Theo đại diện Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI), chỉ trong 3 ngày qua, doanh thu từ sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy của Công ty tăng lên gấp 3 lần so với thông thường.
Các công ty bảo hiểm khác như BIC, PJICO, Bảo Minh… cũng trong tình trạng tương tự. Với mạng lưới bán hàng rộng nhất thị trường, việc nhu cầu mua bảo hiểm tăng đột biến khiến việc vận chuyển giấy chứng nhận cho các đại lý phải “chạy đua” liên tục mà cung vẫn không đủ cầu.
“Số liệu thống kê doanh thu tăng gấp vài lần cũng chỉ là ước tính, con số thực có thể còn tăng cao hơn do hiện nay, các công ty bảo hiểm chỉ có báo cáo sơ bộ chứ chưa có số tổng hợp cụ thể chính xác vì cả nhân viên và đại lý các công ty còn đang “ngập đầu” trong các đơn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho chủ xe chưa có thời gian thống kê”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.
Cũng theo vị này, chính bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không ngờ đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông đợt này lại khiến bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe lại “đắt hàng” đến thế.
Do bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự phải sử dụng giấy chứng nhận thông thường mà không được sử dụng giấy chứng nhận online, nên khi nhu cầu tăng đột biến khiến rất nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.
Kể cả trường hợp giấy chứng nhận vẫn đang được lưu trong kho, nhưng việc vận chuyển về các địa lý trên toàn quốc cũng phải diễn ra trong vài ngày, thậm chí là 1 tuần. Đấy là chưa kể một số doanh nghiệp đã hết cả hàng lưu trong kho thì lại thêm vài ngày để sản xuất.
Mặc dù một số doanh nghiệp hiện nay cung cấp song song cả giấy chứng nhận online và giấy cho khách hàng, tuy nhiên, bản online chỉ có giá trị xác định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng, chứ không có giá trị khi công an giao thông kiểm tra.
Hiện nay, Hiệp hội Bảo hiểm cũng đang kiến nghị với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cho phép sử dụng giấy chứng nhận online thay thế cho giấy chứng nhận thông thường nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu được chi phí in ấn, vận chuyển và quản lý.
Để khắc phục hiện tượng thiếu giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy như hiện nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải tăng sản xuất ấn chỉ, đồng thời chấp nhận trả thêm chi phí để lựa chọn các hình thức vận chuyển nhanh đến các đại lý.
Được biết, cùng với Đăng ký xe ô tô/xe máy, giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân, thì giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe là những giấy tờ thiết yếu người tham gia giao thông luôn phải mang theo khi tham gia giao thông.
Từ tháng 9/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Với mức phí bảo hiểm hiện nay chỉ ở mức 60.000 đồng/năm đối với xe máy và từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ôtô, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm, quy định bắt buộc này chỉ có chủ ôtô mua là chính, bởi nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì chủ xe sẽ không được xét đăng kiểm xe, mua bảo hiểm thân xe, kể cả mua phí bảo trì đường bộ. Còn đối với các chủ xe mô tô xe máy vẫn chủ yếu mua để đối phó…
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, cả nước đã có gần 60 triệu xe môtô, xe máy, tăng gần 80% so với năm 2011 nhưng, ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, chỉ có khoảng 30% chủ xe mô tô xe máy chủ động mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đợt "cháy hàng'' này chỉ diễn ra trong thời gian tổng kiểm tra do người dân vẫn chưa hiểu đúng và đủ của bảo hiểm trách nhiệm dân sự, vẫn chỉ mua với mục đích đối phó với cảnh sát giao thông. Khi hết đợt kiểm tra, chắc chắn nhu cầu sẽ sụt giảm mạnh. Do vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là cần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của bảo hiểm này nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân và xã hội.
Trong khi đó, đối với khách hàng mua bảo hiểm này, để sản phẩm bảo hiểm này không chỉ phải mua để “đối phó”, thì các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần đơn giản hơn trong khâu giải quyết các thủ tục bồi thường để xóa bỏ định kiến “bảo hiểm mua dễ khó đòi”.