Trong đó, có những “điểm đen” thường xuyên ngập như Nhà Bè (đoạn từ ngã ba Nguyễn Bình - Huỳnh Tấn Phát đến Khu dân cư Phú Xuân). Các tuyến đường dẫn về Nhà Bè như Đại lộ Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, những tuyến đường lớn như Đồng Đen, Âu Cơ và Luỹ Bán Bích, Trương Công Định, Bàu Cát 2 (quận Tân Bình); An Dương Vương, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân); Phan Anh, Tô Hiệu, Gò Dầu (quận Tân Phú); Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích (quận 12); Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh); Kha Vạn Cân, Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân và Tô Ngọc Vân, Hồ Văn Tư (quận Thủ Đức)... luôn trong tình trạng ngập nặng khi có mưa lớn kéo dài.

Ở nhiều khu vực, người dân phải “đi lánh nạn” mỗi khi triều cường, thậm chí phải bán nhà đi nơi khác, vì không thể mãi sống chung với ngập.

Anh Đỗ Trang, sống tại hẻm 18 Nguyễn Văn Quá nối đường Nguyễn Văn Quá với Quốc lộ 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 chia sẻ, dù trời không mưa, nhưng nước từ con kênh chạy dọc theo khu dân cư ào ạt chảy tràn vào các con hẻm. Sau đó, lại tiếp tục đổ ra đường Nguyễn Văn Quá gây ngập sâu nhiều đoạn dâng cao hơn 1 m.

“Khu này ngập nặng đến mức “không đường về nhà”, mình phải thuê trọ ở ngoài cho con ở đi học, vợ chồng đi làm, cuộc sống sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn hoàn toàn. Vợ chồng tôi đang tính bán lại căn nhà ở đây để mua nhà ở khu vực không bị ngập nước sinh sống. Nhưng với tình hình ngập như thế này, việc muốn bán lại là điều không dễ dàng”, anh Trang than thở.

Chị Nga, sống tại khu vực này cũng cho biết, khu này luôn ngập nặng mỗi khi mùa mưa về. Đáng nói hơn, nước ở đây rút chậm, thậm chí vài ngày sau nước mới rút hết. Rất nhiều phương tiện lưu thông qua đây bị chết máy phải dắt bộ hoặc gọi cứu hộ. Hy vọng, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.

Tiêu chí mua nhà là… không ngập nước

Đại diện một công ty phân phối bất động sản cho biết, tiêu chí hàng đầu của khách hàng hiện nay quan tâm đến việc dự án có khả năng bị ngập nước hay không. Tiêu chí này được đặt lên trên các yếu tố vị trí dự án, giá cả, uy tín chủ đầu tư. Vì lẽ đó, người mua nhà luôn đau đầu với câu hỏi: Mua nhà ở đâu để không bị ngập nước? Làm sao kiểm tra tình trạng ngập nước của một khu vực trước khi quyết định mua nhà?

Theo các chuyên gia bất động sản, không đơn giản để biết được địa điểm nào bị ngập nước, mà phải trải qua một quá trình tìm hiểu, đến trực tiếp vị trí mình muốn mua trong giai đoạn cao điểm mùa mưa.

Trong đó, trường hợp mua nhà ở chung cư, cần tìm hiểu kỹ hệ thống thoát nước và khu vực các tầng hầm để xe, tránh trường hợp mưa lớn khiến xe bị ngâm trong nước.

Đối với trường hợp mua đất, chú ý so sánh cốt nền căn nhà dự định mua với những căn lân cận, nếu có sự chênh lệch bất thường, rất có khả năng khu vực đó ngập thường xuyên. Ngoài ra, dấu hiệu cho thấy khả năng căn nhà nằm trong vùng ngập cao hay thấp như nền nhà thấp hơn đường vào nhà, nhà bị ẩm thấp, mốc, rong rêu ở chân tường… Bên cạnh đó, nên hỏi thăm những nhà lân cận về tình hình ngập úng khu vực của nhà sắp mua.         

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thi Thơ
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục