Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: bảo vệ người gửi tiền và phòng chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Toàn hệ thống Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã chủ động triển khai linh hoạt các giải pháp, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: bảo vệ người gửi tiền và phòng chống dịch COVID-19

Tính đến hết quý III/2021, BHTGVN bảo vệ cho người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô, không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm và không nhận được đơn đề nghị cho vay đặc biệt của các tổ chức tham gia BHTG.

Toàn hệ thống BHTGVN đã chủ động triển khai linh hoạt các giải pháp, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhằm tăng cường vai trò hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong công tác giám sát, kiểm tra, xử lý tổ chức tín dụng, BHTGVN đã tích cực chủ động thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tham gia BHTG.

Công tác giám sát được thực hiện đối với 100% tổ chức tham gia BHTG thông qua khai thác hiệu quả dữ liệu từ NHNN và thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm. BHTGVN thường xuyên theo dõi, phân tích và hoàn thành các báo cáo giám sát định kỳ hàng quý đối với tổ chức tham gia BHTG, các báo cáo giám sát chuyên sâu định kỳ hàng tháng đối với quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có vấn đề; kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị NHNN các vấn đề bất thường phát sinh có thể gây rủi ro, mất an toàn hệ thống TCTD.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, công tác kiểm tra của BHTGVN gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, chất lượng các cuộc kiểm tra tiếp tục nâng cao với nhiều cách thức triển khai mới. Trong 9 tháng đầu năm, BHTGVN đã hoàn thành 57,3% kế hoạch kiểm tra định kỳ, bao gồm 22 ngân hàng và 178 QTDND; kiểm tra 6/35 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2021.

Nhằm góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, BHTGVN đã chủ động theo dõi thường xuyên, giám sát chuyên sâu đối với các QTDND có vấn đề, cử cán bộ tham gia các Ban Kiểm soát đặc biệt (KSĐB), kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình hoạt động của các quỹ này và QTDND có tình hình đột xuất phát sinh, báo cáo NHNN. Thực hiện miễn phí BHTG cho các tổ chức tham gia BHTG được KSĐB theo quy định.

Bên cạnh đó, để tham gia hỗ trợ xử lý các QTDND yếu kém được đặt vào tình trạng KSĐB, BHTGVN đã chủ động xây dựng mức vốn dự phòng đối với nghiệp vụ cho vay đặc biệt năm 2021, sẵn sàng cho vay đặc biệt khi có phát sinh.

Nhằm tiếp tục bổ sung cho Quỹ dự phòng nghiệp vụ, nâng cao năng lực tài chính để BHTGVN có thể tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD, BHTGVN đã tích cực thực hiện công tác thu phí BHTG cũng như đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. BHTGVN chủ động xây dựng các phương án, nỗ lực thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi một cách linh hoạt giữa hai thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Nhằm nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của BHTGVN trong góp phần đảm bảo an toàn, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, BHTGVN đã phối hợp tổ chức tuyên truyền chính sách BHTG tại 65 đại hội thành viên, thường niên của các QTDND; phối hợp với Vụ Truyền thông NHNN, báo, tạp chí có uy tín trong và ngoài ngành Ngân hàng và các đơn vị liên quan để tuyên truyền về chính sách BHTG, hạn mức trả tiền BHTG, các quy định mới về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các vấn đề cần định hướng, tư vấn cho người gửi tiền và công chúng….

Hướng đến mục tiêu xây dựng tổ chức BHTGVN ngày càng đáp ứng tốt hơn Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng như nâng cao vai trò của BHTGVN trong góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống TCTD, BHTGVN đã tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách về BHTG.

Cụ thể, BHTGVN đã nghiên cứu, chủ động đề xuất với NHNN các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo hướng tăng cường năng lực tài chính và nâng cao năng lực hoạt động để BHTGVN tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém.

BHTGVN đã hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và dự thảo Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm. Hiện các Dự thảo đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và BHTGVN chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thực hiện.

Trong những tháng cuối năm 2021, BHTGVN cho biết sẽ quyết tâm nỗ lực tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục chủ động sáng tạo nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tập trung nghiên cứu nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Đồng thời, phấn đấu xây dựng tổ chức BHTG ngày càng phát triển vững mạnh, là công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống các TCTD, phát triển hệ thống tài chính – ngân hàng tại Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục