Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau gần 10 năm Luật Bảo hiểm tiền gửi đi vào cuộc sống, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung; nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Đây cũng là nhiệm vụ mà Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đặt ra cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2020.

Đó là: Chủ động nghiên cứu đề xuất để trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, bổ sung cơ chế tạo điều kiện cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nâng cao năng lực tài chính, tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Những vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực thi Luật BHTG

Ông Tạ Quang Đôn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã tạo lập được cơ sở pháp lý cho hoạt động Bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật.

Thứ nhất, một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, do vậy còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước...

Thứ hai, một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi cần có sự đánh giá lại để phù hợp với tình hình và hệ thống pháp luật thời điểm hiện tại.

Cụ thể, việc áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt giữa các tổ chức tín dụng còn khó khăn. Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc áp dụng phí Bảo hiểm tiền gửi phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là những tổ chức tín dụng có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này.

Điều 31 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức Bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN nhưng chưa quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN khi cần thiết.

Bên cạnh đó, mặc dù các kênh đầu tư hiện tại là kênh đầu tư an toàn nhưng có thể nghiên cứu đa dạng hóa thêm hình thức đầu tư mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mà vẫn đảm bảo an toàn, qua đó nâng cao hơn nữa năng lực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền.

Thứ ba, một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi cần phải được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời tạo cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện được các nhiệm vụ mới được giao.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã bổ sung thêm một số quyền hạn, nghĩa vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình tham gia tái cơ cấu TCTD, bao gồm: phối hợp tham gia xây dựng phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, phương án phá sản tổ chức tín dụng, cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ. Trong khi đó, các quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện chưa quy định các quyền, nghĩa vụ này của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi.

Từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế

Để Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu quả thực thi, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy được vai trò, vị thế của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, theo ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: “Luật Bảo hiểm tiền gửi được sửa đổi trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước, hướng dẫn phát triển hệ thống Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế về Bảo hiểm tiền gửi”.

Cụ thể, Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần được xây dựng theo hướng khắc phục những bất cập, hạn chế qua quá trình thực thi Luật Bảo hiểm tiền gửi từ năm 2013 đến nay. Trong đó, cần bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về Bảo hiểm tiền gửi và về vấn đề cơ cấu lại TCTD yếu kém. Đặc biệt là định hướng sử dụng công cụ Bảo hiểm tiền gửi một cách hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại TCTD để xử lý nợ xấu.

Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro TCTD; tăng cường năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Bảo hiểm tiền gửi vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng hạn mức Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống TCTD.

Ngoài ra, Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan để việc thực thi đạt hiệu quả trong thực tế, đồng thời tham khảo, học tập kinh nghiệm xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi của các nước và hướng dẫn phát triển hệ thống Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của quốc tế.

An Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục