Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam từng bước nâng tầm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã và đang thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2021 đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN).
Ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật BHTG đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền. Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập sâu rộng, những thay đổi của thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, theo ông, Luật cần được sửa đổi, bổ sung như thế nào?

Năm 2012, Luật BHTG số 06/2012/QH13 được thông qua, đánh dấu một bước tiến lớn cho hoạt động của BHTGVN, quy định rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất giúp BHTGVN nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao.

Sau gần 10 năm triển khai, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành, BHTGVN đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo hướng:

Thứ nhất, Luật BHTG sửa đổi cần bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém nhằm sử dụng chính sách BHTG như một công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Thứ hai, Luật BHTG sửa đổi cần được xây dựng theo hướng khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi tính đến thời điểm hiện nay.

Thứ ba, cần sửa đổi Luật BHTG theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để BHTGVN có vai trò lớn hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội; đảm bảo tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thực hiện các mục tiêu được giao. Song song với đó, việc nâng hạn mức BHTG phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng cũng là một nội dung quan trọng.

Thứ tư, Luật BHTG sửa đổi theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi đạt hiệu quả.

Thứ năm, Luật BHTG sửa đổi trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước, hướng dẫn phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của các tổ chức quốc tế nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế về BHTG.

Trong năm 2020, Chính phủ đã công bố dự thảo quyết định về hạn mức trả tiền BHTG. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền BHTG được công bố vào tháng 7/2020. Hiện nay, dự thảo đang được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện theo ý kiến tại báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo dự thảo, số tiền được trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định tại Luật BHTG của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng, tăng lên đáng kể so với hạn mức 75 triệu đồng hiện tại. Có thể nói, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG trong khi mức thu phí đối với các tổ chức tham gia BHTG vẫn giữ nguyên là nhân tố quan trọng góp phần củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính - ngân hàng, giúp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Khi hạn mức BHTG mới được đưa vào áp dụng, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ tăng từ 87,72% lên hơn 90% trong tổng số người gửi tiền.

Chính vì vậy, BHTGVN tự tin khẳng định rằng, với quy mô quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 64.000 tỷ đồng như hiện nay, BHTGVN có đủ năng lực tài chính để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Trong bối cảnh chúng ta đang nâng cao nhận thức cũng như nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, đâu là kết quả nổi bật trong việc bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động tài chính - ngân hàng của BHTGVN?

Suốt quá trình hình thành và phát triển, dưới sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, BHTGVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tính đến thời điểm hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5,7 triệu tỷ đồng tiền gửi tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN đã chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ như giám sát, kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG.

Ngoài việc thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch hàng năm, từ năm 2019, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra an toàn hoạt động của một số quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đã có những đóng góp tích cực trong việc đề xuất phương án xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017.

BHTGVN đã thực hiện tốt các nghiệp vụ quản lý thu phí BHTG, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính. Trong hơn 20 năm qua, BHTGVN đã tích lũy, đầu tư nguồn thu từ phí BHTG để tăng quy mô tổng tài sản lên hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó, quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 64.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, phát huy vai trò, chức năng của mình, BHTGVN đã thực hiện chi trả chính xác, kịp thời theo quy định cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo niềm tin cho người gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Cùng với việc tăng cường năng lực tài chính, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo đó, trong giai đoạn 1999-2005, hạn mức BHTG là 30 triệu đồng, giai đoạn 2005-2017 là 50 triệu đồng và từ 2017 đến nay là 75 triệu đồng. Thời gian tới, hạn mức BHTG dự kiến sẽ tăng lên 125 triệu đồng nhằm bảo vệ tốt hơn nữa cho người gửi tiền.

Được biết, BHTGVN đã lên kế hoạch hành động cho giai đoạn 5 năm tới, vậy phương hướng cụ thể là gì, thưa ông?

Bám sát những nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, BHTGVN xác định mục tiêu phát triển gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống ngân hàng. Năm 2021 là năm đầu tiên, năm bản lề để thực hiện kế hoạch 5 năm đề ra, BHTGVN quyết tâm phát huy mạnh mẽ nội lực, xứng đáng là công cụ hữu hiệu để thực hiện thành công nhiệm vụ chung của ngành, tập trung vào một số nhiệm vụ như sau:

Tổng kết Luật BHTG: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG thông qua việc nghiên cứu và chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của BHTGVN phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực của BHTGVN để có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ người lao động, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Chuẩn bị các nguồn lực để triển khai Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng, năng lực tài chính của BHTGVN và thông lệ quốc tế.

Triển khai đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN theo quy định của pháp luật, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, tập trung vào các hoạt động nghiệp vụ: tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề; triển khai có hiệu quả quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm; nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định; đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn; đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, mở rộng các kênh thông tin và cải tiến các sản phẩm tuyên truyền nhằm phổ biến chính sách BHTG đến công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.

BHTGVN sẽ từng bước nâng cao vai trò, chức năng, đổi mới mô hình hoạt động trong lĩnh vực BHTG, đầu tư tài chính, tham gia chủ động và tích cực hơn nữa trong thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát và quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, trở thành công cụ chính sách hữu hiệu, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Hồng Dung thực hiện
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục