Bảo hiểm hưu trí tự nguyện với “sứ mệnh” cứu Quỹ BHXH

(ĐTCK) Bảo hiểm hưu trí tự nguyện tiếp tục được các cơ quan quản lý đề xuất triển khai trong bối cảnh ngân sách Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) sắp cạn kiệt.
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện với “sứ mệnh” cứu Quỹ BHXH

>> Đến thời bảo hiểm hưu trí tự nguyện 

 

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được các cơ quan quản lý bàn bạc tại Hội thảo “Chính sách bảo hiểm hưu trí và các phương án cải cách khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 6/9 tại Hà Nội. Tâm điểm bàn bạc vẫn là chọn giải pháp nào cho tình trạng ngân sách Quỹ BHXH sắp cạn kiệt, trong đó giải pháp mở rộng bảo hiểm tự nguyện ít vấp phải lo ngại nhất.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện với “sứ mệnh” cứu Quỹ BHXH ảnh 1Dân số Việt Nam đang già hóa dẫn đến nguy cơ thâm hụt Quỹ BHXH

Ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là giải pháp giúp người lao động bổ sung thu nhập, cải thiện cuộc sống khi hết tuổi lao động và là một xu thế tất yếu trong xây dựng chính sách bảo hiểm hưu trí ở nước ta hiện nay.

Ông Túc dẫn chứng, các DN có kết quả kinh doanh ổn định như Unilever Việt Nam, Nestle Việt Nam hay Dutch Lady Việt Nam đã thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung (một loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện) đối với hàng nghìn lao động để tăng thêm thu nhập khi về hưu của những người này. Đây là cách khuyến khích người lao động tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để có mức sống cao hơn khi về già.

PGS. TS. Giang Thanh Long thuộc Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học chỉ ra rằng, việc phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ giúp mở rộng hệ thống an sinh xã hội ra cả nhóm những người “nghèo kinh niên” (những người rất khó có khả năng đóng BHXH) và nhóm thuộc khu vực lao động “phi chính thức”. Trong khi đó, các loại hưu trí bắt buộc sẽ chỉ áp dụng được trong phạm vi lao động “chính thức”.

“Về dài hạn, một hệ thống hưu trí hướng đến an ninh thu nhập cần được thiết kế đa tầng, đan xen và hỗ trợ nhau, cũng như dễ dàng chuyển đổi”, ông Long nói.

Những giải pháp như bảo hiểm hưu trí tự nguyện được đưa ra khi nguy cơ thâm hụt Quỹ BHXH ngày càng cận kề, do tác động của tình hình dân số Việt Nam đang già hóa khiến nhóm người trong độ tuổi lao động giảm đi và nhóm người trong độ tuổi về hưu tăng lên. Nhiều đề xuất liên tục được đưa gồm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tăng mức đóng BHXH, điều chính công thức tính lương hưu theo các đối tượng khác nhau, mở rộng đối tượng tham gia theo hình thức tự nguyện.

Các giải pháp đều gặp ít nhiều những lo ngại về hệ lụy đối với người lao động Việt Nam trên cả khía cạnh kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện (hình thức người lao động tự nguyện lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng BHXH tương ứng) ít vấp phải những phản đối hơn cả.

Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội, trong hai lần chỉnh sửa Dự thảo trước, cơ quan quản lý đã sửa đổi quy định sao cho mở rộng đối tượng áp dụng BHXH tự nguyện và tạo điều kiện linh hoạt cho đông đảo thành phần lao động có thể tham gia loại hình này. Trong đó có quy định không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện và có chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, việc mở rộng độ bao phủ BHXH sẽ không giải quyết triệt để nguy cơ mất cân bằng quỹ, mà chỉ trì hoãn tạm thời sự mất cân bằng đó. Tổ chức này đề xuất giải pháp tăng thời gian làm việc và giảm thời gian nghỉ hưu của người lao động.

Đề xuất nêu trên của ILO vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối của các nhà quản lý trong nước.

“Chính sách BHXH nói chung và chế độ hưu trí nói riêng có một vị trí quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người lao động ở Việt Nam . Việc thực hiện ngay lập tức tất cả các khuyến nghị của ILO về BHXH là điều không thể đối với Việt Nam ”, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

Trong khi đó, giải pháp tăng mức đóng BHXH cũng gặp trở ngại lớn do thu nhập của người lao động Việt Nam vẫn thấp. TS Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách dự báo, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong 20 năm nữa cũng chỉ ở mức trung bình dưới 10.000 USD.

Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo, BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008 với 6.110 người tham gia, đến cuối năm 2012 có 139.643 người tham gia. Loại hình bảo hiểm này chưa hấp dẫn người lao động vì mức đóng còn khá cao so với đại bộ phận người lao động tự do và nông dân, cũng như quy định số năm đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu vẫn cao.

Quang Minh
Quang Minh

Tin cùng chuyên mục