Bão lũ và ý thức mua bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những thiệt hại, mất mát do siêu bão Yagi là rất lớn, song cũng từ những thiệt hại đã bộc lộ rõ lỗ hổng bảo hiểm tại nhiều doanh nghiệp.
Nhiều tài sản bị thiệt hại do bão lũ nhưng không được bảo hiểm. Nhiều tài sản bị thiệt hại do bão lũ nhưng không được bảo hiểm.

“Tại cả anh lẫn ả”

Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến thời điểm này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhận được yêu cầu bồi thường chi trả bảo hiểm tổng số tiền ước tính hơn 7.000 tỷ đồng với khoảng 9.000 vụ thiệt hại tài sản và xe cơ giới.

Số tiền thực tế chi trả có thể ít hơn sau khi xác định các yêu cầu này có thuộc trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm hay không, hoặc có thể nhiều hơn nếu nhận thêm các yêu cầu bồi thường mới cũng như tổn thất phát sinh sau bão (dẫn đến lũ lụt, sạt lở…) từ các cá nhân, tổ chức.

Song, có một thực tế là vẫn còn số đông người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại đã không tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm cho nhà ở, hàng hóa, nhà xưởng... nên giờ rủi ro xảy đến không được nhận bồi thường và chỉ còn cách trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các mạnh thường quân, làm tăng gánh nặng cho không chỉ Nhà nước, mà cả cộng đồng.

Tại Hội nghị thường trực Chính phủ ngày 15/9 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương phía Bắc khi có khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn; 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết; 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ…, ước tính tổng thiệt hại lên tới 40.000 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD), làm giảm 0,15% GDP.

Từ những thống kê trên, có thể thấy, mức tổn thất bảo hiểm hơn 7.000 tỷ đồng chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khoảng 40.000 tỷ đồng tổng thiệt hại cho nền kinh tế.

Do đó, nếu được mua bảo hiểm đầy đủ thì số tiền bảo hiểm có thể được chi trả sẽ lớn hơn đáng kể, qua đó giảm bớt trách nhiệm cho Nhà nước, cho cộng đồng.

Hải Phòng - 1 trong 2 địa phương bị bão Yagi càn quét nặng nề nhất, chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn Thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua, chịu thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, người dân nào ở 2 địa phương này trước đó cũng tham gia bảo hiểm cho tài sản của mình.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Bê tông và Xây dựng Minh Đức (Hải Phòng) đã tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm Agribank (ABIC) và Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho 2 nhà máy có tổng giá trị tài sản thực tế hơn 100 tỷ đồng. Khi xảy ra thiệt hại do bão, chỉ ABIC thực hiện bồi thường, còn MIC thì từ chối do trước đó (năm 2023) Công ty Minh Đức không mua đủ bảo hiểm của nhà bảo hiểm này (chỉ mua bảo hiểm cho rủi ro về hỏa hoạn, sét nổ, không mua bảo hiểm cho giông bão, lũ lụt…).

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự do không mua bảo hiểm hoặc mua không đầy đủ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, thực tế, không chỉ Việt Nam, ở các thị trường phát triển cũng từ chối bán bảo hiểm cho một số loại hình có rủi ro cao, chỉ khác là doanh nghiệp bảo hiểm ở những thị trường này thường có năng lực tài chính mạnh hơn và chất lượng nhà cửa, công trình hạ tầng ở đó tốt hơn, nên tỷ lệ từ chối bán bảo hiểm thấp hơn, chứ không có nơi nào bảo hiểm gì cũng bán.

Ghi nhận từ doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, tại Việt Nam, việc mua bảo hiểm không đầy đủ, không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi ký… diễn ra phổ biến. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã không mua bảo hiểm toàn diện, phạm vi bảo hiểm không đủ rộng, chỉ mua bảo hiểm cho những rủi ro như cháy nổ, nhưng lại bỏ qua các nguy cơ thiên tai như giông bão hay lũ lụt. Bởi vậy, khi những sự cố này xảy ra, doanh nghiệp không thể yêu cầu bồi thường vì những rủi ro này không nằm trong phạm vi bảo hiểm đã ký kết.

Về phía người dân, phần lớn không mua bảo hiểm cho tài sản (ngoại trừ ô tô), nếu có thì chủ yếu đối với những tài sản khi giao dịch qua ngân hàng (vì ngân hàng yêu cầu mua). Ngoại trừ các công trình xây dựng phải mua cả bảo hiểm thiên tai theo quy định, các công trình kiến trúc như trường học, bệnh viện… hầu hết cũng chỉ mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, không mua bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Còn nhà dân thì hầu hết không mua bảo hiểm, trừ số ít cư dân ở một số chung cư cao cấp, nhưng cũng chủ yếu mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để chấp hành quy định của Nhà nước. Các khu vực nông nghiệp, hệ thống hạ tầng như đường sá, cầu cống, cấp nước, cấp điện… gần như không tham gia bảo hiểm.

Trên thực tế, không ít hợp đồng bảo hiểm quy định loại trừ đối với các sự cố như sạt lở đất, ngập lụt do nước tràn từ sông, hồ hoặc đập… Điều này khiến doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn khi thiệt hại phát sinh từ những yếu tố này, nhưng lại không thể yêu cầu bồi thường. Song, điều đáng nói là, tình trạng mua bảo hiểm không đầy đủ diễn ra không chỉ do bên mua không sẵn sàng, mà còn xuất phát từ bên bán khi nhà bảo hiểm không thể bảo hiểm cho các tài sản mà điều kiện rủi ro không cho phép.

Ghi nhận từ các công ty bảo hiểm cho thấy, các thiệt hại về bão lũ ở Việt Nam chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản, nhà cửa không kiên cố của người dân…, nên những tài sản này có muốn mua bảo hiểm thì nhà bảo hiểm cũng không bán.

Hơn nữa, đây là những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, nghĩa là không bắt buộc phải bán. Theo quy định hiện hành, công ty bảo hiểm không được từ chối bán những sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc.

Theo luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm của mình, doanh nghiệp và người dân khi ký mua bảo hiểm cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm (phải hiểu rõ mọi điều khoản trong hợp đồng, từ phạm vi bảo hiểm đến các điều khoản loại trừ, để tránh bất ngờ khi yêu cầu bồi thường); lưu giữ hồ sơ tài liệu chi tiết (chuẩn bị kỹ càng hồ sơ, chứng từ liên quan đến tài sản và thiệt hại, vì đây là yếu tố quan trọng giúp quá trình yêu cầu bồi thường diễn ra suôn sẻ)…

Cấp thiết nâng cao độ phủ bảo hiểm

Từ thực tế trên, câu hỏi đặt ra là các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cần bổ sung mua thêm những sản phẩm bảo hiểm nào để nếu không may xảy ra thiên tai sau này sẽ bớt thiệt hại về kinh tế, bớt gây gánh nặng cho Nhà nước, cộng đồng?

Hiện nay, trên thị trường có sẵn một số loại hình bảo hiểm có bao gồm rủi ro thiên tai như bảo hiểm cháy kèm theo các rủi ro thiên tai, bảo hiểm mọi rủi ro cho tài sản, bảo hiểm các công trình dân dụng đang được sử dụng… Do đó, người dân và doanh nghiệp có thể liên hệ với các nhà bảo hiểm nếu có nhu cầu.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và doanh nghiệp bảo hiểm lâu nay vẫn than vãn người dân thiếu mặn mà với bảo hiểm và IAV cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cần chủ động đến với các đối tượng dân cư, thiết kế các sản phẩm phù hợp, cải tiến chất lượng dịch vụ, nên đây chính là cơ hội để bán thêm các sản phẩm hiệu quả, mang thêm nhiều ý nghĩa đóng góp cho nền kinh tế, cho người dân, thậm chí có thể áp phí cao hơn đối với những sản phẩm có rủi ro cao nhưng khách hàng vẫn chấp nhận mua

Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, thực tế, không chỉ Việt Nam, ở các thị trường phát triển cũng từ chối bán bảo hiểm cho một số loại hình có rủi ro cao, chỉ khác là doanh nghiệp bảo hiểm ở những thị trường này thường có năng lực tài chính mạnh hơn và chất lượng nhà cửa, công trình hạ tầng ở đó tốt hơn, nên tỷ lệ từ chối bán bảo hiểm thấp hơn, chứ không có nơi nào bảo hiểm gì cũng bán.

Chưa kể, nhiều rủi ro ở Việt Nam không nằm trong diện được tái bảo hiểm, nên các công ty bảo hiểm không thể bán mọi sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

“Thị trường bảo hiểm cũng có giới hạn của nó. Nếu nhận bảo hiểm cho hình thức quá rủi ro ngoài có thể gây mất khả năng chi trả, thì còn ảnh hưởng đến an ninh tài chính của quốc gia, ảnh hưởng đến lợi ích của các khách hàng khác”, vị lãnh đạo này nói, đồng thời chia sẻ thêm, nhiều giải pháp đã được đưa ra sau khi nền kinh tế thiệt hại gần 1,8 tỷ USD do ảnh hưởng bởi bão lũ, nhưng một giải pháp chưa được nhắc đến đó là làm sao để người dân, doanh nghiệp gia tăng việc tham gia bảo hiểm để phòng bị các rủi ro. Ngoài tăng cường hoạt động ứng phó và chống biến đổi khí hậu, cũng cần có giải pháp để nhanh chóng gia tăng độ phủ bảo hiểm trong xã hội, có như vậy mới tăng được mức độ bảo vệ người dân, doanh nghiệp cũng như giảm gánh nặng cho nền kinh tế khi thiên tai, bão lũ… xảy đến.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục