Người gửi tiền vợi bớt nỗi lo
Ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG, gồm cả gốc và lãi của một người, tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 12/12/2021.
Đây là tin vui đối với những người gửi tiền sau khi hạn mức 75 triệu đồng quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg được thiết lập vào năm 2017. Theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được định kỳ đánh giá lại khoảng 5 năm một lần, BHTGVN đã thường xuyên đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét.
Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 125 triệu đồng là phù hợp với các thông lệ quốc tế về BHTG, trong khi đó không yêu cầu tăng thu phí với tổ chức tham gia BHTG.
Đây cũng là nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng, của BHTGVN trong việc nâng cao năng lực bảo vệ người gửi tiền, hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế cũng như đến ngành ngân hàng.
Đánh giá về quyết định này, ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN cho biết, người dân sẽ được hưởng các lợi ích từ chính sách này, bởi hoạt động và sự phát triển của chính sách BHTG gắn với xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng.
Mục tiêu của chính sách BHTG là bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, qua đó, duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Được biết, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người được bảo hiểm tiền gửi đến nay là khoảng 91%, đáp ứng được thông lệ quốc tế là trong phạm vi từ 90 - 95%.
Xây nền tảng cho “tấm lá chắn” bảo vệ người gửi tiền
Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người gửi tiền, ban lãnh đạo BHTGVN xác định cần tạo lập nền tảng tài chính vững mạnh trên cơ sở các hoạt động nghiệp vụ được
BHTGVN triển khai đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2021, có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM).
Công tác cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trong năm 2021, BHTGVN đã thực hiện cấp mới một chứng nhận tham gia BHTG, cấp 383 bản sao và cấp lại 18 chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG. Trên cơ sở hạn mức trả tiền BHTG là 125 triệu đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
BHTGVN đã hoàn thành 100% việc cấp chứng nhận tham gia BHTG theo hạn mức mới cho 1.282 tổ chức tham gia BHTG và cấp 12.282 bản sao chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của các tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, BHTGVN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tăng cường công tác giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý để kịp thời tham mưu, đề xuất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) các vấn đề phát sinh, có thể gây rủi ro, mất an toàn trong toàn hệ thống.
Hiện nay, báo cáo giám sát định kỳ và chuyên sâu của BHTGVN ngày càng được cải tiến về nội dung, nâng cao chất lượng. Đây là một kênh thông tin chất lượng, hỗ trợ tích cực NHNN trong công tác quản lý, giám sát các tổ chức tín dụng.
Trong công tác kiểm tra, BHTGVN đã cố gắng đạt kết quả cao nhất đối với kế hoạch kiểm tra định kỳ, ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thành kế hoạch kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Tính đến 31/12/2021, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra đối với 288 tổ chức tham gia BHTG, đạt 100% so với kế hoạch, hoàn thành kiểm tra đối với 22 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2021.
BHTGVN cũng thực hiện tốt công tác quản lý thu phí BHTG. Tính đến cuối năm 2021, tổng số phí BHTG thu được tăng 10,5% so với năm 2020 và vượt 3% so với kế hoạch thu phí NHNN giao. Bên cạnh đó, BHTGVN đã thực hiện miễn nộp phí BHTG theo quy định đối với tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt.
Trong năm 2021, mặc dù không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đối với người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, nhưng BHTGVN luôn theo dõi sát sao quá trình thực hiện xử lý pháp nhân đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém được kiểm soát đặc biệt để chủ động xây dựng phương án trả tiền bảo hiểm khi cần thiết.
Điểm đáng chú ý, công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt 82.600 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 75.900 tỷ đồng, tăng 18,04% so với cùng kỳ năm 2020. Với nguồn lực tài chính tăng trưởng khá, được tích lũy qua từng năm giúp BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Đối với công tác nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, BHTGVN đang hoàn thành các nội dung trọng tâm quan trọng, mang tính chiến lược để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt như Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; tăng vốn điều lệ của BHTGVN...
Đồng thời, triển khai đúng định hướng, có hiệu quả công tác tuyên truyền, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động các TCTD, góp phần quan trọng vào thành công của ngành ngân hàng trong năm 2021, nâng cao niềm tin của công chúng và các cơ quan, ban ngành đối với BHTGVN.
Sứ mệnh cao cả, trọng trách cần làm
Đánh giá cao những kết quả BHTGVN đã đạt được trong năm 2021 trên các mặt hoạt động, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú lưu ý BHTGVN cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:
Một là, xây dựng chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển BHTG và tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi được phê duyệt; bám sát kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng hoàn thiện chính sách BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế và bổ sung thêm cơ chế để BHTGVN nâng cao năng lực tài chính, tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, phấn đấu để
BHTGVN thực sự trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Ba là, tiếp tục tham gia, phối hợp tích cực với NHNN trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém và xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và BHTGVN nhằm nâng cao hiệu quả giám sát các quỹ tín dụng nhân dân; phát huy vai trò hỗ trợ NHNN làm tốt công tác kiểm tra các quỹ tín dụng nhân dân.
Bốn là, tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được NHNN phê duyệt, giao nhiệm vụ.
Năm là, tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác Đảng, đoàn thể, tăng cường đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo; tích cực quan tâm, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Năng lực tài chính và cơ sở pháp lý để BHTGVN phát huy vai trò còn hạn chế so với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho BHTGVN trong những năm tiếp theo là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, mở rộng phạm vi kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN, phù hợp với năng lực thực tế của tổ chức BHTG. Đặc biệt, BHTGVN cần chủ động chuẩn bị nguồn lực cả về tài chính và con người để có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém”.