Bảo hiểm sẽ hút bớt vốn ngân hàng?

(ĐTCK-online) Nhiều ngân hàng đã phải lên tiếng về sự quan ngại của họ khi một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trong huy động vốn đang chuẩn bị ra đời, đó là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (BHLKĐT). Trong một cuộc họp mới đây lấy ý kiến cho sự ra đời của sản phẩm này, các quan chức trong ngành bảo hiểm đã cho biết không ít ngân hàng đang phản ứng về sản phẩm nói trên.

Dễ hiểu!

Với những khoản tiền dư thừa, người tiêu dùng sẽ làm gì? Có những câu trả lời là đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… nhưng chắc chắn gửi tiết kiệm vẫn là câu trả lời dễ gặp nhất. Đây là lý do đương nhiên cho việc ngân hàng là kênh thu hút vốn nhàn rỗi chủ đạo của nền kinh tế và con số này vẫn tăng hàng năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2007, tỷ lệ huy động vốn của các ngân hàng đã tăng rất mạnh dự kiến đạt tới mức 34% vào cuối năm nay. Nhưng điều đó có thể không còn nữa.

Theo đánh giá của ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngay trong năm đầu tiên triển khai, BHLKĐT có thể thu hút được khoảng 35.000 tỷ đồng. Như ĐTCK đã từng đề cập trước đây, BHLKĐT là một sản phẩm bảo hiểm có khả năng sinh lời cao hơn các sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Đây chính là lý do để dự đoán sản phẩm BHLKĐT sẽ thu hút được nhiều khách hàng.

Tuy nhiên, dù đã bắt đầu đề cập tới BHLKĐT từ tháng 7/2007, nhưng sản phẩm vẫn chưa thể ra đời. Theo một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, một phần lý do dẫn tới việc mất nhiều thời gian để cho ra đời sản phẩm BHLKĐT là sự phản ứng của khối ngân hàng do lo ngại sản phẩm mới ra đời sẽ "rút bớt" nguồn vốn huy động của các ngân hàng khi mà nghiệp vụ huy động vốn - cho vay vẫn chiếm phần lớn doanh thu của các ngân hàng.

 

Nhưng thừa?

Theo một quan chức của Bộ Tài chính (BTC), lo ngại trên là "hơi thừa", hiện lượng tiền nhàn rỗi trong dân còn nhiều và sự ra đời của sản phẩm BHLKĐT sẽ chỉ làm "miếng bánh huy động vốn" to hơn, chứ không chỉ là một sản phẩm cạnh tranh với ngành ngân hàng.

Sản phẩm BHLKĐT là một sản phẩm mới, sẽ mất ít nhiều thời gian trước khi sản phẩm này có thể thu hút được nhiều khách hàng. Hơn thế nữa, khác với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) truyền thống mà các doanh nghiệp bảo hiểm thường dùng phí bảo hiểm thu của khách hàng đầu tư vào những sản phẩm ít rủi ro như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp hoặc gửi tiết kiệm, thì với BHLKĐT, phần vốn đầu tư sẽ tập trung vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như thị trường chứng khoán, bất động sản... Do vậy, khả năng sinh lời cao cũng đi kèm với rủi ro cao hơn, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tạo dựng sự tin cậy từ khách hàng, điều này không thể đạt được ngay lập tức.

"Con số 35.000 tỷ đồng có lẽ là một con số hơi quá lạc quan", vị quan chức BTC bình luận.

Cũng theo quan chức này, tất nhiên về lâu dài ngành BHNT nói chung và sản phẩm BHLKĐT nói riêng hoàn toàn có thể trở thành một kênh huy động vốn mạnh của nền kinh tế do hầu hết các doanh nghiệp BHNT tại Việt Nam đều là những doanh nghiệp lớn trên thế giới với kinh nghiệm khai thác nhiều thị trường.

"Kinh nghiệm trên thị trường thế giới đã cho thấy, các sản phẩm bảo hiểm sẽ là một kênh huy động vốn lớn trên thị trường bên cạnh các ngân hàng thương mại, nhưng điều này sẽ chưa xảy ra tại Việt Nam ngay lập tức được", vị quan chức này nói.

Tại Việt Nam hiện nay có 8 doanh nghiệp BHNT đang hoạt động trong đó có 7 doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp như Prudential, Manulife, AIA hay Dai-ichi đều đã có những kế hoạch triển khai sản phẩm BHLKĐT sau khi được BTC cấp phép.

Bảo Việt, doanh nghiệp BHNT duy nhất của Việt Nam trên thị trường cũng đã có những sự chuẩn bị của riêng mình qua việc hợp tác với HSBC Insurance (tháng 8/2007, Bảo Việt đã bán 10% cổ phần cho HSBC Insurance). Theo đó, HSBC Insurance sẽ hỗ trợ Bảo Việt về nhân lực cũng như công nghệ trong quá trình triển khai sản phẩm BHLKĐT.

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục