DN vẫn thờ ơ với bảo hiểm tỉ giá

Các dịch vụ phái sinh như future, option, forward, swap... do các ngân hàng thương mại cung cấp được coi là công cụ bảo hiểm để doanh nghiệp tránh rủi ro khi tỉ giá biến động mạnh. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, vì sao?
Bảo hiểm tỉ giá sẽ góp phần giúp DN chủ động được sản xuất kinh doanh. Bảo hiểm tỉ giá sẽ góp phần giúp DN chủ động được sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, tỉ giá VNĐ/USD liên tục biến động mạnh. Vào khoảng tháng 3, khi tỉ giá VNĐ/USD giảm mạnh (1 USD “ăn” chưa tới 15.500 VNĐ) thì doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao đao. Từ khoảng một tháng nay, lúc tỉ giá VNĐ/USD tăng cao (có lúc 1 USD “ăn” trên 18.000 VNĐ), đến lượt DN nhập khẩu kêu trời. Thiệt hại đã lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng các DN xuất nhập khẩu (XNK) vẫn chưa mặn mà với bảo hiểm tỉ giá. Vì sao?

 

Ngại phí, thủ tục

 

Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang cho biết, dù nhìn thấy sự biến động tỉ giá mạnh thời gian gần đây nhưng vẫn chưa có ý định mua bảo hiểm tỉ giá. “Xuất khẩu mỗi tháng thu về chỉ chừng 150.000 USD, mua bảo hiểm chỉ mất công chạy tới chạy lui làm thủ tục” - ông Đấu nói.

 

Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều công ty XNK có giá trị giao dịch lên đến hàng triệu USD cho mỗi lần giao nhận hàng thì hầu như cũng chưa có công ty nào cho biết sẽ mua bảo hiểm tỉ giá cho lần giao nhận hàng sắp tới.

 

Tại một số DN khác có thâm niên trong ngành XNK thì “chắc chắn sẽ mua bảo hiểm tỉ giá”, nhưng thời hạn thì... vô chừng. Ông Tô Ngọc Ngời, Trưởng Phòng Kinh doanh CTCP Sản xuất và XNK Lâm sản Sài Gòn cho biết, kế toán công ty đã xúc tiến làm việc với ngân hàng (NH) với mong muốn sẽ được bảo hiểm tỉ giá. Tuy nhiên, ông Ngời nói: Các khoản phí đang buộc chúng tôi sẽ phải cân nhắc thêm trước khi quyết định.

 

PGS-TS Sử Đình Thành (Trưởng Khoa Tài chính Nhà nước, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM) nhận định rằng, trong trường hợp bảo hiểm tỉ giá, phí rất quan trọng, nó quyết định sự thành bại của một hợp đồng bảo hiểm tỉ giá. Bởi vậy, khi mua bảo hiểm tỉ giá, DN phải đánh giá được giá trị của đồng tiền tương lai để tránh rủi ro, nghĩa là giá trị đồng tiền tương lai phản ánh đúng sự tính toán của DN.

 

Thị trường cung ứng manh mún, sơ khai

 

Cũng theo PGS-TS Sử Đình Thành, thị trường cung ứng (thường là các NH thương mại) cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kích thích DN sử dụng dịch vụ. Thế nhưng vai trò này hết sức mờ nhạt. Hầu như các NH không hề chú trọng trong việc quảng bá, và sau nhiều năm triển khai thực hiện, thị trường dịch vụ phái sinh này vẫn còn quá manh mún, sơ khai.

 

Phó tổng giám đốc của một NH thương mại cũng cho rằng chính các NH không mấy mặn mà với các dịch vụ phái sinh này, bởi phí thu vào không đáng vào đâu so với việc bù đắp rủi ro về biến động tỉ giá. Chưa kể, chính các DN cũng rất thờ ơ với dịch vụ này, vì để mua nó, DN phải đủ khả năng dự đoán giá trị đồng tiền tương lai.

 

Được biết, ngay từ đầu năm 2003, NH Nhà nước đã cho phép NH Thương mại Cổ phần XNK VN (Eximbank) được thực hiện thí điểm nghiệp vụ quyền lựa chọn trong kinh doanh ngoại hối, sau đó, nhiều NH khác như Agribank, Citibank, Vietcombank, ACB,... cũng được phép thực hiện nghiệp vụ này, thế nhưng gần 5 năm qua, dịch vụ này vẫn chưa được nhiều DN biết đến. Kết quả là, thị trường ngoại tệ giao ngay (spot) tại VN vẫn luôn được DN VN lựa chọn sử dụng, chiếm trên dưới 90%; riêng thị trường các dịch vụ phái sinh như thị trường tương lai (future), kỳ hạn (forward), quyền lựa chọn (option), hoán đổi (swap) ở VN vẫn còn rất nhỏ.

 

PGS-TS Sử Đình Thành cho rằng, nếu cứ để DN và NH thương mại tự bơi như hiện nay thì thị trường bảo hiểm tỉ giá chắc chắn sẽ lại giậm chân tại chỗ như nhiều năm qua. Do đó, cần phải có chính sách và khuyến nghị từ NH Nhà nước để các NH thương mại triển khai nghiệp vụ. Ngoài ra, cũng cần tổ chức các buổi giới thiệu, tập huấn để DN biết đến nhiều hơn và hiểu rõ ràng hơn về bảo hiểm tỉ giá, một công cụ mà sẽ giúp ích cho DN rất nhiều khi nền kinh tế VN hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.


NLĐ

Tin cùng chuyên mục