Bảo hiểm trách nhiệm sẽ thay đổi căn bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nghiêm Xuân Thái, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nhấn mạnh như vậy khi nói về tác động của Nghị định 03 vừa được Chính phủ ban hành.
Quy trình bồi thường được đơn giản hóa sẽ tạo thuận lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh Quy trình bồi thường được đơn giản hóa sẽ tạo thuận lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Ngày 15/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới bằng cả bản giấy và điện tử, theo ông, điều này tác động thế nào đến doanh nghiệp và khách hàng?

Nghị định 03 được ban hành đem lại nhiều thuận lợi, trong đó điểm nổi bật nhất cần phải nhắc đến là áp dụng giấy chứng nhận điện tử. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tiết kiệm được chi phí in ấn, vận chuyển và quản lý ấn chỉ. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng sẽ có thông tin cụ thể của khách hàng, từ đó hỗ trợ quy trình giải quyết bồi thường sau này diễn ra nhanh hơn.

Không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm, khách hàng cũng được hưởng lợi khi việc lưu trữ giấy chứng nhận và mua bảo hiểm trở nên thuận lợi hơn. Nếu như trước đây để mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, người dân thường phải trực tiếp đến các điểm bán bảo hiểm hoặc nếu mua online thì cũng phải đợi 3-5 ngày để nhận giấy chứng nhận thì hiện nay, khách hàng có thể được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bất kỳ lúc nào.

Việc chuyển sang cấp bản điện tử có gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm không?

Theo tôi, sẽ không có khó khăn trong việc chuyển dịch từ chứng nhận giấy sang chứng nhận điện tử. Bởi lẽ, các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình hoạt động từ những năm trước nên đã quen thuộc với việc sử dụng giấy chứng nhận điện tử cho các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vật chất ô tô…

Tại PTI, chúng tôi đã áp dụng giấy chứng nhận điện tử cho 10 dòng sản phẩm cốt lõi từ năm 2017 và việc này mang lại nhiều lợi ích cho cả PTI và khách hàng của mình.

Ông Nghiêm Xuân Thái, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI)

Ông Nghiêm Xuân Thái, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI)

Như ông chia sẻ, giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử có nhiều ưu điểm, vậy chăng nên bỏ hẳn bản giấy?

Đúng là giấy chứng nhận điện tử có nhiều ưu điểm, nhưng tôi cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để loại bỏ giấy chứng nhận vật lý, bởi để thực hiện được hoàn toàn giấy chứng nhận điện tử cần hội tụ nhiều yếu tố công nghệ thông tin, thói quen sử dụng thiết bị di động thông minh, kết nối mạng...

Trong khi trên thực tế, sự đồng bộ về công nghệ thông tin giữa các vùng miền vẫn còn có sự chênh lệch, nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng được các yếu tố về công nghệ thông tin. Tất nhiên, tỷ trọng giấy chứng nhận điện tử sẽ tăng lên qua các năm, nhưng để đạt đến con số 100% thì phải cần thêm nhiều thời gian.

Ngoài giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, Nghị định 03 còn có “điểm cộng” nào đáng chú ý, thưa ông?

Như đã nêu ở trên, Nghị định 03 mang lại nhiều lợi ích và một trong những điểm nổi bật nhất là giúp đơn giản hóa quy trình bồi thường, tạo thuận lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp, tập trung ở 3 điểm.

Thứ nhất, thủ tục yêu cầu bồi thường mà không có người tử vong sẽ không cần tới hồ sơ công an. Trong trường hợp xảy ra tử vong, cần có xác nhận của cơ quan công an thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm thu thập các giấy tờ liên quan.

Thứ hai, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tạm ứng bồi thường cho khách hàng trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của khách hàng.

Thứ ba, mức bồi thường sẽ được điều chỉnh tăng từ 100 triệu đồng/người/vụ lên 150 triệu đồng/người/vụ.

Vậy doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cần làm gì để đáp ứng nhanh chóng những quy định mới?

Để đáp ứng được những thay đổi mới, có 3 điều doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu ý.

Một là, gia tăng đội ngũ giám định viên để có thể kịp thời hỗ trợ khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Trước đây, nếu giám định viên không thể đến hiện trường kịp thì các doanh nghiệp có thể dựa trên hồ sơ xác định lỗi của cơ quan công an để giải quyết bồi thường. Thế nhưng, hiện nay, trong trường hợp không cần, thậm chí ngay cả khi đã có hồ sơ công an, thì các doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo mạng lưới giám định viên đủ rộng để có thể kịp thời hỗ trợ khách hàng ở cả vùng sâu, vùng xa. Ở PTI, chúng tôi đã từng bước đào tạo đội ngũ giám định viên thông qua mạng lưới bưu điện và bưu cục trên toàn quốc nhằm đảm bảo giám định viên có mặt tại từng thôn, xã.

Hai là, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn về việc phân định lỗi một cách chính xác khi có tai nạn xảy ra, để từ đó xác định được trách nhiệm của các bên liên quan. Đây là việc không đơn giản nhằm hạn chế sự tranh chấp không chỉ giữa doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng, mà còn giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau (trong trường hợp 2 xe va chạm có mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới ở 2 doanh nghiệp bảo hiểm).

Ba là, quy trình bồi thường cần tiếp tục được tối giản và minh bạch để đẩy nhanh hơn công tác giải quyết bồi thường, qua đó kịp thời hỗ trợ khách hàng không may gặp rủi ro. Tại PTI, chúng tôi đã áp dụng ứng dụng (app) giám định viên để tiết giảm thời gian giải quyết bồi thường, tăng năng suất làm việc của giám định viên lên từ 30-50% so với trước đây.

Một số quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới tại Nghị định 03

1. Áp dụng thêm giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử

Cá nhân mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới có thể được cấp giấy chứng nhận điện tử do doanh nghiệp bảo hiểm phát hành và bao gồm đầy đủ nội dung theo quy định. Người dân khi tham gia giao thông phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) và xuất trình giấy tờ này nếu có yêu cầu từ lực lượng cảnh sát giao thông hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác.

2. Tăng số tiền bồi thường về con người

Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra được nâng từ 100 triệu đồng/người/vụ lên 150 triệu đồng/người/vụ. Các mức bồi thường về tài sản vẫn được giữ nguyên như cũ là 50 triệu đồng/người/vụ đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe máy và 100 triệu đồng/người/vụ đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm ô tô).

3. Đơn giản hóa hồ sơ bồi thường

Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên liên quan thu thập hồ sơ bồi thường bảo hiểm, trong đó có thể không cần đến hồ sơ công an. Trường hợp xảy ra tử vong phải cần đến xác nhận của cơ quan công an thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ liên quan.

4. Thời hạn bảo hiểm với xe máy tối đa 3 năm, với ô tô tối đa theo thời hạn đăng kiểm

Thời hạn bảo hiểm được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, trong đó xe gắn máy có thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm. Đối với xe ô tô, thời gian tối thiểu 1 năm và tối đa theo thời hạn đăng kiểm.

5. Phí bảo hiểm tăng tối đa 15%

Doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới cũng như năng lực chấp nhận rủi ro của mình để chủ động xem xét, điều chỉnh tăng mức phí bảo hiểm tối đa 15% tính trên mức phí do Bộ Tài chính quy định.

6. Quy định rõ việc tạm ứng bồi thường

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tạm ứng bồi thường đối với những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng theo quy định.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục