Theo kết quả khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), có tới 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo, 40% mua phải hàng có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, nhưng chỉ có 2 - 3% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi quyền của mình bị vi phạm.
Lý do không khiếu nại, khởi kiện khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm được những người tham gia khảo sát đưa ra chủ yếu là sợ mất thời gian, không tin vào cơ chế bảo vệ và sợ tốn tiền. Đặc biệt, có gần 90% người tiêu dùng Việt Nam không biết cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền người tiêu dùng. 98% người dân không là hội viên của hội nhóm, câu lạc bộ bảo vệ người tiêu dùng.
Năm 2014, theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cả nước tiếp nhận và tư vấn 1.551 trường hợp khiếu nại, trong đó có 471 trường hợp khiếu nại được giải quyết thành công. Tuy nhiên, đây là một con số chưa phản ánh được hiện trạng thiệt hại hiện nay của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đa số người tiêu dùng Việt Nam chỉ quan tâm tới thông tin cơ bản như ngày sản xuất, giá cả, thương hiệu, nguồn gốc và chủ yếu dựa vào thông tin có sẵn trên mạng xã hội hoặc tham khảo kinh nghiệm từ người quen khi mua sản phẩm, mà không quan tâm tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi mua sản phẩm.
Trong khi đó, các quy định để bảo vệ người tiêu dùng cũng rất hạn chế và không khuyến khích người tiêu dùng chủ động đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình. Đơn cử, nếu khách hàng khiếu kiện nhà sản xuất, trường hợp họ thắng kiện tập thể, tiền bồi thường, xử phạt lại nộp cho ngân sách nhà nước, chứ không được đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng. Trường hợp thua kiện, người tiêu dùng lại mất rất nhiều chi phí khi theo kiện tại tòa.
Tại buổi hội thảo tổ chức tuần qua, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đề xuất, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm nâng cao năng lực chủ động của người dân về quyền người tiêu dùng, cơ chế khiếu nại sẵn có. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế tài chính cho các quỹ bảo vệ người tiêu dùng, lấy ngân sách từ tiền phạt các công ty sai phạm khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hội cũng đề xuất đơn giản hoá thủ tục khiếu kiện tập thể có đại diện cho các cộng đồng người tiêu dùng chủ động bảo vệ quyền của mình; tạo điều kiện cho các hội bảo vệ quyền của người tiêu dùng, các tổ chức xã hội khởi kiện với mục đích lợi ích công cộng.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, người tiêu dùng cần phải tăng tính chủ động hơn nữa trong cách tiếp cận với những thông tin quy định, luật bảo vệ tiêu dùng nhằm có thêm thông tin để tự bảo vệ mình.
“Khi mua một sản phẩm hàng hoá bị hỏng, người tiêu dùng thường có tâm lý buông xuôi, dễ bỏ qua, cùng lắm là lên mạng chia sẻ thông tin hoặc tẩy chay. Điều đó chính là sự thiếu chủ động”, ông Hùng nhấn mạnh.
Để nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó có thể chủ động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bà Thái Hồng Hảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng Thăng Long kiến nghị, Nhà nước cần truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, phải đi sâu vào việc giải thích các quyền, các vấn đề mở rộng của quyền lợi để người dân nhận thức được rõ hơn những công cụ bảo vệ mình. Bộ Công thương cũng cần hỗ trợ cho các câu lạc bộ người tiêu dùng những khoá tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.
Quyền của người tiêu dùng: - Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. - Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. (Trích Luật Bảo vệ người tiêu dùng) |