Bảo hiểm vẫn khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới với mức giảm hơn 10% của khối nhân thọ, trong khi khối phi nhân thọ doanh thu tăng chưa đến 5% trong 9 tháng qua.
Các doanh nghiệp nhân thọ đang nỗ lực từng ngày để lấy lại đà tăng trưởng Các doanh nghiệp nhân thọ đang nỗ lực từng ngày để lấy lại đà tăng trưởng

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí lĩnh vực nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7% và lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6%.

Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57.100 tỷ đồng, tăng 30,2%; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng, tăng 15,4%.

Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ duy trì đà tăng nhờ nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh…, nhưng mức tăng thấp này không thể gồng gánh doanh thu chung của cả thị trường do doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ lớn gấp đôi và liên tục giảm sút từ đầu năm.

Thị trường bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực nhân thọ, đang gặp khó khăn “kép” từ ảnh hưởng của khủng hoảng truyền thông, các quy định bán bảo hiểm chặt chẽ và tác động của suy thoái kinh tế.

“Ngành bảo hiểm dường như ngày một “ngấm” sâu hơn suy thoái kinh tế nên quý IV/2023 chưa thể khởi sắc hơn, khó khăn có thể kéo dài sang cả 2 quý đầu năm 2024”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần còn nhỏ nhìn nhận.

Thống kê cho thấy, kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức khi hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra tại thời điểm trước đó nhờ tăng trưởng 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ khởi sắc, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,1-1%. Do đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động.

Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,24% trong 3 quý đầu năm 2023 không phải là mức tăng trưởng cao, cũng chưa vững chắc khi bước sang quý cuối năm. Kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khó dự báo…

“Tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ từ giờ đến cuối năm khó khả quan hơn, cho dù các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực thay đổi, củng cố quy trình bán hàng, nâng cao chất lượng tư vấn cũng như dịch vụ khách hàng hơn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.

Theo vị này, suy thoái kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bảo hiểm mới nổi như Việt Nam và thực tế, lực lượng tư vấn bảo hiểm đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi khó khăn của thị trường. Việc khó bán hàng khiến một bộ phận tư vấn viên bảo hiểm nản chí và không muốn trụ lại với nghề, thị trường tiếp tục trong vòng xoáy “tuyển dụng, rơi rụng, rồi lại tuyển dụng”…

Nhiều thách thức đang chờ đón các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý cuối năm 2023 cũng như những tháng đầu năm 2024 khi tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa khởi sắc. Dẫu vậy, ngành bảo hiểm đang có sự thay đổi lớn về chính sách, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường theo hướng ổn định, bền vững hơn.

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng là các doanh nghiệp vẫn nhận thấy dư địa thị trường còn rất lớn, khi trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và tăng lên 18% vào năm 2030. Đây chính là động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực thay đổi mỗi ngày để đón đầu cơ hội này.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục