Tờ The Washington Times của Mỹ vừa đăng bài viết đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, với hai lần giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luân phiên trong nhiệm kỳ này.
Bài viết nêu rõ bất chấp sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, nhất là sự xuất hiện của biến thể Delta, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao thông qua việc đảm nhiệm vai trò tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng khả năng và sự tự tin trong điều phối, trao đổi, đối thoại về các vấn đề quan trọng, cũng như nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, 192 trên tổng số 193 phiếu.
Bài viết nhấn mạnh vị thế của Việt Nam trong an ninh quốc tế đã được ghi nhận khi đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019.
Dù hội nghị này không đạt được giải pháp nào về giải trừ mối đe dọa hạt nhân toàn cầu, song Việt Nam đã nổi lên như một nhà kiến tạo hòa bình, có vai trò thích hợp trong ngoại giao hòa giải hoặc hòa giải.
Việt Nam đã thể hiện vai trò kiến tạo hòa bình ngày một lớn, cùng khả năng và sự tự tin ngày một lớn mạnh đối với vai trò hòa giải quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về các vấn đề an ninh khu vực.
Với việc áp dụng thành công thể chế thị trường đúng đắn, kinh tế Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua đã thu được những kết quả ấn tượng.
Không chỉ vậy, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của dân tộc.
Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đưa nước này từ quốc gia có thu nhập thấp lên trung bình, với hơn 40 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 1993-2014.
Hành trình đưa Việt Nam đến với Liên hợp quốc còn được thúc đẩy bởi những bước tiến đáng chú ý trong giai đoạn từ năm 1995-1999, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Mỹ, cũng như hợp tác với các nhà tài trợ đa phương, trong đó có Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Đặc biệt, Việt Nam đã tận dụng cơ hội khi hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống kinh tế quốc tế, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo bài viết, dù trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, song Việt Nam đã không lãng phí thời gian, tham gia ủng hộ các sáng kiến của Liên hợp quốc, vốn nêu bật các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương trong việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình.
Điều này được thể hiện rõ ràng nhất khi Việt Nam tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào đầu năm 2014 và tích cực tham gia đào tạo nhân lực để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình như tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Hơn nữa, Việt Nam còn luôn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Bài viết dẫn tuyên bố của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong thông điệp gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2020, trong đó khẳng định: "Chúng ta có trách nhiệm tiếp tục củng cố và tăng cường sức sống cho tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này trước các thách thức và cơ hội trong thế kỷ 21."
Ngoài ra, trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam còn được công nhận là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn ủng hộ các Sáng kiến về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cùng các Mục tiêu Phát triển bền vững.