Giông bão khốc liệt trở thành nguyên nhân chính khiến tổn thất được bảo hiểm gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty bảo hiểm đều đang nỗ lực nhanh nhất có thể để hoàn tất công tác giám định các vụ tổn thất, tuy nhiên, với các vụ tổn thất có nghiệp vụ phức tạp hơn về tài sản kỹ thuật, hàng hải... thì vẫn còn khá bộn bề.
Giông bão khốc liệt trở thành nguyên nhân chính khiến tổn thất được bảo hiểm gia tăng

Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, đến thời điểm hiện tại, đa số công ty bảo hiểm đã thực hiện giám định gần xong 100% số yêu cầu bồi thường về xe cơ giới và các tổn thất đơn giản. Tại bảo hiểm VNI, doanh nghiệp này đã giám định tổn thất được khoảng 95% số lượng xe bị ảnh hưởng (một số xe còn đang phải kiểm tra) và 85% số vụ tổn thất của bảo hiểm tài sản kỹ thuật.

Ngay sau khi công tác giám định tổn thất hoàn, một số công ty bảo hiểm như bảo hiểm BIC, bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, PJICO, MIC, VNI... cũng đã bắt đầu thực hiện tạm ứng bồi thường cho khách hàng.

Được biết, ngay từ trước khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận thông tin và phục vụ khách hàng một cách hiệu quả nhất như tăng cường đội ngũ tổng đài viên để đảm bảo quá trình tiếp nhận thông tin về tổn thất không bị gián đoạn và đã bố trí 100% giám định viên trực tại các địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp, và huy động lực lượng hỗ trợ từ các tỉnh lân cận. Tất cả các công ty bảo hiểm đều phải tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ giám định bồi thường từ trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại. Tuy nhiên, do thiệt hại đợt bão lũ vừa qua quá lớn lại xảy ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh thành nên có những thời điểm giám định viên quá tải.

Đại diện PTI cho biết, khó khăn lớn nhất mà đội ngũ gặp phải trong công tác giám định là mất điện và mất sóng viễn thông làm gián đoạn thông tin liên lạc, gây ảnh hưởng đến quá trình hỗ trợ khách hàng. Đây cũng là khó khăn chung trong công tác giám định thiệt hại của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, hầu hết các công ty đều kịp thời ứng phó bằng cách ghi nhận hiện trạng thiệt hại nhanh chóng qua ảnh chụp và đưa ra các biện pháp giảm thiểu tổn thất ngay sau khi bão qua.

Với tính chất phức tạp của từng vụ việc đặc biệt là đối với các tổn thất về tài sản kỹ thuật... công tác khắc phục hậu quả thẩm định tổn thất vẫn còn mất một thời gian. Không những huy động hết đội giám định thuộc công ty, một số công ty bảo hiểm phải thuê thêm giám định độc lập.

Giám định viên bảo hiểm vất vả giám định xe cho khách hàng trong mùa bão

Giám định viên bảo hiểm vất vả giám định xe cho khách hàng trong mùa bão

Trước đó, trong chuyến đi trực tiếp khảo sát tình hình tổn thất của các khách hàng, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc bảo hiểm Bảo Minh đã yêu cầu các công ty giám định độc lập tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các công ty thành viên của Bảo Minh tại địa phương hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng các biện pháp để tập trung vào công tác xử lý tổn thất sau bão nhằm đề phòng và hạn chế tổn thất phát sinh gia tăng, đồng thời tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương hoàn thành công tác giám định, đảm bảo việc đánh giá mức độ thiệt hại một cách khách quan, minh bạch, chính xác, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Ngày 17/9, đại diện bảo hiểm BIC cho biết, hãng bảo hiểm này cũng đang tập trung làm việc với đơn vị giám định để hoàn thiện thủ tục tạm ứng một phần số tiền bồi thường cho khách hàng trong tuần này và các tuần tiếp theo ngay sau khi đơn vị giám định kết thúc công tác giám định hiện trường với khách hàng.

Trong khi đó, bảo hiểm VNI cũng đã huy động tất cả đội ngũ giám định viên kịp thời hỗ trợ khách hàng và tiến hành công tác giám định thiệt hại một cách nhanh chóng. VNI cũng yêu cầu các công ty giám định độc lập phối hợp chặt chẽ với VNI để hoàn thiện các thủ tục giám định tổn thất, làm cơ sở để VNI tạm ứng bồi thường cho khách hàng. VNI cũng đã thành lập thêm các số hotline để tiếp nhận và kịp thời hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng nhất.

Theo ước tính sơ bộ của Viện nghiên cứu Swiss Re, tần suất liên tục của các sự kiện vừa và nhỏ đã gây ra tổn thất được bảo hiểm do thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu lên tới 60 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024. Theo hãng tái bảo hiểm này, trong những năm gần đây, những cơn giông bão khốc liệt đã nổi lên như một nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất được bảo hiểm gia tăng đáng kể. Điều này là do dân số tăng và giá trị tài sản cao hơn ở các khu vực thành thị, cùng với tài sản được bảo hiểm dễ bị thiệt hại hơn do mưa đá. Do đó, các sự kiện tổn thất hàng tỷ đô la phát sinh từ rủi ro này có thể trở nên phổ biến hơn...

Tại Việt Nam, số liệu công bố chính thức từ cơ quan chức năng tính đến ngày 12/9 tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản sau đợt bão lũ Yagi vừa qua ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những số liệu cập nhật mới các doanh nghiệp bảo hiểm ước tổn thất có thể lên tới con số hơn 10.000 tỷ đồng.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục