Hai thập kỷ làm tròn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định: “Toàn ngành ngân hàng, trong đó có BHTGVN có quyền tự hào về những nỗ lực vượt bậc trong năm qua đã mang lại những kết quả rất tích cực, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. BHTGVN đã thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu của Chính phủ và NHNN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực đảm bảo an toàn hoạt động và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Với vai trò là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trong năm 2019 nói riêng và 20 năm qua nói chung, BHTGVN tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. BHTGVN đã đạt một số kết quả nổi bật.
Với quá trình tích lũy từ phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư theo quy định của pháp luật và quản lý tài chính bài bản trong 20 năm qua, nguồn vốn của BHTGVN đã tăng trưởng ở mức cao, tổng tài sản đạt hơn 59.000 tỷ đồng, giúp BHTGVN có nguồn lực tài chính đáng kể, sẵn sàng chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Giá trị tiền gửi của người gửi tiền đang được BHTGVN bảo vệ đã ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng tại 1.282 tổ chức tham gia BHTGVN, bao gồm 95 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Riêng đối với năm 2019, qua báo cáo của BHTGVN và qua theo dõi, đánh giá của NHNN cho thấy, BHTGVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Trong đó, NHNN đánh giá cao nỗ lực của BHTGVN trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề và phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đề xuất phương án xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. BHTGVN cũng đã rất chủ động, nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của NHNN.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu của Chính phủ và NHNN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực đảm bảo an toàn hoạt động và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với công tác chuyên môn, BHTGVN đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác đoàn thể và xây dựng được một tập thể đoàn kết, ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới của ngành và từng bước tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
"Với những kết quả mà BHTGVN đã đạt được trong năm 2019 và 20 năm qua, chúc mừng BHTGVN vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập", Phó Thống đốc phát biểu.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trong năm 2020, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là niềm tin của người gửi tiền, BHTGVN tập trung vào một số nhiệm vụ:
Một là, hoàn thành tốt các chỉ tiêu tài chính đã được NHNN giao trong năm 2019.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc NHNN, hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng tiến độ các Đề án: (i) Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; (ii) Đề án phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt; (iii) Đề án nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm; (iv) Triển khai tổng kết Luật Bảo hiểm tiền gửi. Tập trung nguồn lực xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai có kết quả các Đề án sau khi được phê duyệt.
Ba là, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng nói chung và quỹ tín dụng nhân dân nói riêng theo chỉ đạo của NHNN, đặc biệt là Chỉ thị 06 ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN với một số nội dung trọng tâm như: tăng cường vai trò BHTG trong việc tham gia hỗ trợ, xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Bốn là, sử dụng có hiệu quả dữ liệu từ NHNN và các dữ liệu BHTGVN thu thập qua các kênh khác để thực hiện tốt vai trò giám sát và trở thành một kênh giám sát hiệu quả hỗ trợ NHNN trong công tác quản lý, giám sát các tổ chức tín dụng. Ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến kết hợp kiểm tra tại chỗ, kiểm tra chuyên sâu nhằm phát hiện, cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng cũng như toàn hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, nhất là an toàn tiền gửi.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức BHTG, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong đó lưu ý: Làm tốt công tác an toàn bảo mật thông tin để tránh lộ lọt khối lượng dữ liệu lớn NHNN đã chia sẻ cho BHTGVN; Tổ chức tốt công tác bảo trì và chuyển giao, làm chủ công nghệ mới của các hệ thống thuộc dự án FSMIMS để chủ động đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động hàng ngày và yêu cầu nghiệp vụ mới trong tương lai.
Sáu là, phối hợp với chi nhánh NHNN các tỉnh, các đơn vị có liên quan, tăng cường tuyên truyền chính sách BHTG nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Phối hợp cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Hợp tác xã để xác định một hệ thống thông tin báo cáo phục vụ tốt công tác giám sát hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân.
Bảy là, tiếp tục làm tốt các hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức bảo hiểm bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, thể hiện vai trò, trách nhiệm của thành viên tổ chức Hiệp hội BHTG quốc tế.
Trong dài hạn, BHTGVN từng bước nâng tầm đổi mới mô hình, tăng cường vai trò, chức năng của BHTGVN tiến đến phải là một định chế tài chính đa năng trong các lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, đầu tư tài chính, trực tiếp tham gia cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, giám sát và là công cụ thực hiện an toàn hệ thống.