Bảo hiểm trách nhiệm: Tăng, nhưng chưa bền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu bảo hiểm trách nhiệm ghi nhận sự bứt phá trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, đà tăng sẽ khó bền nếu hợp đồng không được tái tục hoặc không có thêm hợp đồng mới.
Bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm nay, đạt 848%. Bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm nay, đạt 848%.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là từ nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng và bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường với mức tăng 791% và 848% so với cùng kỳ 2019.

Theo đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI), ý thức tuân thủ Thông tư số 329/2016/BTC về bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng của các chủ thầu xây dựng được cải thiện đã góp phần mang lại sự khởi sắc trên.

Vị này cho biết, Thông tư có hiệu lực từ năm 2016, nhưng việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tới nay mới biến chuyển khi các cơ quan quản lý đẩy mạnh việc kiểm tra.

Ngoài ra, có thể còn do một số dự án xây dựng FDI mới trong 6 tháng đầu năm nay khiến doanh thu của 2 sản phẩm này tăng đột biến.

Mặc dù đang có sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng, nhưng so với các nghiệp vụ khác thì tỷ trọng doanh thu của bảo hiểm trách nhiệm lại rất khiêm tốn, chỉ khoảng 2% trong tổng doanh thu, nên đà tăng trưởng sẽ khó bền vững khi doanh thu sụt giảm.

“Với những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ trọng còn nhỏ thì việc có thêm một vài hợp đồng lớn sẽ dễ dàng khiến doanh thu tăng cao. Nhưng nếu năm sau hợp đồng không được tái tục hoặc không có thêm những hợp đồng mới tương tự thì doanh thu sẽ sụt giảm mạnh. Chính vì thế, việc bảo hiểm trách nhiệm tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm nay chưa nói lên nhiều điều”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Thực tế, tại Việt Nam, tiềm năng của bảo hiểm trách nhiệm nói chung và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nói riêng là có, nhưng chưa hấp dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.

Hiện các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài… và cũng chỉ cung cấp cho các khách hàng là người nước ngoài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước như Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, PVI hay MIC… đã có nhiều sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, nhưng doanh thu phí mới không cao.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó thâm nhập vào phân khúc này được cho là do thiếu kinh nghiệm. Đó là chưa kể, khi Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực, bảo hiểm qua biên giới được "bật đèn xanh", các đối tượng khách hàng trên lại càng không có nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của các doanh nghiệp Việt.

Theo đại diện PTI, trong các sản phẩm trách nhiệm bắt buộc, ngoài các sản phẩm xây dựng, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề bác sỹ cũng được các bệnh viện, phòng khám tăng mua khi đã ý thức hơn về tính thiết thực của sản phẩm này, cũng như để tuân thủ quy định pháp luật.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh đã tăng gần 60% so với cùng kỳ 2019.

Còn sản phẩm bảo hiểm liên quan đến kiểm toán, kế toán thì doanh số không tăng nhiều do đây là 2 ngành nghề khó đánh giá được rủi ro, trong khi trách nhiệm bảo hiểm thường lớn, mức phí lại không cao. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp bảo hiểm chưa mấy mặn mà với những nghiệp vụ này.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư và công ty luật), cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp thẩm định giá… có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư, bác sỹ, nhân viên môi giới, nhân viên thẩm định… của tổ chức mình. 

Công ty chứng khoán có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty, công ty kiểm toán mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên, hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại do lỗi của doanh nghiệp gây ra cho khách hàng.

Trong lĩnh vực xây dựng, nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên…

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục